Bất ngờ là nhiều người trong số họ có chung mái nhà với một “cây đa, cây đề” nào đó của Then và cùng với đó là những câu chuyện thú vị về thế hệ trong các gia đình hát Then được chia sẻ.
Mê Then vì yêu ông
Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ III đã bế mạc vào tối 26.8. BTC đã trao 10 giải Nhất cho các tiết mục tập thể, 14 giải Nhất cho tiết mục cá nhân xuất sắc. Ngoài ra, còn có 8 giải Nhì, 5 giải Ba và 9 giải Khuyến khích cho các tiết mục tập thể; 7 giải Nhì và 9 giải Ba cho các tiết mục cá nhân. |
Hà Thảo (Tuyên Quang) mới 8 tuổi, là người ít tuổi nhất tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính năm nay. Thảo gây không ít bất ngờ khi biểu diễn khá chững chạc bài Then cổ Cung bướm lượn tháng Ba cùng nghệ nhân nổi tiếng Hà Thuấn. Khi MC giới thiệu Thảo chính là cháu nội của nghệ nhân Hà Thuấn, nhiều người à lên “Con nhà nòi có khác!”. Số tuổi của Thảo đúng bằng số lẻ tuổi ông nội (nghệ nhân Hà Thuấn năm nay 68 tuổi), điểm chung lớn nhất của hai ông cháu là mê hát Then và chơi đàn Tính. Là con cháu của một dòng họ làm Then lâu đời, nghệ nhân Hà Thuấn cũng từng đi học làm Then khi còn bé, đến năm 12 tuổi thì ông tham gia hoạt động cách mạng rồi đi làm cán bộ, chấm dứt sự nghiệp của một “ông Then” từ khi chưa bắt đầu. Nhưng tình yêu đối với hát Then, đàn Tính thì không hề giảm. Về hưu năm 1993, ông bắt đầu quan tâm đến việc dạy hát Then, đàn Tính, bắt đầu từ cho con cháu trong nhà. Nếu như ông nội đến với hát Then, đàn Tính bắt đầu việc tiếp bước truyền thống gia đình thì Hà Thảo mê Then đơn giản chỉ vì rất yêu ông nội. Hồi bé, thấy ông cứ rảnh rỗi là lấy đàn ra đánh và hát, Thảo đòi học theo vì muốn giống ông. Ban đầu chỉ là học hát, giờ Thảo đã biết vừa hát vừa dập xóc nhạc nhưng chưa chơi được đàn Tính. Dần dần, hát Then đã trở thành niềm yêu thích của cô bé. Trong khi ông nội vẫn ngày đêm trăn trở về việc Then cổ có thể sẽ bị mất đi theo sự thưa vắng dần của các thầy Then thì mối bận tâm duy nhất về Then của Thảo hiện nay là làm sao chơi tốt đàn Tính để liên hoan lần sau có thể vừa đàn, vừa hát, vừa dập xóc nhạc giống ông. Thậm chí Thảo còn muốn thi với ông để xem ai sẽ được khán giả... vỗ tay nhiều hơn.
NSƯT Nông Văn Khang và cháu nội Nông Thanh Tuyền
Con nhà tông, giống lông nhưng không giống cánh
Là một gương mặt mới toe nhưng rất thu hút tại liên hoan lần này là Nông Thanh Tuyền (Thái Nguyên, 20 tuổi). Giọng Tuyền sáng, mềm mại cộng thêm gương mặt đẹp trai, dễ làm người ta nghĩ đến hình ảnh một “hot boy” nhạc nhẹ. Hỏi ra mới biết Tuyền là cháu nội của NSƯT Nông Văn Khang- một nghệ sĩ Then rất nổi tiếng ở vùng Việt Bắc. NSƯT Nông Văn Khang đến liên hoan năm nay với tư cách là khách mời. Ông cùng 4 nghệ sĩ tên tuổi khác của Việt Bắc tham gia biểu diễn chào mừng trong đêm khai mạc. Tuyền kế thừa được ở ông giọng hát và cái duyên sân khấu. NSƯT Nông Văn Khang đến với Then vì một niềm say mê không thể cưỡng lại. Ông tự mày mò học hát Then và chơi đàn Tính từ bé rồi trở thành diễn viên của Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc. Tuyền đang là sinh viên năm cuối lớp Quản lý Văn hoá của trường VHNT vùng cao Việt Bắc, chuyên ngành 1 của Tuyền là Thanh nhạc, chuyên ngành 2 là hát Then. Nhưng không giống ông nội, đến với Then vì sự say mê đặc biệt, Tuyền đến với Then như một sự lựa chọn phù hợp với bản thân. Tuyền tỏ ra là một người trẻ rất thực tế: “Em không chọn nhạc nhẹ vì có quá nhiều người hát nhạc nhẹ. Có thể em có những tố chất ban đầu phù hợp với nhạc nhẹ nhưng để trở thành một ca sĩ nhạc nhẹ thành công thì cần đến rất nhiều thứ mà em không có. Em chọn hát Then vì phù hợp với chất giọng, hơn nữa, sẽ có nhiều cơ hội cho một nghệ sĩ hát dân gian ở Thái Nguyên”. Nếu như NSƯT Nông Văn Khang dù đã nghỉ hưu từ lâu nhưng vẫn miệt mài với việc nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy Then, ông còn tự chế tác cả đàn Tính thì cháu nội ông bận bịu với việc học hát Then ở trường, đi biểu diễn các ca khúc Then mới và dàn dựng chương trình Then cho các đội văn nghệ quần chúng. NSƯT Nông Văn Khang không nghĩ đến chuyện kiếm tiền bằng việc dạy và hát Then. Còn Tuyền nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp “sống” tốt nhờ hát Then.
Cháu chọn lối này
Trước khi Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính lần thứ III bắt đầu, Chu Văn Minh (Lạng Sơn, 19 tuổi) có lẽ là gương mặt trẻ được chờ đợi nhất. Đơn giản vì trước đó, Minh vừa giành giải A tại Liên hoan Dân ca VN năm 2009. Minh được chọn để diễn cùng bà ngoại là nghệ nhân Nông Thị Sấm (71 tuổi) một trích đoạn Then cổ. Trước giờ diễn, Minh khoe bà ngoại là một trong hai nghệ nhân Then được Sở VH,TT&DL Lạng Sơn trao danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” với một sự tự hào không giấu giếm. Nhưng bà ngoại của Minh dường như không bận tâm nhiều về danh hiệu đó. Với nghệ nhân Nông Thị Sấm, làm Then, hát Then giống như là một “sứ mệnh” mà bà phải gánh vác nên không có chuyện yêu thích hay không yêu thích và mọi danh hiệu bà nhận được từ hát Then đều không quá quan trọng. Nối nghề làm Then của gia đình từ nhỏ, đã từng có thời gian bà bỏ nghề làm Then nhưng không bỏ nổi. Bà kể, Minh biết hát Then từ rất bé vì lúc nào cũng quanh quẩn bên bà, đi theo bà khắp nơi nên tiếng hát, tiếng đàn ngấm vào cậu bé lúc nào không biết. Minh nói: “Theo phong tục của các gia đình làm Then, bà muốn em cũng trở thành thầy Then để nối nghiệp bà nhưng em không muốn. Em còn phải đi học và muốn trở thành nghệ sĩ biểu diễn Then thôi”. Chưa dứt lời Minh đã nhận được ánh mắt “lườm” khó chịu của bà ngoại và chàng trai trẻ chỉ biết nở nụ cười cầu hoà. Chắc hẳn Minh đã phải nhận hàng ngàn cái “lườm nguýt” tức giận của bà ngoại vì sự lựa chọn của mình nhưng Minh tỏ ra khá quả quyết để thực hiện con đường của mình bằng việc đầu quân vào trường VHNT Lạng Sơn. “Then cổ học được từ bà thì giữ lấy để đi thi, đi tham gia liên hoan, còn em muốn học hát Then mới để đi biểu diễn chuyên nghiệp. Như thế là yêu Then rồi, bà nhỉ?”.
Đỗ Huyền-VanHoaOnline