Thứ Sáu, 29/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 21/7/2012 19:8'(GMT+7)

Vận tải hành khách và hàng hóa - Kết quả và những vấn đề đặt ra?

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Kết quả nổi bật của ngành vận tải từ sau đổi mới so với trước đổi mới là việc chuyển đổi vị thế từ chỗ người và hàng tìm đến phương tiện vận tải (gọi tắt là người tìm đến xe), sang phương tiện vận tải tìm đến người và hàng (gọi tắt là xe tìm đến người).

Hiện tượng xếp hàng chen lấn hầu như không còn. Việc đi lại, vận chuyển hàng hoá đã thuận tiện, nhanh chóng hơn nhiều so với trước kia. Thời gian đi từ Hà Nội tới những nơi xa xôi như Lai Châu, Sơn Lan, Hà Giang, Cao Bằng, Sapa trước đây phải mất 2 ngày, thì nay chỉ mất 1 ngày hoặc 1 đêm. Ở nhiều tỉnh đồng bằng, gần như xã nào cũng có xe chạy đi và về tới Hà Nội, thậm chí có mấy chiếc, mấy chuyến...

Khối lượng vận chuyển (tính theo người hay tấn hàng hoá) và luân chuyển (tính theo lượt người.km hay tấn.km) mà đơn vị tính phải dùng đến tỷ (lượt người.km hay tấn.km), với tốc độ tăng liên tục trong nhiều năm với tốc độ khá cao (luân chuyển hành khách tăng liên tục từ năm 1990 đến nay, luân chuyển hàng hoá tăng liên tục từ 1999 đến nay. Số phương tiện vận tải cũng tăng mạnh. Chiều dài đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không tăng khá, mặt đường được nâng cấp. Số cảng biển, sân bay nhiều gấp bội.

Nhìn một cách tổng quát, ngành vận tải đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận tải hàng hoá ngày một tăng lên của nhân dân, của các doanh nghiệp.

Cơ cấu khối lượng luân chuyển hành khách có một số điểm đáng lưu ý. Theo khu vực vận tải, 6 tháng đầu năm nay, khu vực trong nước đạt cao hơn khu vực ngoài nước cả về quy mô lượng khách luân chuyển (88,7% so với 11,3%), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (11,2% so với 8,5%). Theo ngành vận tải, vận chuyển hành khách bằng đường bộ chiếm tỷ trọng cao nhất (77,1%) và tăng với tốc độ cao nhất (12,1%); vận chuyển bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (16,6%) và có tốc độ cao thứ hai (9,3%)...

Cơ cấu khối lượng luân chuyển, hàng hoá cũng có những điểm đáng lưu ý. Theo khu vực, trong 6 tháng đầu năm 2012, vận tải trong nước chiếm 36,4% và tăng 1,8%, khu vực ngoài nước chiếm tỷ trọng cao gấp đôi (63,6%), nhưng lại bị giảm 12,1%. Theo ngành, vận tải đường biển chiếm tỷ trọng cao nhất (70,2%), nhưng lại bị giảm (14,2%); vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng cao thứ hai (19,9%), nhưng tăng cao thứ hai (9,7%); vận tải hàng không còn chiếm tỷ trọng nhỏ (0,3%), nhưng tăng cao nhất (10%)...

Tuy nhiên, trong lĩnh vực vận tải hành khách và hàng hoá cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.

Khối lượng luân chuyển hàng hoá đã bị giảm tương đối sâu (giảm 7,6%), trong đó của khu vực ngoài nhà nước còn giảm sâu hơn (giảm 12,1%). Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bị suy giảm theo.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, vận tải đường sắt còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong vận chuyển hành khách (3,3%) và vận chuyển hàng hoá (2,2%); so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách bằng đường dắt tăng thấp (2,9%) và luân chuyển hàng hoá bằng đường sắt còn bị giảm (giảm 5%).

Tình hình này do hai nguyên nhân chủ yếu. Một là cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt đã để lạc hậu quá lâu, chậm được cải thiện. Hà là nhu cầu đầu tư, sản xuất và tiêu dùng co lại, làm cho nhu cầu vận chuyển bị co lại theo. Vận tải đường biển về hành khách thì tăng thấp (1,9%), về hàng hoá thì bị giảm sâu (giảm 14,2%). Ngoài các nguyên nhân chung, còn có một nguyên nhân quan trọng là thị phần vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu của các đơn vị Việt Nam thì khu vực trong nước bị yếu thế so với các đơn vị quốc tế. Cũng chính vì thế mà xuất khẩu dịch vụ vận tải thấp xa so với nhập khẩu dịch vụ vận tải (2505 triệu USD so với 8226 triệu USD, nhập siêu về riêng dịch vụ vận tải lên đến 5721 triệu USD).

Những vấn đề về an toàn giao thông, ách tắc giao thông hiện cũng là vấn đề lớn và khó, đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ mới giải quyết được.

(Minh Ngọc/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất