Thứ Ba, 1/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 16/4/2011 15:29'(GMT+7)

Văn học Việt Nam trong báo chí, tài liệu lưu trữ tại Pháp và Việt Nam

Chị Nguyễn Phương Ngọc - TS xã hội học, PGS về văn học, ngôn ngữ và văn minh Việt Nam tại trường ĐH Provence

Chị Nguyễn Phương Ngọc - TS xã hội học, PGS về văn học, ngôn ngữ và văn minh Việt Nam tại trường ĐH Provence

Trong quá trình nghiên cứu làm luận án tiến sĩ về thế hệ các nhà nhân học Việt Nam đầu tiên, chị Nguyễn Phương Ngọc - TS xã hội học, PGS về văn học, ngôn ngữ văn minh Việt Nam tại trường ĐH Provence có điều kiện làm quen với tài liệu lưu trữ và thấy được giá trị của chúng đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.

25 năm Việt Nam đổi mới cũng là những năm có nhiều nghiên cứu mới về Việt Nam ở nước ngoài từ những góc độ đa dạng, ví dụ như về lịch sử nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là hội họa (trường Mỹ thuật Đông Dương với luận án của Nadine André-Pallois) và kiến trúc (Arnauld Le Brusque với luận án về kiến trúc và quy hoạch đô thị phong cách phương Tây) trong đó có sử dụng rất nhiều tài liệu lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam và Pháp.

Riêng về văn học, có lẽ ít người biết rằng trong các trung tâm lưu trữ có một số lượng không nhỏ sách, báo và tài liệu lưu trữ có liên quan đến tình hình văn học nghệ thuật Việt Nam. Trên cơ sở các nghiên cứu cá nhân mới đây tại một số trung tâm lưu trữ tại Pháp và Việt Nam, Hội thảo sẽ giới thiệu một vài phông tài liệu, chủ yếu về đời sống văn học nghệ thuật giai đoạn trước 1945, với mong muốn góp phần tìm hiểu giai đoạn rất sôi nổi với nhiều cách tân đổi mới này.Ví dụ Tạp chí Tiểu thuyết thứ bẩy do Vũ Đình Long làm chủ nhiệm, trong 17 số (từ 5.5 - 25.8) ra năm 1945, còn lưu tại Trung tâm hải ngoại quốc gia Pháp, đăng “tiểu - thuyết dài”, Người tù được tha - di cảo của Vũ Trọng Phụng. Các phông tài liệu cá nhân của các nhà văn, nhà thơ (Tại trung tâm lưu trữ Việt Nam số III) và phông tài liệu của của Sở thông tin tuyên truyền Bắc Việt (đến 1954) bao gồm một số bản thảo tác phẩm văn xuôi và thơ được cho phép in hoặc bị cấm… cũng là những nguồn tài liệu có giá trị.

Những câu hỏi đặt ra: ai (được coi) là “nhà văn”? thế nào là (một tác phẩm) “văn học”? các nhà văn sống bằng gì? giới báo chí và xuất bản hoạt động ra sao?... Còn gì để nói nữa khi đã có rất nhiều nghiên cứu quy mô và có tầm cỡ lịch sử đã và đang được tiến hành về giai đoạn trước 1945? Ngoài các tên tuổi đã đi vào sử sách và được độc giả biết đến rộng rãi, liệu còn có những phát hiện nào có thể làm thay đổi bức tranh văn học giai đoạn này nữa?...

Những câu hỏi đó đều tập trung làm rõ các điều kiện khách quan và chủ quan giúp cho một nền văn học viết bằng một thứ chữ mới có thể ra đời và phát triển một cách nhanh chóng vào cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX trong một xã hội thuộc địa. Khung khái niệm sử dụng dựa trên các nghiên cứu của Michel Foucault về tri thức, của Robert Escarpit và của Pierre Bourdieu, cũng như của một số nhà nghiên cứu khác quan tâm đến quan hệ giữa văn học và xã hội cũng như lịch sử.

Giai đoạn trước 1945 là một giai đoạn đặc biệt với sự ra đời của “sách” như một sản phẩm văn hóa và thương mại, cũng như với sự khai sinh của nhiều thể loại văn học hoàn toàn mới lạ, với sự xuất hiện của “nhà văn” như một người làm chuyên môn có thể sống bằng nghề viết văn, và nói chung là với sự hòa nhập của văn học Việt Nam vào nền văn học thế giới thông qua hoạt động dịch sách hai chiều Pháp - Việt và sự có mặt của một số nhà văn Pháp ngữ.

Hôi thảo này tập trung nghiên cứu kịch nói ở Đông Dương nửa đầu thế kỷ XX. Đây là một đề tài nghiên cứu tập thể của một nhóm nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Provence và một số cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam cũng như ở Pháp. Trong đó có 2 đề tài nhánh: kịch Pháp ở Đông Dương (kịch của các tác giả Pháp và được diễn bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt); kịch nói do các tác giả người Việt sáng tác và được biểu diễn chủ yếu bằng tiếng Việt.

Phần cuối của buổi hội thảo giới thiệu các trung tâm lưu trữ ở Pháp và ở Việt Nam có tài liệu lưu trữ liên quan đến văn học nghệ thuật, ví dụ như các phông tài liệu cá nhân của các nhà văn nhà thơ (tại Trung tâm lưu trữ Việt Nam số III) và phông tài liệu của Sở thông tin tuyên truyền Bắc Việt đến 1954 (tại Trung tâm lưu trữ Việt Nam số I) bao gồm một số bản thảo tác phẩm văn xuôi và thơ, và các phông tài liệu liên quan đến các tổ chức hiệp hội nói chung.

Hội thảo này hy vọng các nguồn tài liệu lưu trữ được nghiên cứu một cách hệ thống sẽ góp phần tham gia nghiên cứu văn học, văn hóa và lịch sử Việt Nam giai đoạn trước 1945./.

Thanh Hải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất