Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 9/1/2010 10:29'(GMT+7)

Vẫn hút thuốc lá nơi công cộng mà không ai xử phạt

Sau một tuần triển khai Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ, số người hút thuốc nơi công cộng đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc vẫn còn tái diễn ở nhiều nơi do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong xử phạt vi phạm.

Lúng túng trong khâu bắt, xử phạt

Đi dạo một vòng quanh Bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu), chỉ chưa đầy 5 phút chúng tôi đã đếm được không dưới 10 người hút thuốc lá ở trong khuôn viên bệnh viện. 2/3 trong số này phì phèo nhả khói khá tự nhiên ở những khu vực phải chờ đợi như: khu vực chờ cấp phát thuốc bảo hiểm y tế, chờ xét nghiệm hình ảnh... Một vài đấng mày râu, trong lúc chờ vợ khám thai thì tranh thủ lui ra khu vực để xe cứu thương để thỏa mãn cơn nghiền. Họ đứng hút thuốc khá lâu nhưng không thấy nhân viên bệnh viện nhắc nhở gì và dĩ nhiên cũng chưa thấy ai đến xử phạt.

Còn tại bến xe Vũng Tàu, bến tàu cánh ngầm và nhiều địa điểm khác, tình trạng hút thuốc lá sau giờ G vẫn như cũ. Khác với bệnh viện, những địa điểm này vẫn chưa treo biển cấm hút thuốc lá, nên những người nghiện thuốc đều cảm thấy tự nhiên hơn, không phải tìm ra chỗ vắng người như ở bệnh viện và cũng không ngại bị nhắc nhở.

Bác sĩ Trần Văn Bảy, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho biết: “Chúng tôi nhắc nhở thân nhân bệnh nhân không hút thuốc lá nhưng điều này cũng chỉ mang tính động viên, khuyến khích thôi, chứ chưa có chế tài mạnh nào. Nhân viên bệnh viện cũng không đủ lực để bắt buộc người dân. Khi được nhắc nhở thì người ta bỏ thuốc đi, khi mình đi thì người ta lại hút tiếp”.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị khác trong ngành y tế, hầu như chỉ triển khai việc cấm hút thuốc lá ở mức độ khuyến cáo. Trong khi đó, bệnh viện là nơi công cộng đáng cấm hút thuốc lá nhất do đặc thù riêng.

Tại bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh), ở khu vực chờ, lực lượng bảo vệ chỉ phải nhắc nhở một vài trường hợp hút thuốc. Thế nhưng trong bãi đậu xe, một số hành khách và tài xế xe ôm vẫn vô tư phả hơi thuốc ra xung quanh. Nhiều người lấy lý do không biết gì về luật hoặc do thói quen hút thuốc lá khó bỏ.

Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Theo quyết định này, việc hút thuốc lá sẽ bị nghiêm cấm tại lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hoá, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Nếu vi phạm, sẽ bị nhắc nhở lần đầu, lần thứ hai phạt hành chính 50.000 đồng, và 100.000 khi vi phạm lần 3. Chủ tịch UBND các cấp, công an, thanh tra chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm xử phạt.

Quyết định là thế nhưng thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng ở TP.HCM chưa có văn bản hướng dẫn về quy chế phối hợp giữa công an, thanh tra chuyên ngành và các khu vực công cộng trong xử phạt vi phạm. Vì vậy, sau một tuần triển khai, chưa có người dân nào bị xử phạt.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến xe Miền Đông cho biết: “Cái khó hiện nay là lập biên bản để xử lý, người xử lý. Kế hoạch phối hợp với công an thì vẫn chưa cụ thể. Có lẽ, trên cơ sở Nghị định 45 của Chính phủ, công an phường sẽ có kế hoạch triển khai trong thời gian tới”.

Người dân vẫn lơ mơ về qui định mới

Đã nhiều năm nay, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện mô hình “bệnh viện không thuốc lá” theo vận động của ngành Y tế. Với Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ, bệnh viện đã treo nhiều biển “Cấm hút thuốc lá” ngay từ cửa ra vào. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phân công 30 bảo vệ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện. Thông tin tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá thường xuyên phát trên hệ thống loa phát thanh và các màn hình tivi ở bệnh viện. Với hàng loạt biện pháp trên thì tình trạng người dân hút thuốc đã giảm so với trước đây.

Anh Trần Văn Thanh, một bệnh nhân quê ở Quảng Nam cho biết, trước đây mỗi ngày anh hút khoảng 10 điếu thuốc. Nay trước khuyến cáo của ngành Y tế về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ anh Thanh đang cố gắng bỏ thuốc lá. Anh Trần Văn Thanh nói: “Vì chính sức khỏe của mình thì phải bỏ thuốc lá chứ không phải do luật. Hút thuốc lá ảnh hưởng đến người xung quanh, gia đình nên mình bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt”.

Còn anh Vũ Đình Anh, người dân ở quận 5 nói: “Mấy bữa bị gãy chân nên tôi chưa biết có qui định này. Tôi chỉ hay đọc báo Bóng đá, không đọc báo Công an nên không biết. Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng rất tốt cho cộng đồng. Bản thân mình phải tự hạn chế”.

Thống kê trên cả nước mỗi năm có 40.000 trường hợp tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Nhiều trường hợp tử vong trong số này không hề hút thuốc mà bị ảnh hưởng trực tiếp từ người xung quanh. Do đó, phòng chống tác hại của thuốc lá là trách nhiệm của toàn cộng đồng. Sau hơn một tuần triển khai, Quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giảm đáng kể số người hút thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên để quyết định này được thực hiện nghiêm túc, triệt để, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng ở TP.HCM cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, triển khai các biện pháp xử phạt quyết liệt hơn nữa. 

Để quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đi vào cuộc sống, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện nên phối hợp giữa việc tuyên truyền, vận động với việc lập ra khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá ở những nơi công cộng, song song với việc xử phạt nghiêm những người không chấp hành. Trong thời gian tới, khi quy định cấm hút thuốc nơi công cộng của Chính phủ được triển khai quyết liệt, việc hút thuốc lá trong lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hoá, bến xe, bến cảng, các khu sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và phương tiện giao thông công cộng… sẽ phải thực hiện nghiêm túc, triệt để, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và xây dựng văn minh đô thị./.

Theo VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất