Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 2/10/2015 10:3'(GMT+7)

Văn học trong không gian văn hóa đương đại

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Văn học là một phần tất yếu của cuộc sống, do vậy cũng đang chịu sự tác động sâu sắc và mãnh liệt của thời đại mà nó khởi sinh, nó thuộc về. Người ta đang nói nhiều về sự giảm thiểu thị phần, về sức cạnh tranh yếu ớt của văn học trên sân chơi văn hóa đương đại, về “cái chết” của văn hóa đọc, khi mà con người đang đối diện một thực đơn với danh mục các món giải trí đầy tính mời mọc. Nhưng nếu điềm tĩnh thì sẽ thấy mọi thứ đang diễn ra… bình thường.

Thứ nhất,
văn chương đích thực không quá đề cao chức năng giải trí. Tác phẩm lớn bao giờ cũng mê hoặc người đọc bởi vẻ đẹp ngôn từ, làm cho họ bất ngờ thú vị trước những phát hiện, kiến giải riêng khác, mới mẻ về cuộc sống, cuộc đời, khơi vẫy họ vào những cuộc đối thoại tư tưởng, những cuộc truy vấn, nghiền ngẫm về chân giá trị, về những sự thật ở đời. Cái đọc đích thực phải là cái đọc của những cái tôi, đọc bằng hồn, đọc chậm, đọc trong im lặng, lắng sâu, đọc để làm phong phú hơn thế giới và sự tri giác của mình, cơi nới mình dần bung thoát khỏi mọi giới hạn. Có nghĩa văn chương là câu chuyện của trí tuệ, của tâm hồn, mang tính hướng nội, cá nhân, nó không thể được thụ hưởng cùng lúc, cùng nơi bởi đám đông như cách người ta thụ hưởng các sản phẩm văn hóa nghe nhìn. Sáng tạo hay thụ hưởng văn học là mang tính bản mệnh, do sự thôi thúc nội tại của chủ thể, không phải muốn mà được. Mỗi người sở hữu riêng mình những nhu cầu và trình độ được kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, lý tưởng. Người này tìm đến thứ văn chương tinh tuyển, đích thực, nhưng người khác lại cho rằng những loại châu báu văn chương đó tỏ ra nhạt nhẽo, không có sức sống, không có khả năng giúp họ vui thú, giải trí chốc lát. Do vậy, vấn đề đang được ráo riết đặt ra là làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh của văn học trong bối cảnh bành trướng của văn hóa nghe nhìn, thiết nghĩ là không cần thiết, và xem ra là bất khả. Những chiến thuật, chiêu bài gây “sốc” thời gian qua như đặt tên sách theo kiểu: “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, “Phải lấy người như anh”, “Hễ sướng thì hét lên”, “Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng”…, như in những hình ảnh “phong nhũ phì đồn” lên bìa sách, như gia tăng liều lượng những trường đoạn diễm tình lâm ly, gia tăng mức độ tả thực của những pha tình dục, bạo lực… nếu kéo hút được một lượng đáng kể người tìm đến với sách thì đó là câu chuyện của những cuốn sách đa phần hoặc là phi văn học, hoặc là cận văn học.

Đành rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, “thơ hay như gái đẹp/ ở đâu cũng lấy được chồng” đang trở nên xưa cũ, lạc hậu, và đành rằng văn học ngày nay đang trở thành một thứ hàng hóa, phải biết tranh thủ tận dụng sức mạnh của truyền thông để gây tạo chú ý, để lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng đọc, tuy nhiên văn chương đích thực luôn biết tự trọng để nói không với những chiến thuật, chiêu bài phi văn học, phản nhân văn.

Thứ hai,
câu cảm thán kiểu “bao giờ cho đến ngày xưa” vốn đang bị lạm dụng, được dùng một cách hết sức vô lối, càng trở nên vô lối hơn khi dùng để nói về thị phần văn học trong không gian văn hóa đương đại, về văn hóa đọc, về chất lượng sáng tác ngày nay. Không thể lấy số lượng phát hành “khủng” của một vài cuốn sách văn học nào đó ngày xưa để so với mặt bằng số lượng phát hành của sách văn học ngày nay, rồi vội vàng đi đến kết luận là thị phần văn học đang bị teo giảm, văn hóa đọc đang xuống cấp được. Bởi vì ngày nay số lượng đầu sách đồng thời, đồng loạt được xuất bản đã vượt ngày xưa rất xa. Và làm sao có thể so sánh được số lượng các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, các tòa soạn báo, tạp chí văn học… ngày xưa với ngày nay. Việc một số báo in đang phải đình bản, một số nhà xuất bản đang đứng trước nguy cơ đóng cửa là bởi nhiều lý do, chứ không phải hoàn toàn vì lý do bạn đọc. Điều này thấy rõ qua hiện tượng hệ thống nhà xuất bản thì đang thu hẹp nhưng hệ thống công ty sách tư nhân thì lại đang trương nở. Việc các tòa soạn báo “số hóa” bằng cách ngoài việc in ấn, phát hành truyền thống thì lại mở thêm trang điện tử, lần lượt đăng tải lại những bài vở trên báo in bên cạnh đăng tải bài vở mới… dẫn đến hiện tượng số lượng phát hành báo in bị giảm là câu chuyện đương nhiên, dễ hiểu, cần được chấp nhận. Số lượt người truy cập trang điện tử, số lượng bản thảo tác phẩm văn học được gửi đến các tòa soạn mỗi ngày, đặc biệt là vào các dịp diễn ra cuộc thi thơ, truyện ngắn… cho thấy sự đắm đuối đối với văn chương của con người ngày nay không hề vơi giảm, nếu không muốn nói là tăng mạnh. Ngày xưa không phải ai ham thích đọc cũng đều có thời gian để đọc, và cũng đều có tiền, có cơ hội để mua sách.  Những năm gần đây, nếu ai trải nghiệm một mùa hội sách ở Hà Nội, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, chứng kiến cảnh người già, con trẻ, nam nữ thanh niên nghìn nghịt mua sách văn học, thì có lẽ sẽ tự tháo gỡ được cái nhìn mặc định là văn hóa đọc đang xuống cấp. Đứng trước trị trường sách văn học ngày nay, nếu ai thiếu cái nhìn bao dung, thoáng mở cần thiết, cứ mang tâm thế hoài cổ, sùng cổ, rồi định kiến với những sáng tác văn học mới thì sẽ tự đánh mất cơ hội được thụ hưởng những tác phẩm văn học có giá trị.

Chưa bao giờ như bây giờ, không gian mạng mang đến cho đời sống văn chương một “giao diện mở”. Ở đó, văn học mặc sức tìm tòi, thử nghiệm. Ở đó, mỗi chủ thể sáng tạo và tiếp nhận đều có thể phát huy đến mức tối đa tính năng động và tự do của mình. Và qua đó, văn học không ngừng được dân chủ hóa, xã hội hóa. Cũng từ đây, đời sống văn học ngày một trở nên ngổn ngang, bộn bề có khi đến mức nhiễu loạn. Chữ và rác, cỏ dại và cây trồng, vàng và thau thừa cơ lẫn lộn. Những “anh hùng bàn phím”, những “thánh sống biết tuốt” nhân danh cái gọi là “dân chủ”, “phê bình”, “phản biện”… để phá bĩnh, gây nhiễu thông tin, đánh tráo, lật đổ giá trị…

Kỷ nguyên số vừa mang đến một sức sống mới cho văn học vừa buộc chúng ta phải suy xét đến đường đi, đến tương lai của văn học. Cái gì hợp lý thì sẽ tồn tại, cái gì bất hợp lý thì sẽ tự đào thải. Việc tiếp nhận thông tin, chiếm lĩnh tri thức, thụ hưởng văn học ngày hôm nay như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thông thái, lịch duyệt văn hóa, vào bộ lọc, sức đề kháng văn hóa của mỗi công dân mạng. Hãy cởi mở, bao dung, nhân văn khi bước chân vào không gian văn học, nói như nhà văn Pháp Giăng-pôn Xác là phải “lấy nhân tính bao trùm thế giới”. Chúng ta có quyền lạc quan rằng, cuộc sống số với sự bùng nổ thông tin của nó rõ ràng đang không ngừng nâng cao trình độ dân trí, nâng cao văn hóa đọc, điều này sẽ trở lại thúc đẩy việc nâng cao chất lượng sáng tác, làm nền cho việc xuất hiện những nhà văn và tác phẩm lớn./.

Hoàng Đăng Khoa (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất