10 năm rong ruổi qua nhiều tỉnh, thành phố, nhiếp ảnh gia Rehahn Croquevielle đã có hàng ngàn bức ảnh về đồng bào các dân tộc Việt Nam.
10 năm rong ruổi qua nhiều tỉnh, thành phố, tiếp cận được với người dân của 48 dân tộc thiểu số Việt Nam, nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn Croquevielle đã có hàng ngàn bức ảnh về đồng bào các dân tộc trên dải đất hình chữ S. Tình yêu văn hóa là động lực giúp anh thực hiện dự án chụp và lưu giữ lại hình ảnh về chân dung con người, văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.
Bộ sưu tập 35 bức ảnh nghệ thuật mang tên “Di sản vô giá” trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và du khách. Triển lãm là một phần nhỏ trong hàng nghìn bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn khi thực hiện dự án về các dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua các bức ảnh, công chúng có thêm cơ hội khám phá những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cẩm Nhung, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: "Khi xem các bức ảnh thì em thấy nhiếp ảnh gia rất yêu Việt Nam, mỗi bức chân dung đều nói lên được câu chuyện riêng của nhân vật trong ảnh và cũng nói luôn được câu chuyện của tác giả với người trong ảnh. Màu sắc của các bức ảnh và bố cục ảnh rất lạ, không bị nhàm chán mặc dù bố cục rất đơn giản. Qua triển lãm đưa hình ảnh người Việt Nam ra nước ngoài, em nghĩ đó là điều rất hay".
Còn Giằng Thị Cá, dân tộc Mông, ở thị trấn Sapa, Lào Cai thì tự hào nói: "Em cảm thấy anh Reahn rất thích dân tộc và tập tục văn hóa của dân tộc em. Em cũng rất vui khi đến đây có bức ảnh của dân tộc em và em muốn sau này những bức ảnh này sẽ nói cho mọi người trên thế giới biết về phong tục tộc quán của dân tộc em. Việc làm của anh Rehahn rất có ý nghĩa, đã lưu lại tất cả bức ảnh về trang phục dân tộc em để cho những thế hệ sau này biết được dân tộc của mình là như thế này và sẽ mãi mãi không bao giờ mất".
Xuyên suốt các bức ảnh, nhiếp ảnh gia Rehahn tái hiện sinh động cuộc sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Những bức chân dung nổi tiếng của anh ghi lại chân thực hình ảnh các cụ bà, trẻ em, đại diện cho các dân tộc từ nhóm có hàng trăm ngàn người đến nhóm vài trăm người như Ơ Đu, Rơ Măm. Trong hành trình đi đến với 48 dân tộc của Việt Nam thực hiện được những bức chân dung độc đáo ấy, anh đã trải qua nhiều thách thức như phải tìm hiểu văn hóa truyền thống của từng dân tộc đến tiếp cận với nhân vật.
Nhiếp ảnh gia Rehahn cho biết: "Trong quá trình đi tôi gặp rất nhiều khó khăn, một số vùng không cho người nước ngoài vào như vùng Sa Thầy của tỉnh Kon Tum. Tôi đã mất 3 năm mới có thể tiếp cận được người Rơ Măm. Và khó khăn nữa là không phải người dân nào cũng còn lưu giữ những bộ trang phục truyền thống và họ không nói tiếng Việt mà dùng tiếng dân tộc mình. Đó cũng là điều khó khăn trong giao tiếp nhưng tất cả khó khăn đó đều được dần dần khắc phục. Khi tiếp xúc được với họ thì mới thấy được họ rất vui khi có người quan tâm đến văn hóa dân tộc mình nên họ rất tích cực và tạo mọi điều kiện cho tôi".
Trong các bức ảnh Rehahn chụp, các nhân vật đều mặc trang phục truyền thống, vì theo anh, trang phục thể hiện được những giá trị văn hóa đặc trưng trong phong tục tập quán và kiến thức cổ xưa của từng dân tộc. Thông qua các bức ảnh, anh mong muốn công chúng Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới hiểu thêm bản sắc văn hóa của các tộc người Việt cũng như những câu chuyện đằng sau các bức ảnh mà anh gửi gắm.
"Một trong những điều mà tôi quan tâm và lo ngại là những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Việt Nam đang dần bị mất đi vì hiện nay còn rất ít người làm những bộ đồ truyền thống này. Cho nên khi đi chụp ảnh, tôi không chỉ với tư cách là một nhiếp ảnh gia mà còn muốn bảo tồn văn hóa. Tôi luôn cố gắng động viên những người dân tộc mặc đồ truyền thống để tôi chụp ảnh để vừa có ảnh chân dung, vừa khoe ra những trang phục để những người nước ngoài họ nhìn vào sẽ thấy được dân tộc Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc. Các trang báo nước ngoài rất quan tâm tới dự án của tôi vì đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới và qua đó giúp họ được nhìn thấy tận mắt giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam".
Rehahn cho biết: Sau 2 tháng trưng bày, một phần ảnh trong bộ sưu tập “Di sản vô giá” sẽ được tặng lại cho bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá: "Bộ ảnh này rất có giá trị vì để ghi được những khoảnh khắc như thế này thì nhiếp ảnh gia phải có thời gian làm quen với các tộc người, vượt qua được hàng rào về ngôn ngữ và đặc biệt là thể hiện được tình cảm của nhiếp ảnh gia với người dân để tạo nên được những bức ảnh sống động như thế này. Cho nên, chúng ta thấy các bức ảnh nghệ thuật của ông rất có hồn và hấp dẫn người xem".
Tình yêu dành cho nhiếp ảnh đã đưa Rehahn đến với 35 quốc gia, nhưng anh lại lựa chọn thành phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam là nơi để sống và tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình về nhiếp ảnh. Sắp tới, ngoài việc hoàn thiện nốt dự án bộ sưu tập ảnh về 54 dân tộc ở Việt Nam, Rehahn đang ấp ủ kế hoạch đưa đại diện cả 54 dân tộc cùng về Hội An dự hội.
Rehahn cho rằng, cách lưu giữ văn hóa truyền thống tốt nhất là khi các chủ thể văn hóa tự hào giới thiệu về văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới mọi người. Và chính sự tự hào ấy sẽ thôi thúc họ gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông./.
Hồng Bắc (VOV)