Nhìn nhận một cách công bằng, di sản văn hóa cồng chiêng đã có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, trở thành một nét đặc sắc để phát triển du lịch vùng đất này. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gồm nhiều thành tố: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người diễn tấu cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó..., trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin đề cập trong phạm vi hẹp là văn hóa cồng chiêng.
TỪ NHỮNG TÍN HIỆU VUI CỦA VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN…
Ngay sau khi di sản được UNESCO vinh danh, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh trong khu vực đã tích cực triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc này thông qua việc ban hành nhiều văn bản của Tỉnh ủy, nghị quyết của Hội đồng nhân dân; quyết định của UBND tỉnh phê duyệt đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn theo từng giai đoạn như tỉnh Kon Tum có đề án giai đoạn 2016-2010 và giai đoạn 2021- 2026; Đắk Lắk có 4 Nghị quyết của HĐND tỉnh theo các giai đoạn từ 2007 đến 2020... Các cộng đồng có di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các nghi lễ truyền thống, lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương cũng như của khu vực. Tỉnh Đắk Lắk tổ chức phục dựng Lễ cúng cầu mưa, Lễ kết nghĩa anh em của người Êđê tại thành phố Buôn Ma Thuột, Lễ cúng Ché tại cộng đồng, Lễ cúng mừng lúa mới và tổ chức trình diễn đúc chiêng; tỉnh Đắk Nông khôi phục lễ hội Tằm Jun - Dyun Jông - Lễ kết nghĩa của dân tộc Mạ; tỉnh Kon Tum đã tổ chức phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số; tỉnh Gia Lai đã tổ chức phục dựng Lễ mừng nhà rông mới của người Bahnar,… và nhiều hoạt động được cộng đồng chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức, nguồn kinh phí khác nhau.
Bên cạnh việc truyền dạy cồng chiêng, các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng thành lập các đội văn nghệ dân gian nhằm tổ chức sinh hoạt, biểu diễn, tham gia các liên hoan, hội diễn về văn hóa cồng chiêng.
Qua hai đợt xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2015 và 2019, đã có134Nghệ nhân ưu tú, 1 Nghệ nhân nhân dân tại 5 tỉnh Tây Nguyên, và tới đây, sẽ có thêm hàng chục nghệ nhân được xét tặng danh hiệu này. |
Các địa phương đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước thông qua hàng trăm lớp truyền dạy đánh cồng chiêng. Ngoài ra, trong chương trình ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác quốc tế của tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã cử Đoàn nghệ thuật cồng chiêng của tỉnh tham gia biểu diễn tại Thụy Điển, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Ôxtrâylia, Đài Loan, Lào, Campuchia...
Việc tổ chức các hoạt động giao lưu, tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa cồng chiêng ở tỉnh, khu vực và quốc tế nhằm góp phần tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì thường xuyên tập luyện, thực hành vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình và có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong điều kiện các cộng đồng khó khăn trong việc mua sắm, trang bị các bộ cồng chiêng, trang phục cho các câu lạc bộ, đội văn nghệ các tỉnh đã bố trí kinh phí, kêu gọi xã hội hóa kinh phí để trang bị cho các cộng đồng. Đắk Nông đã mua và cấp cho cộng đồng 150 bộ chiêng; Đắk Lắk 26 bộ cồng chiêng, 358 bộ trang phục truyền thống; Kon Tum 40 bộ cồng chiêng; Gia Lai 8 cồng chiêng. Việc tổ chức và tham gia các cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì, thường xuyên thực hành di sản, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành di sản tại cộng đồng. Riêng ở Đắk Lắk, hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, liên hoan văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa, thể thao cấp xã, các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cầu mùa no đủ, Lễ trưởng thành và nhiều nghi lễ, lễ hội khác.
...ĐẾN NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tình trạng “chảy máu cồng chiêng” đã cơ bản được ngăn chặn, nhiều nghi thức, nghi lễ gắn với văn hóa cồng chiêng đã được phục dựng và có mặt ở nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; cồng chiêng Tây Nguyên đã vang lên ở rất nhiều nước trên thế giới và đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng và của Tây Nguyên nói chung phải chịu sự tác động rất lớn từ nhiều yếu tố khác nhau: điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội, quá trình giao lưu hội nhập, phát triển kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian trình diễn, diễn xướng văn hóa cồng chiêng. Chính sách, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ cho các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân cồng chiêng nói riêng chưa thỏa đáng, nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân dành hết tâm huyết trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Thực tế cho thấy, số nghệ nhân biết thực hành di sản ngày càng giảm nhiều, chưa kịp trao truyền di sản cho thế hệ kế nghiệp, đã mất đi do tuổi cao sức yếu. Công tác quản lý, phối hợp bảo vệ cồng chiêng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, trình trạng trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương. Ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa cồng chiêng của một bộ phận người dân còn hạn chế, có hiện tượng trao đổi, mua bán cồng chiêng để phục vụ kế sinh nhai và nhiều mục đích khác nhau. Kinh phí bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những nội dung đề ra nhưng chưa thực hiện được do hạn hẹp về nguồn kinh phí. Mặc dù là chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng hiện nay các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng vẫn chưa có một nghệ nhân nào biết đúc chiêng, chưa có một cơ sở đúc chiêng nào, số lượng bộ các cồng chiêng hiện có của 5 tỉnh Tây Nguyên đều là do mua bán, trao đổi ở các địa phương khác...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng vẫn còn những thực trạng lo ngại như:
Một là, chưa có một đề án tổng thể, quy hoạch văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho bài bản, chiến lược. Qua báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý của các tỉnh đã vào cuộc nhưng chưa đồng bộ: về kinh phí, về các biện pháp, phương pháp thực hiện. Mục tiêu của các đề án, dự án đã triển khai thực hiện đã trúng và đúng nhưng chưa đủ. Chưa có một cuộc khảo sát và đánh giá tổng thể một cách thực chất về thực trang văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện nay. Điều đó đòi hỏi phải có có giải pháp tổng thể, đồng bộ. Đó là phải Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng một đề án tổng thể, trong đó cần quan tâm đến nhu cầu của cộng đồng đối với di sản mà họ đang sở hữu. Trong bối cảnh 4.0, không thể đòi hỏi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng phải quay trở lại như những gì trong quá khứ từng có, mà cần căn cứ vào thực tiễn cụ thể của mỗi địa phương để có những định hướng chung nhất, để những giá trị ấy không cần hiện hữu đầy đủ nhưng cũng sẽ không mất đi.
Hai là, chưa có hoạt động bảo tồn, quảng bá định kỳ. Trong 15 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên mới tổ chức được 5 kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào các năm 2007, 2017 (tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk); năm 2009, 2018 (tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và năm 2015 (tại TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Có thể nhận thấy các festival này chưa được định hướng thống nhất, chưa định kỳ, mà còn manh mún, tùy thuộc vào điều kiện của các địa phương, tỉnh nào thuận lợi thì làm và cũng không có quy định chương trình khung. Việc này đang rất cần sự chỉ đạo chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức định kỳ với những nội dung phong phú, thiết thực.
Ba là, chưa có một cú hích thật sự. Môi trường sống thay đổi, xuất hiện các yếu tố văn hóa mới đã làm thay đổi, mai một nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng, tác động không nhỏ tới hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng, không gian diễn xướng bị mất hoặc thu hẹp. Chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế và bất cập. Kinh phí hỗ trợ cho các đội cồng chiêng, đội văn nghệ, hỗ trợ trang phục, mở lớp truyền dạy còn hạn chế. Thiếu những quy định cụ thể về nội dung, mức chi hỗ trợ cho các nghệ nhân, cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Có ít di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh Tây Nguyên được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Một trong những nguyên nhân của khó khăn, tồn tại trên là do thiếu kinh phí. Thiết nghĩ, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là cơ hội không thể tốt hơn, các tỉnh Tây Nguyên nên tận dụng để tạo một cú hích thật sự cho sự phát triển của văn hóa cồng chiêng.
VẬY GIẢI PHÁP NÀO?
Thiết nghĩ, ở góc độ quản lý nhà nước, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên: (1) Chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, trong đó cần phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của địa phương để các tỉnh Tây Nguyên có căn cứ triển khai thực hiện. (2) Có văn bản chỉ đạo chính thức để các tỉnh Tây Nguyên định kỳ tổ chức Festival cồng chiêng định kỳ 2 - 3 năm/lần luân phiên giữa các tỉnh với nhiều nội dung phong phú, khoa học, thiết thực, thu hút sự quan tâm không chỉ của khách du lịch mà còn thu hút giới khoa học trong và ngoài nước. (3) Tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể (hằng tháng) đối với các nghệ nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, nhất là đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Có thực hiện những giải pháp căn cơ và đồng bộ nhưng cũng rất cụ thể như vậy, văn hóa cồng chiêng mới có thể phát huy tốt hơn nữa giá trị quý báu của mình trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Tây Nguyên ngày càng phát triển bền vững./.
Đặng Gia Duẩn
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk