Chủ Nhật, 29/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 16/12/2015 10:51'(GMT+7)

Vang vọng mãi bài “Giải phóng miền Nam” - bài ca chính thức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam

Nhóm tác giả của bài ca nổi tiếng “Giải phóng miền Nam”.

Nhóm tác giả của bài ca nổi tiếng “Giải phóng miền Nam”.

Nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước còn có những bút danh: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí…. Ông sinh ngày 12/9/1921 tại Ô Môn (tỉnh Hậu Giang (nay thuộc TP Cần Thơ). Thuở nhỏ được cha cho học đàn kìm, về sau có chơi cả mandoline, guitare và tự học lý thuyết âm nhạc. Khoảng cuối thập niên 1930, ông lên Sài Gòn học tại trường Petrusky. Trong thời gian này, ông kết thân với Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, làm thành bộ 3 Huỳnh - Mai - Lưu, thành lập ra Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club) ở trường trung học Petrus Ký (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong) là đầu mối hội tụ những học sinh, sinh viên yêu nước. Cũng trong thời gian này, ông sáng tác bài hát LaMarche De Étudiands vào cuối năm 1939, và được Mai Văn Bộ đặt lời tiếng Pháp để làm bài hát chính thức của Câu lạc bộ.

Sau khi đỗ tú tài, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội, vào học Đại học trường Y - Dược, thuộc Viện Đại học Đông Dương năm 1940-1944. Lưu Hữu Phước nhanh chóng trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào và ông có dịp tiếp xúc với một số thành viên của Việt Minh. Trong những đợt tổ chức các hoạt động về nguồn của sinh viên, Lưu Hữu Phước đã sáng tác được nhiều ca khúc nổi tiếng như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát Giang trường hận (sau đổi tên là Hồn tử sĩ), Hờn sông Gianh, Người xưa đâu tá và Hội nghị Diên Hồng, được xem là đỉnh cao của thể loại bài hát về đề tài lịch sử của Việt Nam, hun đúc tinh thần dân tộc, cho thanh niên tiền phong Việt Nam. 

Năm 1944, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ trở về Nam tham gia vận động cách mạng cùng với lúc nổ ra phong trào của đông đảo sinh viên ba miền Nam - Trung - Bắc rủ nhau bỏ học để trực tiếp tham gia và các hoạt động cách mạng. Nhóm Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Đặng Ngọc Tốt trong một đêm đã tập trung soạn ba bài hát: Xếp bút nghiên, Mau về Nam và Gieo ánh sáng để kịp thời cổ vũ cho phong trào rộng lớn này.

Tại chiến trường miền Nam, ngày 20/12/1960, tại khu căn cứ chiến khu D, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã ra đời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Tiếp sau đó Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đã ra đời do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Đó là những trí thức nổi tiếng đã đi hết lòng vì cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nêu lên mục đích là động viên nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam tiến tới xây dựng miền Nam một chế độ hòa bình, trung lập và dân chủ từng bước để sau này thực hiện ý chí thống nhất đất nước.

Nhằm hoàn chỉnh sự ra đời của mặt trận, bộ ba chủ chốt của nhóm Hoàng - Mai - Lưu được giao nhiệm vụ khẩn cấp sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, để đưa ra cùng quân và dân Nam Bộ đang đứng lên trong cuộc kháng chiến đầy gian lao.

Bài hát trước khi ra đời đã được ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Phạm Hùng, để chuẩn bị cho một bài ca cách mạng nhằm  động viên quân đội và nhân dân toàn miền Nam đứng lên. Bí thư Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo cụ thể là: nội dung bài hát cần thể hiện được những điểm chính, như sau: 

Bài hát có tính chất Quốc ca (sách lược) này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung bộ và Nam bộ; Kêu gọi nhân dân Nam Trung bộ và Nam bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ xâm lược; Nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; Tên tác giả phải thay đổi để bảo đảm tính độc lập của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Do các yêu cầu chặt chẽ trên về mặt chính trị nên cả nhóm đã cùng nhau bàn bạc cân nhắc rất kỹ từng lời, từng ý, để sáng tác bài hát này. Cụ thể, để thể hiện chủ trương mới quan trọng của Đảng và cách mạng lúc này là phải đấu tranh vũ trang, đưa câu kêu gọi nhân dân trực tiếp chiến đấu:  “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”.  “Cầm gươm, ôm súng ta xông tới”... Bài hát đã thể hiện được tình đoàn kết của nhân dân Trung - Nam - Bắc để tiêu diệt đế quốc Mỹ, nhưng điểm mới trong chiến lược là tha thứ cho ngụy quyền đã bị sai khiến cầm súng phản hại dân, chứ không tiêu diệt, nên bài hát có những câu: Gỉải phóng miền Nam/ chúng ta cùng quyết tiến bước/  Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước”

Để minh họa cho đường lối đoàn kết dân tộc Nam -– Trung - Bắc,  bài hát đã nêu lên hai địa danh tiêu biểu của hai miền là sông Cửu Long và núi Trường Sơn, vì thế trong bài hát có câu:  “Đây Cửu Long hùng tráng - đây Trường Sơn vinh quang”. Thể hiện ý chí thống nhất đất nước toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bài hát có câu: “Vai sánh vai, chung một bóng cờ”; Điệp khúc lặp lại của bài hát là những câu ca đầy sự hình ảnh về lời bài hát, cũng như lời nhạc mang rõ toàn bộ sách lược mới của Đảng ta và phản ánh sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân miền Nam vào cuộc chiến thắng cuối cùng, bằng hai câu: “Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi; Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”…

Sau khi sửa chữa, góp ý nhiều lần, bài hát đã chính thức được lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam thông qua và được phổ biến rộng rãi trong cả nước, sớm được phát ra cho cả thế giới yêu chuộng hòa bình biết, vào cuối năm 1960. Bài ca ngay từ khi ra đời đã được nhân dân cả hai miền rất nhiệt tình ca ngợi vì bài hát có lối tiết tấu rất gọn, dễ thuộc và rất dễ truyền cảm, đi vào lòng người cả hai miền Nam - Bắc, đang chung sức, chung lòng đứng lên đấu tranh hàng ngày đầy gian khổ, hy sinh trên chiến trường, ngay từ những ngày đó mà cao trào mang khí thế cách mạng lên cao, đã dấy lên toàn miền Nam anh hùng, bất khuất, để viết nên trang sử vàng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.  

Phạm Bá Nhiễu 
                                                                                 

  
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất