Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 21/4/2021 14:38'(GMT+7)

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương: Luôn trường tồn và giữ vị trí linh thiêng

TS. Lê Thị Minh Lý. Ảnh: VGP

TS. Lê Thị Minh Lý. Ảnh: VGP

Hằng năm, mỗi khi đến ngày 10/3 âm lịch, người dân trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về ngày Quốc Tổ - Giỗ Tổ Hùng Vương. Nhân dịp này, TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về việc giữ gìn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nói chung.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã thấm vào máu thịt của cộng đồng người Việt, thể hiện rõ ở việc thờ Hùng Vương là thờ Quốc Tổ. Cùng với thời gian, tín ngưỡng này đã tích hợp nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc để lan tỏa, bồi đắp, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho tinh thần và văn hóa Việt Nam. Xin bà cho biết những giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống đó được tạo dựng như thế nào, thưa bà?

TS Lê Thị Minh Lý: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình người Việt. Sau khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những giá trị của tín ngưỡng này được khẳng định rõ ràng hơn, được lan tỏa hơn. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc. Song, hiếm có dân tộc nào mà người dân sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về một ngày Quốc Tổ, chung một cội rễ như dân tộc Việt Nam.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay trở thành nghi lễ, niềm tin, tấm lòng, là sự biểu đạt kính trọng của người Việt Nam với nguồn cuội của mình nên càng ngày càng tích hợp nhiều giá trị văn hóa. Đó là những giá trị về mặt đạo đức như “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ, gắn kết, cùng củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trước những thách thức trong lịch sử như chống giặc ngoại xâm trước kia. Hay ngày nay là vượt qua những khó khăn, mất mát về thiên tai, những hoàn cảnh áp lực trong cuộc sống.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được thi vị hóa bằng những biểu đạt văn hóa có tính nghệ thuật qua các câu hát, điệu múa mà chúng ta thấy rất rõ là hát Xoan. Trong 3 chặng hát xoan thì chặng đầu là hát thờ, với nhiều câu hát về mối quan hệ giữa nhân vật biểu tượng là Vua Hùng với những con người đang sống hiện nay như mời Vua về chứng cho công việc, phù hộ cho mùa màng tốt tươi và từ đó bày tỏ lòng thành kính với Vua Hùng. Đó là biểu tượng của niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Niềm tin ấy không phải là mê tín mà là sự khuyến khích vươn lên, phấn đấu trên mỗi chặng đường của mỗi con người.

Trong giai đoạn mới, để bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo bà cần làm những việc gì?

TS Lê Thị Minh Lý: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương liên quan đến tinh thần yêu nước vì vậy trước hết cần củng cố tinh thần yêu nước. Thứ hai cần cụ thể hóa các hoạt động, ví dụ bày tỏ lòng yêu nước ấy bằng chính tình yêu thương đồng loại của mình, yêu những người thân trong gia đình, yêu cộng đồng xung quanh mình.

Bên cạnh một năm có ngày Giỗ Tổ (10/3 âm lịch), để phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cần những hành động thiết thực như bày tỏ sự kính hiếu, tôn trọng những người đã sinh ra chúng ta, những người có công với đất nước hoặc những người đang ở những tuyến đầu để bảo vệ đất nước.

Để có được điều đó cần có sự giáo dục thường xuyên, trong đó, quan trọng nhất là giáo dục từ trong nhà trường về những nghi lễ, bài học ứng xử văn hóa, về truyền thống, đạo đức. Những bài học trong nhà trường cần phải tích hợp dạy về các di sản văn hóa phi vật thể để thế hệ trẻ vừa hiểu về di sản vừa có thể ứng dụng những quy tắc đạo đức đó một cách thú vị và có ý nghĩa sâu sắc.

Việc phục hồi, khai thác và phát triển ồ ạt các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng có khi mang đến những lo ngại về sự biến dạng các giá trị nguyên bản của di sản. Ý kiến của bà về vấn đề này như nào, thưa bà?

TS Lê Thị Minh Lý: Tôi không quá lo ngại về sự biến dạng vì sự biến dạng sẽ được nhìn nhận ra ngay và sẽ được thông tin tới những người có liên quan vì thế giới chúng ta là thế giới phẳng.

Điểm nữa, chúng ta có hệ thống quản lý nhà nước khá chặt chẽ, có các định hướng rất rõ về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Mục tiêu của việc bảo vệ các di sản văn hóa là để giữ gìn sự đa dạng văn hóa của đất nước, của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Từ định hướng đó các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng phát hiện việc sử dụng di sản văn hóa để trục lợi hoặc làm sai lệch di sản văn hóa để kiếm lời hay việc vô tình làm sai lệch và có chế tài để quản lý.

Tuy nhiên, việc trục lợi liên quan đến di sản có thể vẫn đang len lỏi trong cuộc sống hằng ngày. Đó là thực tế mà mỗi quốc gia đều gặp phải và điều quan trọng là chúng ta phải luôn sẵn sàng tỉnh táo, có những biện pháp hữu hiệu để hạn chế những việc như vậy.

Ngoài địa phương, cơ quan quản lý nhà nước thì cộng đồng là những người nắm giữ di sản. Theo bà, cộng đồng có vai trò như thế nào trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể?

TS Lê Thị Minh Lý: Vai trò của cộng đồng là điều kiện tiên quyết trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Để cộng đồng làm tốt vai trò của mình, đầu tiên cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu cũng như các tổ chức phi Chính phủ, thậm chí cả các doanh nghiệp.

Trước hết phải giúp cộng đồng hiểu được giá trị của các di sản họ đang nắm giữ. Thứ hai là phải tạo cho họ những cơ hội, cơ chế để có thể giới thiệu di sản của mình, chia sẻ di sản của mình với những cộng đồng khác. Cần phải loại bỏ tâm lý hơn kém, đừng nghĩ rằng di sản của dân tộc này hơn di sản của dân tộc khác mà hãy hiểu rằng mỗi biểu đạt văn hóa đều có những giá trị khác nhau và chỉ có cộng đồng đó mới hiểu được hết giá trị của di sản văn hóa mà cộng đồng đó đang nắm giữ.

Thứ ba là cộng đồng chỉ có thể bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khi di sản văn hóa phi vật thể ấy mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực. Ví dụ tập quán tâm linh, tín ngưỡng làm cho cuộc sống của họ phong phú hơn, bình yên hơn, phấn khởi và tự tin hơn. Nhưng cũng có một số di sản khác tạo ra những giá trị kinh tế, như những di sản phục vụ cho du lịch, những di sản tạo ra hàng hóa phục vụ cho đời sống con người... Những câu chuyện tạo ra giá trị gia tăng đó bản thân cộng đồng cũng có năng lực nhưng sẽ tốt hơn nếu các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp chung tay với họ, cùng giúp họ tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới và giúp quảng bá, truyền thông đến các đối tượng cần thiết. Từ đó họ sẽ biết giữ gìn, trân trọng và sử dụng di sản một cách đúng đắn, hiệu quả.

Kiều Liên (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất