Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 26/7/2017 20:57'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật

Ngày 25/7/2017, tại Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị “Giao ban văn hóa - văn nghệ khu vực miền Bắc”. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở VH-TT&DL, Hội Văn học nghệ thuật 25 tỉnh, thành khu vực miền Bắc. 

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các địa phương trong khu vực đã tích cực  triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật; kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ, phát hiện, bồi dưỡng tài năng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hội văn học, nghệ thuật (VHNT). Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện, khuyến khích các hội viên, văn nghệ sỹ tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân: Hà Nội triển khai thực hiện đề án Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020; Bắc Ninh ban hành Quy định về chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Vĩnh Phúc xây dựng  Đề án “Phát triển văn học nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Đề án “Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc”; Ninh Bình xây dựng Kế hoạch về phát triển văn học nghệ thuật và định hướng cho từng giai đoạn; Quảng Ninh có cơ chế động viên, khen thưởng đối với văn nghệ sỹ đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật bằng 100% mức thưởng của Trung ương; ngân sách tỉnh tài trợ cho tác giả, nhóm tác giả để sáng tạo các tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; cấp 100% kinh phí đặt hàng tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh… 

Tổ chức gặp mặt các văn nghệ sỹ và hội viên hội VHNT vào dịp đầu xuân để động viên, khích lệ và định hướng tư tưởng cho các hoạt động sáng tác; tổ chức tốt Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV, Hội Báo Xuân với những hình thức phong phú, sôi nổi, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và độc giả. Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, sinh hoạt chuyên đề; tổ chức tọa đàm, hội thảo, các đợt khảo sát, thâm nhập thực tế cho hội viên...

Các địa phương quan tâm và kịp thời định hướng tư tưởng, chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; động viên văn nghệ sĩ tích cực đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, lệch lạc trong văn học, nghệ thuật. Nhờ đó, hoạt động sáng tác của văn nghệ sỹ trong khu vực đảm bảo đúng định hướng của Đảng, không xuất hiện tác phẩm có vấn đề về tư tưởng, chính trị. 

Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi. Đội ngũ văn nghệ sỹ đã bám sát thực tiễn đời sống, tích cực sáng tác và  tham gia các cuộc thi với các chủ đề, thể loại đa dạng. Chất lượng các tác phẩm ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của bạn đọc. Nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng nghệ thuật tốt được đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương; nhiều tác phẩm hay, đặc sắc được lựa chọn và trao giải. Nhiều cuộc thi được phát động, thu hút đông đảo hội viên và văn nghệ sỹ tham gia: Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chủ đề biển đảo, lịch sử, cách mạng, kháng chiến; Cuộc thi Sáng tác - Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh “Đảng, Bác Hồ với Thái Nguyên” (Thái Nguyên); cuộc thi “Ảnh đẹp Lào Cai” năm 2017 chào mừng sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2017 (Lào Cai); Cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Hoà Bình”, “Viết bài thuyết minh giới thiệu về các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh Hoà Bình”, cuộc thi truyện ngắn và thơ mang tên “Những làn gió Tây Bắc” (Hòa Bình); cuộc thi “Sáng tác ca khúc thiếu nhi” (Hà Nội); cuộc thi “Ảnh đẹp hoa Ban” và “Người đẹp Hoa Ban qua ảnh 2017” (Điện Biên); Cuộc thi ảnh “ Bắc Giang quê hương tôi” (Bắc Giang); Cuộc thi sáng tác và sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh tìm hiểu Quảng Ninh 30 năm đổi mới (Quảng Ninh); Cuộc thi "Ảnh đẹp quê hương con, người Phú Thọ" (Phú Thọ); Cuộc thi sáng tác biểu trưng và logo Yên Bái; cuộc thi sáng tác Ảnh nghệ thuật “Đất và người Yên Bái” lần thứ II năm 2017 (Yên Bái) ; tổ chức giải thưởng Lê Quý Đôn tôn vinh những văn nghệ sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh (Thái Bình); Cuộc thi sáng tác truyện, ký và thơ chủ đề về biển đảo, nông thôn, gương người tốt việc tốt (Hưng Yên). 

Nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tác và phát hiện, bồi dưỡng tài năng, các hội VHNT địa phương đã tổ chức cho văn nghệ sỹ đi thực tế sáng tác: Vĩnh Phúc tổ chức cho hội viên ở nhiều chuyên ngành tham dự các trại sáng tác VHNT. Trong thời gian dự trại, các văn nghệ sĩ đã hoàn thành 01 trường ca; 03 tập thơ; 18 bài thơ; 09 bản nhạc; 01 kịch bản sân khấu và 01 tập nghiên cứu văn nghệ dân gian, 33 tác phẩm, nhóm tác phẩm của 21 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc thể loại mỹ thuật và các tác phẩm ảnh nghệ thuật; Hòa Bình tổ chức Trại sáng tác VHNT cho 30 hội viên thuộc 6 chuyên ngành tham gia tại Nhà sáng tác Vũng Tàu; Hà Nội tổ chức 4 trại sáng tác, sáng tác được gần 100 tác phẩm; Ninh Bình: mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 trại sáng tác trẻ cho các em học sinh, sinh viên có năng khiếu và say mê VHNT; Lai Châu tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ kết hợp với thực tế sáng tác dài ngày tại cơ sở cho 30 lượt hội viên; tổ chức 1 trại sáng tác tại Nha Trang cho 15 hội viên; Quảng Ninh mỗi năm mở 04 đến 06 trại sáng tác, tổ chức từ 5 đến 7 chuyến đi thực tế cho văn nghệ sỹ. 6 tháng đầu năm 2017, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức cho hội viên tham gia trại sáng tác biểu trưng logo huyện Tiên Yên và sáng tác tranh ảnh nghệ thuật vùng Đông Bắc; tổ chức đi thực tế sáng tác cho các hội viên tại 5 huyện; mở các lớp sáng tác hội họa cho 15 học sinh có năng khiếu; Hải Phòng, hằng năm, tổ chức từ 5 đến 7 trại sáng tác trong và ngoài thành phố; Thái Bình tổ chức hàng chục chuyến đi khảo sát thực tế, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành trong cả nước cho các văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật các ngành liên quan; tổ chức nhiều trại sáng tác văn học, nghệ thuật tại địa phương và tổ chức cho hội viên tham gia nhiều trại sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc…

 Công tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến đông đảo hội viên và công chúng được đẩy mạnh: Ninh Bình hỗ trợ kinh phí hàng trăm triệu đồng cho Hội VHNT tỉnh thực hiện việc công bố các tác phẩm tiêu biểu và tổ chức các lớp bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ cho hội viên; Lào Cai tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất mẹ ngọt ngào”, giới thiệu, quảng bá tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của nhạc sỹ NSƯT Minh Sơn; Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam công diễn thành công vở Nhạc kịch “Lá đỏ” tại Nhà hát tỉnh; Sơn La hằng năm xuất bản 2 tác phẩm nghiên cứu văn nghệ dân gian, xuất bản sách và các tác phẩm văn học, nghệ thuật; phát hành các đĩa CD âm nhạc sau các cuộc vận động sáng tác; hỗ trợ, khuyến khích các tác giả in sách, đĩa CD, VCD của cá nhân; Hà Giang đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh 193 tác phẩm, giới thiệu trên website của Hội văn học nghệ thuật tỉnh 40 tin, 30 tác phẩm tranh, ảnh, hơn 80 tác phẩm thơ văn, với trên 4.000 lượt người truy cập; Lai Châu đăng trên Tạp chí Văn nghệ hơn 400 tác phẩm; Phú Thọ đăng tải hơn 700 tác phẩm VHNT, báo chí trên Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, xuất bản được 09 đầu sách văn học, nhiều tác phẩm được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương và các tỉnh bạn; Hải Phòng, hằng năm, tổ chức và tham gia trên 10 cuộc triển lãm mỹ thuật, ảnh ở trong và ngoài thành phố..; 

Về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảm thiết thực, hiệu quả. Gắn việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI), Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. 

Công tác xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được các địa phương quan tâm; tập trung các giải pháp để xây dựng con người về  đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc. Nhiều địa phương đã xây dựng các nghị quyết, đề án chuyên đề để triển khai thực hiện: Ninh Bình ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững; Vĩnh Phúc hoàn thiện Đề án quy hoạch “Phát triển sự nghiệp văn hóa Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án “Nụ cười Hạ Long”, xây dựng Nghị quyết và Đề án về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Thái Nguyên tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hoá cơ sở…                                          
                                                          
Cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo cơ sở xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cơ sở thực tiễn của đơn vị xây dựng tiêu chí nếp sống văn hóa, văn minh và tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp phù hợp: Hà Nội ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; Nam Định ban hành Nghị quyết “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Quảng Ninh ban hành Nghị quyết về “Một số nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”; Quy định “về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhiều địa phương xây dựng quy chế văn hóa công sở, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện giao tiếp và văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. 

Các địa phương tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; quan tâm thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, thương yêu nhau. Các nhà trường chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, thực sự trở thành trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái... cho thế hệ trẻ. Bắc Ninh ban hành Nghị quyết về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020”, 100% các trường đã tổ chức cho học sinh và cán bộ, giáo viên hát Quốc ca khi chào cờ, các trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh và duy trì tốt hoạt động của các Câu lạc bộ Quan họ trong trường học; các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo ngành giáo dục và đoàn thanh niên đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hoá và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên các nhà trường.

Về thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, các địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW về chống sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại. 

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và đoàn thanh tra liên ngành đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo, các quán karaoke, internet, vũ trường… ; nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động mua bán, tàng trữ, lưu hành, phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội trên địa bàn; xử lý nghiêm các cơ sở, đối tượng vi phạm. Các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, cấp phép xuất nhập khẩu, xuất bản văn hóa phẩm (Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang…). 

Về thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội
, các địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh. Việc cưới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn được những nét đẹp trong phong tục, tập quán của từng dân tộc, đảm bảo thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Các địa phương đã hạn chế được nạn tảo hôn, thách cưới, kết hôn cận huyết thống, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Việc tang tổ chức đảm bảo theo các quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Thông tư  số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lễ viếng đảm bảo tính trang nghiêm, đơn giản, tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường; hạn chế việc để người chết quá 48 giờ, ăn uống linh đình trong tang lễ. Những hủ tục lạc hậu, những hiện tượng mê tín dị đoan trong việc tang ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã giảm đi rõ rệt. Các địa phương tích cực vận động các gia đình khi có đám tang thực hiện việc hỏa táng, điện táng; một số địa phương có chính sách hỗ trợ cho các gia đình hỏa táng, tiêu biểu như Bắc Ninh, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/1 đám tang, các cấp huyện, xã, thôn cũng hỗ trợ thêm từ 2 - 5 triệu đồng/1 đám tang...

Việc quản lý, tổ chức lễ hội được các địa phương tập trung chỉ đạo sát sao, có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về lịch sử, giá trị di tích, ý nghĩa lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích… Hầu hết các lễ hội năm nay đi vào nề nếp; việc tổ chức lễ hội gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia; ý thức của người tham gia lễ hội được nâng lên, hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, đặt tiền không đúng nơi quy định… như những năm trước. Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được tăng cường; nạn ăn xin, đổi tiền lẻ, trộm đồ, chèo kéo khách… ở các lễ hội đã hạn chế. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã được chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh); Hội đả cầu cướp phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc); lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha, phết Hiền Quan (Phú Thọ), Lễ hội Đền Đông Cuông (Yên Bái)… Những địa phương có lễ hội lớn đã thực hiện tốt việc quản lý và tổ chức, đảm bảo an ninh, an toàn: Lễ hội Chùa Hang gắn với tổ chức Triển lãm ảnh - tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” (Thái Nguyên); Lễ hội Yên Tử  (Quảng Ninh); Lễ hội Đền Hùng  (Phú Thọ);  Lễ hội đền Trần (Nam Định); lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)…

Hội nghị cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật; trọng tâm là Nghị quyết số 23-NQ/TW (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay gắn với việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc; tiếp tục đổi mới và tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc, những tình huống phát sinh trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ để định hướng dư luận xã hội; tham mưu, đề xuất các biện pháp để chỉ đạo kịp thời.

Đào Văn Hiếu

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất