Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 31/3/2014 9:49'(GMT+7)

Về lại Điện Biên

Các cựu chiến binh thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội.

Các cựu chiến binh thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội.

Đường lên Tây Bắc quanh co hiểm trở đèo dốc không làm vơi đi không khí phấn chấn của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Những bài hát, bài thơ về một thời hoa lửa được cất lên, âm vang không ngưng nghỉ như mạch nguồn của dòng Nậm Pô, Nậm Mức hoà vào cuồn cuộn sông Đà, sông Mã.

Hơn 60 năm trước, hàng vạn người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, tham gia “trẩy hội Điện Biên”. Ông Bùi Ngọc Dinh, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chuyến đi này có 35 nhân chứng lịch sử, trong đó 29 người là cựu chiến sĩ Điện Biên; sáu người là cựu thanh niên xung phong (TNXP) tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Loang loáng ngoài cửa xe là những cánh rừng hoa ban nở trắng. Từ ngàn đời nay, hoa ban vẫn nở vào độ này, rực rỡ, e ấp và hồn hậu như cô gái người Thái, người Mường. Mỗi độ hoa ban nở, cũng là lúc để các thế hệ người Việt Nam nhớ về một thuở cha ông mình đánh giặc. Từ Thủ đô gió ngàn và mọi miền đất nước, những đoàn quân hướng về phía lòng chảo Điện Biên.

“Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”

Những chàng trai mười tám, đôi mươi đầu đội mũ nan, chân đi đôi dép lốp qua những vùng đất của Mai Châu, Mường Khến, Đà Bắc (Hoà Bình); Nà Sản, Hát Lót (Sơn La) và A Pa Chải, Mường Nhé, Tây Trang (Điện Biên Phủ) nay đều ở tuổi hơn, kém tám mươi. Tuy chân chậm, mắt mờ, da khô, mặt nám, song mỗi lần nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ai nấy lòng nôn nao như được sống lại những ngày tháng gian nan mà hào hùng của dân tộc.

Cựu chiến sĩ Điện Biên xem lại ảnh tư liệu chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hành trang về nguồn của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa chỉ là những ký ức về một thời máu lửa, những tấm Huân chương và Huy chương đỏ trên ngực. Chúng tôi, cũng như bao thế hệ người dân đất Việt tôn kính sự dũng cảm, không quản hy sinh của cha ông mình.

Đường lên Điện Biên, ấn tượng đầu tiên là tại ngã ba Cò Nòi, một tượng đài TNXP được xây dựng uy nghi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ TNXP. Nơi này, 100 liệt sĩ TNXP thuộc Đội 40 và Đội 34, Đoàn TNXP Trung ương đã anh dũng hy sinh trong khi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Ông Nguyễn Thanh Tuân, xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (Đồng Hỷ) kể lại cho chúng tôi nghe về tháng ngày ông cùng đơn vị đội bom, mở đường, bảo đảm thông tuyến tại đoạn đèo Pha Đin, đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi. Ông bảo: Ban ngày giặc Pháp đến thả bom, ban đêm cả đơn vị lại hò nhau san lấp mặt đường, gian khổ mà vui như mở hội. Ông tự hào chỉ cho chúng tôi xem tấm Huy chương ông được Đảng, Nhà nước trao tặng trong những ngày tham gia mở đường tại ngã ba Cò Nòi. Cũng ở đây, ông bị bom vùi, may mắn được đồng đội kịp đến moi lên từ trong đất đá. Vậy mà đêm hôm sau, tiếng bom địch vừa ngưng, ông lại cùng đồng đội ra mặt đường làm nhiệm vụ. Ông lau vội nước mắt, nhớ những bạn chiến đấu xưa đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây khi tuổi đời còn rất trẻ.

Một trong những người trực tiếp trận mạc, ông Nguyễn Ngọc Tăng, phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) thương binh chống Pháp, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh khu sân bay Mường Thanh tự hào cho biết: Cách đây mấy hôm, chúng tôi đội trời xuân về Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, thăm lại mái lán Tỉn Keo (Phú Đình, Thái Nguyên), nơi đây hơn 60 năm trước, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953-1954. Cũng tại mái lán này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng phê duyệt Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Cách không xa Tỉn Keo là xã Đồng Thịnh. Tại đây, quân đội ta đã chọn làm nơi diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Địa thế nơi này gần giống lòng chảo Điện Biên, cũng có mô hình cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh, đồi A1... Sự tương đồng đến bất ngờ giữa địa hình nơi đây và Điện Biên Phủ đã giúp cho sự chuẩn bị của Đại đoàn 308 thêm kỹ lưỡng trước khi bước vào trận chiến quyết định. Tuy nhiên, trong thực tế, trận đại chiến là vô cùng khốc liệt.

Ông Tăng kể: "Ngày 1-5, đợt 3 chiến dịch bắt đầu… 21 giờ, lệnh phát hỏa. Thê đội 1 đi trước căng hai dải vải dù trắng hai bên, đánh dấu cho 15 chiến sĩ ôm bộc phá ống xông lên, phá tan 12 lớp rào dây thép gai của địch. Đến lượt thê đội 2, tôi dẫn đầu 15 chiến sĩ mang bộc phá vuông xông lên mở cửa. Đạn pháo địch lúc này rót liên tiếp vào đột phá khẩu, những tiếng nổ chói óc, những ánh chớp và khói bụi mịt mù. Tôi hô: Toàn trung đội tiến lên! Bỗng mắt tôi sầm lại, chỉ còn nghe thấy những tiếng nổ và mang máng những bước chân nhảy qua người...". Ông Tăng bị thương nặng được đưa về tuyến sau giữa mong manh sự sống - cái chết và chứng kiến những đồng đội ngã xuống khi phá khẩu.

Ông Hầu Văn Đô, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, râu tóc bạc trắng mầu thời gian, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng vẫn nhớ thời trẻ trai của mình khi tham gia chiến dịch Điện Biên. Ngày đó ông là bộ đội pháo binh thuộc Trung đoàn 675, sư 351. Ông kể: Để mang được pháo vào mặt trận, bộ đội, dân công phải tháo khẩu pháo ra từng bộ phận rồi khiêng vào. Vất vả, song ai nấy đều hăng hái, thà hy sinh chứ không chịu lui bước trước gian truân, cơ khổ. Để ngày tổng công kích, từ đồi cao pháo ta nã vào đầu giặc, đè bẹp tinh thần của đội quân viễn chinh đến từ trời Âu.

Cùng là lính pháo binh, ông Phan Thanh Đô, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá, kể: Tôi thuộc đơn vị DKZ, nhiệm vụ của đơn vị là đánh xe tăng, xe bọc thép và phá huỷ lô cốt địch. Trận mạc có nề hà gì hiểm nguy, nhiệm vụ trên giao chúng tôi luôn hoàn thành.

Đồng hương Định Hoá với ông Đô, cựu chiến sĩ Điện Biên Mông Đức Ngô, xã Phượng Tiến tự hào: Ngày tham gia chiến dịch Điện Biên, tôi là Trung đội trưởng thông tin. Đơn vị đóng ở đồi Mường Phăng, có nhiệm vụ truyền mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các đơn vị chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Nói rồi, ông lấy cho tôi xem những bức ảnh ông được chụp cùng Đại tướng ngày ở Điện Biên và những năm tháng sau này.

Tôi biết, với người lính Việt Nam, thì đó là những kỷ niệm thiêng liêng. Và hôm nay trở lại chiến trường xưa, ông Ngô cũng như bao đồng đội cũ, dù mỗi người ở một đơn vị, một nhiệm vụ khác nhau nhưng đều chung một lý tưởng đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, giành độc lập cho dân tộc. Để hôm nay, ngay đồi A1, nơi trận chiến xẩy ra ác liệt nhất trong toàn chiến dịch, những cựu chiến sĩ Điện Biên tự hào kể về các vị trí bố phòng của địch bị quân ta tiêu diệt.

Tại đồi A1, ông Nguyễn Văn Trạch đứng nhìn hố bọc phá do bộ đội ta khai hoả, nói: Tôi là bộ đội công binh, đơn vị tôi được tăng cường đào hầm đánh bộc phá đồi A1. Trận ấy, ta thắng lợi nhiều song cũng lắm thương vong. Còn cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Thu, xã Đồng Bẩm (TP Thái Nguyên) lại lặng nhìn xuống chân đồi, nơi nghĩa trang các Anh hùng liệt sĩ để hoài nhớ về thời trẻ bà cùng đồng đội tham gia tải đạn ở Hồng Cúm; cáng thương binh từ mặt trận ra hậu cứ và tham gia thu dọn chiến trường.

Chúng tôi xúc động chứng kiến những cựu chiến sĩ Điện Biên mang trên mình đầy Huân, Huy chương đang nghẹn ngào khóc bạn bên hàng mộ chí giữa nghĩa trang Điện Biên: “60 năm rồi, bạn nằm lại đây, nay tớ mới về thăm...”

Người quản trang nói: Cả nghĩa trang Điện Biên, ngày nào cũng khói hương lan toả, mùi hương trầm gợi nỗi niềm tiếc thương vô hạn. Cùng với hàng nghìn liệt sĩ, kia là mộ Anh hùng Phan Đình Giót, hy sinh ngày 13-3 (mở màn Chiến dịch), nằm kề cạnh là Anh hùng Trần Can, hy sinh ngày 7-5 (ngày kết thúc Chiến dịch)…

Hôm nay, những người con của vùng đất ATK Thái Nguyên năm xưa về lại Điện Biên, nghiêng mình trước anh linh những người đã ngã xuống để bảo về nền độc lập, làm nên một bản anh hùng ca bất tử:

“Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về.

Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui.

Bản mường xưa nương lúa mới trồng.

Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa...”

Bên dòng Nậm Rốm, thành phố Điện Biên hôm nay thật đẹp, nhà cao tầng vươn cao biểu thị cho sức trẻ của một thành phố đang trên đà phát triển. Trên khắp nẻo đường, góc phố đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa.

Theo Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất