Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 7/9/2008 11:46'(GMT+7)

Về chính sách đền bù giải tỏa hiện nay

Ông Trần Thế Vượng - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho biết đợt giám sát tại các địa phương mới đây cho thấy khoảng 80% khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai, thậm chí có nơi con số này là 90%.

Theo ông Trần Thế Vượng, quy định yêu cầu giá đền bù cho dân phải sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng “giá thị trường trong điều kiện bình thường” như thế nào thì chưa rõ. Có thời điểm giá đất biến động liên tục, nhưng chủ đầu tư được giao đất năm nay thì năm sau mới triển khai đền bù. Khi đó giá đã lạc hậu, người dân không đồng tình, còn việc điều chỉnh giá đền bù cũng không dễ dàng. Hay có tình trạng người chấp hành tốt, giải tỏa sớm thì nhận tiền đền bù giá thấp; người dây dưa, khiếu nại lại được đền bù cao và người chấp hành tốt quay lại khiếu nại.

Một thực tế được ông Vượng dẫn ra tại hội thảo: Một số tỉnh đua nhau thu hút đầu tư bằng cách cho thuê đất với giá thấp, nhưng để có giá thấp phải giảm giá đền bù cho dân, khiến quyền lợi của người dân bị thiệt thòi. Một số ý kiến đặt ra: nên để người dân tự thương lượng giá với chủ đầu tư, nhằm tạo sự công bằng trong đền bù thay vì phải thông qua Nhà nước thu hồi giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Vượng cho rằng người dân không quan tâm nhiều đến việc thu hồi hay tự thương lượng mà vấn đề cần đặt ra là nếu đền bù hợp lý, người dân sẵn sàng giao đất cho chủ đầu tư làm dự án.

Có trường hợp người dân “mất trắng”


Ông Trần Thế Vượng - ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho biết từ nhiều năm trước ông đã đề cập với cơ quan có trách nhiệm: chỉ kêu gọi các doanh nghiệp xây nhà máy, khu công nghiệp ở những nơi đất không canh tác được. Nhưng ông lại nhận được câu trả lời: VN cần thu hút đầu tư nên phải chọn đất ở vị trí tốt, thuận tiện về giao thông thì các nhà đầu tư mới chịu đến!

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, băn khoăn về việc giá đất quy định chưa đồng bộ. Chỉ cách nhau một con mương nhưng khu đất thuộc TP.HCM giá cao hơn nhiều so với đất thuộc Tây Ninh. Vì mỗi nơi làm “một phách” nên người dân không đồng tình. Một số nơi vừa qua đền bù theo kiểu “ban ơn”, chưa có sự công bằng giữa người bị thu hồi đất và nhà đầu tư. “Đặt trường hợp mình đang sống ổn định, gắn bó với bà con chòm xóm, đùng một cái bị thu hồi đất làm dự án thì cảm giác sẽ ra sao?” - bà Mai chia sẻ.

Cũng liên quan đến chính sách đền bù, ông Nguyễn Hữu Nhơn - phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - nói chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất hiện nay mới chú trọng đến thiệt hại về vật chất trước mắt, còn đời sống, việc làm, thu nhập lâu dài của người dân ra sao chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nhơn chỉ ra rằng có trường hợp thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp phát triển kinh tế, kinh doanh nhưng một số nơi đã lợi dụng thực hiện cơ chế, chính sách thu hồi cho mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia… nên giá bồi thường bị sai lệch, người dân hầu như “mất trắng”.

Quy định yêu cầu người thu hồi đất được tái định cư nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng luật không giải thích như thế nào “bằng hoặc tốt hơn”. Ông Nhơn đề nghị nên làm rõ cơ chế thu hồi đất và cơ chế thỏa thuận giá đền bù, tránh nhập nhằng khiến người dân bị thiệt. Cần có quy định cụ thể như thế nào là “sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Theo ông, khi thu hồi đất nông nghiệp, các cơ quan chức năng phải đảm bảo lợi ích giữa các bên: Nhà nước-người dân - doanh nghiệp, đặc biệt coi trọng lợi ích của người dân khi họ không còn đất sản xuất và những người phải di dời đến chỗ ở mới.

“Qua tổng kết quá trình thực hiện Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn cho thấy vẫn còn nhiều điểm bất cập, một số trường hợp còn mâu thuẫn với các quy định khác” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Thế Ngọc thừa nhận. Ông Ngọc cho biết một số vấn đề sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội gác lại dự thảo luật sửa đổi Luật đất đai (dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm nay) và sẽ trình Quốc hội trong năm 2009. Lý do: vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất một số nội dung đề cập trong dự thảo luật và bộ tiếp tục lấy ý kiến thêm về các nội dung này trong thời gian tới.

“Muốn đâu chịu đó”

Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cho biết hiện mỗi năm cả nước giảm hơn 50.000ha đất nông nghiệp, tương đương sản lượng 400.000-500.000 tấn lương thực, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người dân. Một trong những nguyên nhân khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp là do thiếu quy hoạch vùng, địa phương nào cũng muốn làm khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Kiệt lo lắng: mỗi năm đất trồng lúa mất hơn 50.000ha, hơn 4,1 triệu ha đất nông nghiệp hiện có sẽ giữ được trong bao lâu, trong khi VN có hơn 75% dân số làm nông nghiệp?

Ông Nguyễn Hữu Nhơn cho rằng một số nơi do đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhưng chưa làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thu hồi đất sản xuất lúa có hiệu quả, thuận lợi giao thông giao cho chủ đầu tư. Với các địa phương nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì khi có dự án đầu tư lớn nhỏ đều phấn khởi, tạo mọi điều kiện với chính sách rất “mở”: “muốn đâu chịu đó”. Ông nói sự chủ động của các địa phương là tốt, nhưng do thiếu kiểm soát ở tầm vĩ mô kéo theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng. Nhiều nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn khi thay đổi môi trường, chuyển đổi ngành nghề không căn bản.

Một thực tế khác, theo ông Nhơn, là tình trạng phát triển công nghiệp xen đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Điều đáng buồn là trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vì thu hút đầu tư phải chấp nhận các ngành công nghiệp “dơ” như chế biến thực phẩm, vốn đã bị các địa phương khác như TP.HCM, Bình Dương “chê”.

Không chỉ bức xúc về chuyện đất nông nghiệp bị thu hẹp, ông Đoàn Minh Chiến (Hội Nông dân tỉnh Bình Dương) còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường khi phát triển công nghiệp ồ ạt, thiếu quy hoạch như hiện tại. Ông lên tiếng: ngay như ở Bình Dương, cây cao su gần các khu công nghiệp cũng không sống nổi, dần dần bị trụi lá thì ở các địa phương khác, lúa xen khu công nghiệp cũng khó phát triển được. Ông cảnh báo: phát triển công nghiệp cần gắn với môi trường, nếu không “chúng ta tự giết chúng ta và một ngày nào đó sẽ chết trên nền công nghiệp phát triển mạnh”.
Theo Địa ốc TTO

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất