Bài 1: Mở rộng dân chủ trong tiến hành công tác cán bộ
Thời gian từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay đủ để chúng ta nhìn lại và có thêm những kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng. Kế thừa kinh nghiệm của các kỳ đại hội trước, cùng với sự chuẩn bị chủ động ngay từ nhiệm kỳ Đại hội XI để lại những bài học kinh nghiệm hết sức có giá trị trong tiến hành CTCB và xây dựng ĐNCB. Báo Quân đội nhân dân tiến hành khảo sát thực tế, bước đầu nhận thấy cả những thành công và hạn chế, khuyết điểm trong CTCB và xây dựng ĐNCB thời gian qua.
Công khai trong quy hoạch và sử dụng cán bộ
Để chuẩn bị nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ khóa XII, từ cuối tháng 5-2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về "Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng". Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 26 về CTCB. Cùng với đó, Bộ Chính trị khóa XI chủ trương mở rộng dân chủ trong tiến hành CTCB, chuẩn bị nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao tham gia cấp ủy nhiệm kỳ khóa XII.
Ngay từ Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 6, khóa XI, phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Lần đầu tiên Trung ương thảo luận và ra nghị quyết về xây dựng quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch được xác định đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, minh bạch, khách quan; lấy quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự BCH Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc.
Qua thực tiễn, BCH Trung ương khóa XI nhận rõ: ĐNCB cấp Trung ương, cấp chiến lược có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản, nhất là việc mở rộng dân chủ. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hụt hẫng, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong bố trí, phân công cán bộ. Chính vì vậy, những bước phát triển trong công tác quy hoạch cán bộ chiến lược nói riêng, CTCB nói chung (cho nhiệm kỳ mới) của nhiệm kỳ Đại hội XI và các HNTƯ khóa XI là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn CTCB. Bởi vậy, tại các kỳ HNTƯ khóa XI, những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự được Trung ương bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ. Những trường hợp cụ thể còn có ý kiến khác nhau đều được Trung ương biểu quyết bằng phiếu kín để bảo đảm tính công tâm, khách quan, dân chủ. Trước đây, phần việc này Trung ương thường giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảm nhiệm.
Bám sát tinh thần chỉ đạo đó, Trung ương, các đảng bộ trực thuộc Trung ương cùng các cấp ủy đã thống nhất nhận thức và hành động, tập trung sức lãnh đạo chăm lo, tạo nguồn, giới thiệu quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ chiến lược nên nguồn cán bộ được quy hoạch cấp chiến lược tại Đại hội XII về cơ bản một chức danh có thể có nhiều người được quy hoạch, một người có thể được quy hoạch nhiều chức danh, do vậy không bị hẫng hụt, không thiếu cán bộ.
Công tác chuẩn bị nhân sự chiến lược cho Đại hội XII được cụ thể hóa hơn tại HNTƯ 11, khóa XI, diễn ra từ ngày 4 đến 7-5-2015. Hội nghị tập trung xác định tiêu chuẩn Ủy viên BCH Trung ương khóa XII, thống nhất xây dựng tiêu chí Ủy viên BCH Trung ương, trong đó chỉ rõ là: “... Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của BCH Trung ương…”. Theo Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 thì đó là những tiêu chuẩn hết sức cơ bản, cần thiết trong nhân cách của Ủy viên BCH Trung ương; thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Trung ương trong lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ mới. Những tiêu chuẩn này chính là mực thước, là căn cứ giúp Trung ương, hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân lựa chọn được những cán bộ ưu tú nhất cho Đảng.
Công tác chuẩn bị nhân sự Trung ương cho nhiệm kỳ Đại hội XII còn được thể hiện rõ nét trong việc Trung ương lãnh đạo thực hiện khá tốt những vấn đề liên quan đến chính sách cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành hướng dẫn; Chính phủ ban hành nghị định, quy định về chính sách đối với cán bộ không tái cử, tạo điều kiện bố trí, sắp xếp cho những cán bộ còn đủ điều kiện; những đồng chí có nguyện vọng nghỉ hưu theo chế độ chờ đến tuổi nghỉ hưu đều được thực hiện chính sách. Điều này góp phần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ chiến lược nói riêng, cán bộ nói chung, giúp tình hình sau đại hội ổn định. Bám sát các nguyên tắc và các chính sách cán bộ, hầu hết các cấp ủy đã làm tốt công tác đánh giá, thực hiện đúng quy trình, bảo đảm phát huy dân chủ, từ đó lựa chọn, giới thiệu được các đồng chí dự kiến tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các vị trí, chức danh của Đảng.
Tuy vậy, nhìn lại quá trình tiến hành công tác quy hoạch cũng nhận rõ những mặt hạn chế rất đáng lưu tâm. Đó là tình trạng đánh giá, lựa chọn cán bộ chưa thật chính xác, còn yếu về năng lực, trình độ, uy tín, dẫn đến việc bổ nhiệm một số cá nhân không xứng đáng, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước vào các vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước; cán bộ chủ chốt ở một số địa phương, ngành. Một số bộ, ngành, địa phương do sự chuẩn bị nhân sự chưa tốt dẫn đến tình trạng bố trí cán bộ không đúng quy hoạch. Đó là lý do dẫn đến thực tế, chỉ trong hơn hai năm, Trung ương buộc xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi tập thể Bộ Chính trị một cá nhân, đưa hai cán bộ ra khỏi BCH Trung ương khóa XII; một số Ủy viên Trung ương Đảng vi phạm kỷ luật, phải xử lý... Cùng với đó, dư luận cũng băn khoăn về các yếu tố liên quan đến phẩm chất cán bộ, như: Mối quan hệ của vợ, con và người thân của cán bộ; tính trung thực trong kê khai tài sản... Từ những hạn chế, thiếu sót ấy cần được các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở nhìn nhận một cách thẳng thắn để thấy rõ yêu cầu cần tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng cán bộ nói chung, cán bộ chiến lược nói riêng.
Chủ động kiện toàn tổ chức, liên tục rà soát và bổ sung quy hoạch
Một vấn đề trong CTCB là Trung ương và các cấp đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội XII, như phân công công tác đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thời gian tuy gấp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận của nhân dân, các địa phương, đơn vị đã tổ chức bầu cử thành công và nhanh chóng kiện toàn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước và chính quyền các địa phương, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Việc Trung ương quyết định kiện toàn nhân sự sớm (trước khoảng 5 tháng, vì tháng 7-2016 tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV) là quyết định phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đồng chí Hồ Mẫu Ngoạt, Chánh Văn phòng Tổng Bí thư, Trợ lý Tổng Bí thư: Trong nhiều nhiệm kỳ trước đây, thời gian giữa đại hội Đảng toàn quốc (các khóa) thường cách cuộc bầu cử Quốc hội khóa mới trên dưới một năm, dẫn đến khó khăn khách quan trong phân công, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt ở vị trí công tác mới. Nhiều năm, cán bộ mới thì chờ được bổ nhiệm, cán bộ cũ thì chờ bãi nhiệm, sinh ra sự lãng phí vô hình, nhất là tạo "khoảng trống quyền lực". Chính vì vậy, HNTƯ 4, khóa X chủ trương rút ngắn thời gian giữa đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội khóa mới xuống như hiện nay để tháo gỡ một phần nghịch lý, nhưng chưa quyết định việc bầu cử sớm các vị trí chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ... Do vậy, quyết định lần này về CTCB chiến lược được cho là rất quyết liệt, mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định bầu cử sớm, nhanh chóng kiện toàn bộ máy nhân sự là cách làm mang đến nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy vậy rất cần sự nghiên cứu đồng bộ để tránh những vấn đề nảy sinh. Để hoàn thiện phần việc này, các cơ quan chức năng của Trung ương cần chủ động nghiên cứu về cách thức, quy trình để vừa đúng nguyên tắc Đảng, quy định pháp luật, vừa nâng cao hiệu quả CTCB trong tình hình mới.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cho thấy: Một điều quan trọng thể hiện sự dũng cảm, quyết liệt của Đảng là dám nhìn thẳng vào sự thật về chất lượng ĐNCB. Nói cách khác là Trung ương đã làm tốt việc giám sát quy hoạch, bổ sung quy hoạch, thậm chí điều chỉnh quy hoạch khi phát hiện cán bộ được quy hoạch có những dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật thì kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch và bổ sung các nguồn kế cận, kế tiếp...
Tuy vậy, liên quan đến phần việc này, cần thấy rằng công tác giám sát quy hoạch, rà soát quy hoạch chưa được các cấp tiến hành một cách căn cơ; việc bổ sung quy hoạch có thời điểm còn thụ động; thường được tiến hành sau khi có cán bộ đương chức bị vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý. Nhận thức về công tác quy hoạch cán bộ chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều giữa các cấp ủy và các ngành, các cấp. Ở nhiều cơ quan, địa phương vẫn còn tư duy phiến diện, cho rằng công tác quy hoạch là của cấp trên, cấp phó là cán bộ dự bị cho cấp trưởng, nên số lượng cán bộ được quy hoạch còn ít; có cơ quan, đơn vị thực hiện quy hoạch không đồng bộ từ dưới lên, nên việc phát hiện, chuẩn bị nguồn nhân sự để đưa vào quy hoạch còn hạn chế; một số đơn vị còn ngại khó, lúng túng về quy trình và phương pháp thực hiện; tiến độ thực hiện tại nhiều nơi còn chậm; công tác rà soát, đánh giá bổ sung quy hoạch hằng năm còn hạn chế.
Khi tham gia vào Đề án Trung ương 7, khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" được tổ chức ngày 15-3-2018, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đại biểu đã chỉ ra nhiều yếu kém trong nhận xét, đánh giá cán bộ trước khi tiến hành quy hoạch. Nhiều cán bộ được quy hoạch chất lượng còn có mặt hạn chế, chưa thật sát, đúng năng lực, sở trường, chưa sát với quá trình rèn luyện, mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, do tính tự giác nhận xét, đánh giá của cán bộ chưa cao. Cùng với đó, còn có biểu hiện lúng túng, tình trạng nể nang, hình thức trong tự phê bình và phê bình. Mặt khác, do tiêu chí đánh giá chưa cụ thể cho từng chức danh cán bộ, một số trường hợp sau khi được quy hoạch phát hiện có vi phạm phải đưa ra hoặc khi chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm mới phát hiện được những sai phạm.
Công tác quy hoạch cán bộ ở nhiều đơn vị chủ yếu mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt, việc xây dựng nguồn cán bộ lâu dài rất thiếu bài bản. Việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ tại các sở, ngành chưa đáp ứng yêu cầu: Nguồn cán bộ dự bị các chức danh diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý còn lớn tuổi, tỷ lệ cán bộ dự bị trên 50 tuổi còn cao; số cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ rất thấp; cơ cấu cán bộ dự bị chưa bảo đảm 3 độ tuổi để có sự kế thừa, kế cận, kế tiếp... Một số đơn vị, địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác vận hành sau quy hoạch, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ sớm tiếp cận chức danh được quy hoạch hoặc luân chuyển để rèn luyện thông qua thực tiễn ở cơ sở; một số đơn vị, địa phương còn cầu toàn trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên có khó khăn trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, nhất là cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ.
“Có thể nói, xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”... (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
|
(còn nữa)
CÔNG MINH - NGỌC LONG - TẤN TUÂN
Theo QĐND