Thứ Sáu, 29/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 20/7/2012 15:32'(GMT+7)

Mở rộng cánh cửa cho đầu tư tư nhân

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có chuyến làm việc tại một số địa phương phía Nam để lắng nghe và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tìm giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế- xã hội.

Theo các địa phương, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đòi hỏi nguồn lực lớn nhưng ngân sách còn hạn chế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhưng ngân sách quá nhỏ bé và ngày càng giảm cả về mặt tỷ trọng, vì các nhu cầu khác của chúng ta ngày càng tăng. Chính vì vậy, chúng ta phải thay đổi quan điểm tồn tại từ nhiều năm trước là đầu tư hạ tầng kết cấu xã hội chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Đồng thời, cần mở rộng cánh cửa cho các thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước, thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội. Phần ngân sách nhà nước chủ yếu dùng vào những lĩnh vực kinh tế - xã hội mà các thành phần kinh tế khác không thể làm được, các lĩnh vực công ích, lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Bộ trưởng khẳng định: Trách nhiệm của cơ quan quản lý là nếu tư nhân có thể bỏ vốn đầu tư thì phải tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, hệ thống pháp lý, chia sẻ rủi ro của Nhà nước với tư nhân, khuyến khích thúc đẩy tư nhân trong và ngoài nước đầu tư mạnh hơn. Chúng ta phải tạo môi trường đầu tư tốt nhất để nhà đầu tư tin tưởng và tham gia tích cực vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Trước đó, tại buổi làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã đi đến thống nhất một vấn đề quan trọng là sẽ chọn một vài dự án tại TP để làm dự án thí điểm cho mô hình hợp tác công tư (PPP).

Đây là mô hình được kỳ vọng rất nhiều trong thời gian tới sẽ góp phần huy động các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước cho sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay đã có một quỹ do các tổ chức tài trợ đóng góp để Việt Nam triển khai các dự án PPP và các dự án thí điểm tại TP Hồ Chí Minh sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ quỹ này để tiến hành các nghiên cứu khả thi.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng phản hồi các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh vì sự đột phá của TP sẽ là mô hình, bài học cho cả nước.  Bộ trưởng cũng thống nhất đề xuất thành lập tổ liên ngành để nghiên cứu sâu thêm các vấn đề nhằm đưa ra các cơ chế mạnh mẽ hơn nữa trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư tại TP.HCM.

Trước thực trạng nhiều nhà đầu tư còn tỏ ra lo ngại về chính sách chưa ổn định và đòi hỏi cơ chế, chính sách phải công khai, minh bạch hơn, Bộ trưởng cho rằng đây hoàn toàn là yêu cầu chính đáng, mang tính khách quan.

Theo Bộ trưởng, cần cơ chế chính sách để giám sát sự minh bạch, công khai…, cần thông báo cho nhà đầu tư biết Nhà nước sẽ hỗ trợ ở những điểm nào, chia sẻ rủi ro ở đâu, nhà đầu tư phải đầu tư ở đâu. Thay cho cơ chế xin-cho, mọi vấn đề phải được quy định chặt chẽ, rõ ràng.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, để tạo môi trường thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh hiện nay,  Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra giải pháp quyết liệt. Chính phủ có Nghị quyết 13 để tháo gỡ khó khăn, giãn, hoãn, miễn thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều giải pháp về cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp miễn giảm thủ tục, tăng cường hiệu quả đầu tư…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, vẫn còn một vấn đề quan trọng mang tính then chốt là doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, hơn 70% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đầu tư đều trông cậy vào vốn ngân hàng, nhưng lãi suất ngân hàng lại quá cao, tiếp cận vốn không dễ.

Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải có quyết sách mạnh mẽ như hạ lãi suất xuống 13%; mức lãi suất 20-22% với các khoản vay cũ, trước đây phải đưa về dưới 15%, đồng thời cơ cấu lại nợ xấu, để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận các khoản vay với lãi suất đang giảm hiện nay.

Nếu vốn cho nền kinh tế được lưu thông, cộng với chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế và với thủ tục hành chính thông thoáng, doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, từ đó có thể mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội./.

(Thanh Hằng/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất