Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 22/8/2014 14:39'(GMT+7)

Văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động

Ngày 22-8, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học: Văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động. Đồng chí Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện; đồng chí Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật Trung ương, đồng chí Lê Văn Toan, đồng chủ trì hội thảo.

Thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới. Mỗi người Việt Nam đều đứng trước rất nhiều tác động từ chính trị đến kinh tế, từ tâm lý văn hóa đến sở thích cá nhân, từ sự tràn ngập hàng ngoại trên thị trường cạnh tranh với hàng nội, đến chất lượng tiếp thị của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Có biết bao nhiêu bài toán đặt ra cần phải giải quyết từ nhận thức đến hành động, và là một thách đố, rất cần các nhà khoa học trao đổi và hiến kế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh, hội thảo nhằm mục đích đi sâu nghiên cứu, nhận biết, minh giải các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, phân tích các xu hướng biến động, chuyển dịch, phát triển của từng lĩnh vực kinh tế, thị trường, hàng hóa, sản phẩm dịch vụ nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Trên cơ sở đó, áp dụng vào công tác quản lý, đề xuất chiến lược phát triển thị trường nội địa, đề xuất hoàn thiện công tác quản lý, thể hiện bằng các cơ chế chính sách trong chi tiêu tài chính công, hướng tới hoàn toàn  sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước, phương cách triển khai, quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tới các khối doanh nghiệp trong nước, coi đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện phát triển hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam.

Có thể khẳng định, văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam là vấn đề lớn, có ý nghĩa trên cả bình diện lý luận và thực tiễn. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến tập trung vào 4 góc độ tiếp cận chính:

Thứ nhất, tiếp cận từ góc độ người lãnh đạo, quản lý, tức là góc độ người ban hành chủ trương, chính sách, tổ chức, quản lý.

Thứ hai, tiếp cận từ góc độ chi tiêu công, tức là làm thế nào để các cơ quan, công sở ưu tiên mua và sử dụng hàng Việt Nam trong công sở.

Thứ ba, tiếp cận từ góc độ các doanh nghiệp, tức là tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tiếp thị.

Thứ tư, tiếp cận từ góc độ công chúng tiêu dùng, tức là xây dựng nếp sống, văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh, một trong những mục đích cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là đẩy mạnh doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, giá thành hợp lý. Người tiêu dùng biết kế thừa văn hóa tiêu dùng truyền thống và tiếp nhận văn hóa tiêu dùng hiện đại, tránh tâm lý “sung ngoại, sính ngoại và tự ti hàng nội”. Vì vậy, cần có các chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững.

Đồng chí Đào Duy Quát cũng cho rằng, cần chú ý tới lực lượng văn nghệ sỹ, để họ có thể sáng tạo ra các tác phẩm, nhằm tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về lòng yêu nước, ý thức tự lực tự cường xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển và đẩy mạnh việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hình thành văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Tiếp cận từ góc độ xã hội học, PGS.TS Vũ Hào Quang (Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí & Tuyên truyền)  cho biết, người tiêu dùng chủ yếu nhận biết được các thông tin về hàng Việt Nam chủ yếu qua các kênh thông tin là truyền hình, đài tiếng nói, báo in và qua kênh “bạn bè và người thân”. Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có tác động, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người Việt Nam, làm thay đổi nhận thức và hành vi của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hàng nhập lậu, hàng Trung Quốc mẫu mã đẹp và giá rẻ vẫn có sức thu hút lớn đối với người mua, nhất là ở các vùng nông thôn và miền núi.

 
 PGS.TS Vũ Hào Quang trình bày tại Hội thảo (Ảnh: TH)

PGS.TS Vũ Hào Quang cũng đưa ra kiến nghị, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ về để đẩy mạnh người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ở các vùng nông thôn, miền núi, cần sử dụng các băng rôn, khẩu hiệu, hay các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao để bà con có thể biết nhiều hơn tới các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Lồng ghép thực hiện đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam với giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay.

Dưới một góc độ khác, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam lại khẳng định ở khu vực chợ truyền thống hiện nay, có một sự giằng co giữa hàng Việt và hàng ngoại nhập giá rẻ. Vì vậy, ông Tô Hoài Nam đề nghị cần nghiên cứu, đề xuất về mạng lưới bán hàng từ các thành phố lớn tới các thị xã, thị trấn, vùng miền xa xôi của Tổ quốc để hàng Việt Nam thực sự đến được với người tiêu dùng Việt Nam.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, chia sẻ, hiện nay, thu nhập của các hộ gia đình Việt Nam tăng lên, khả năng chi tiêu cũng tăng lên, từ thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu chuyển sang  nhu cầu hưởng thụ. Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng cho rằng các phương thức tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chưa đủ mạnh, chưa có tác động lớn để việc sử dụng hàng Việt Nam như một phong trào, không chỉ đơn thuần về mặt tiêu dùng mà đó còn khơi dậy và thể hiện lòng yêu nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Ban tổ chức hội thảo đã ghi nhận và tiếp thu những nghiên cứu đề xuất đổi mới quản lý, đầu tư công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hệ thống phân phối bán lẻ một cách chuyên nghiệp, nghiên cứu, đề xuất các hình thức, phương cách tổ chức sự kiện gặp mặt, giao lưu, tôn vinh các điển hình thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tôn vinh các sản phẩm dịch vụ Việt Nam được tin dùng do người tiêu dùng bình chọn; nghiên cứu đề xuất các cách thức thông tin, tuyên truyền, vận động, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây sẽ là những ý kiến quý báu, thiết thực trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 264 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội thảo cũng là hoạt động có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn trong tổng thể chương trình hoạt động của Hội đồng Chỉ đạo giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng” lần thứ hai năm 2014 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất