Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 7/9/2008 18:29'(GMT+7)

Về thực trạng nhà báo bị hành hung - Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT&TT: Cần phải đưa ra xét xử!

>> Thêm hai phóng viên ở Quảng Bình bị đe dọa
>> Công an triệu tập giám đốc đánh người
>> Khởi tố vụ án đâm phóng viên báo Khánh Hòa

Một số bài báo thông tin các vụ hành hung nhà báo trong thời gian gần đây.

Phải đấu tranh, lên án

* Thời gian gần đây, các vụ hành hung nhà báo xuất hiện khá nhiều. Vừa có thêm hai nhà báo thường trú tại Quảng Bình nói rằng họ nhận được tin nhắn đe dọa. Đây có phải là điều bất thường trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội không, thưa ông?

- Qua thông tin trên báo chí và phản ánh trực tiếp của một số cơ quan báo chí thì đúng là gần đây số vụ việc cản trở, đe dọa, hành hung đối với một số nhà báo đang hoạt động nghiệp vụ diễn ra khá nhiều. Thậm chí có trường hợp cản trở, thu giữ, đập phá phương tiện, thu hủy tài liệu của nhà báo một cách trắng trợn.

Tôi cho rằng tất cả hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật đều không bình thường và đáng bị lên án, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng ta chưa nên vội quy kết các hành vi đe dọa, hành hung nhà báo trong thời gian qua là hiện tượng quá đột biến trong xã hội mà nên coi đó là hiện tượng vi phạm pháp luật như các vi phạm về trật tự, an ninh xã hội mà hàng ngày chúng ta phải đấu tranh, lên án, loại trừ.

Theo ông, làm gì để giải quyết triệt để tình trạng này?

- Pháp luật của chúng ta, đặc biệt là Luật Báo chí đã quy định rất cụ thể: Nhà báo được pháp luật bảo hộ khi hoạt động nghiệp vụ, không ai được đe dọa tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, không ai được cản trở, phá hủy phương tiện, thu hủy tài liệu của nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Quy định như vậy là đã rất rõ. Cho nên những hành vi hành hung, đe dọa nhà báo vừa rồi xảy ra ở nhiều nơi như báo chí đã phản ánh là những hành vi vi phạm pháp luật.

Các cơ quan chức năng cần căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý thích đáng. Quan điểm của tôi là phải xử nghiêm để răn đe nhưng quan trọng hơn là phải tuyên truyền pháp luật để người dân, xã hội hiểu và tôn trọng hoạt động báo chí.

Xét xử để răn đe

* Thưa ông, đối với các vụ việc gần đây mà báo chí nêu rất cụ thể, với tư cách cơ quan quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hành động gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà báo?

- Một số vụ việc khi các cơ quan báo chí thông báo và có văn bản đề nghị thì với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chúng tôi căn cứ các quy định của pháp luật để đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý. Những vấn đề mang tính hình sự thì yêu cầu cơ quan điều tra làm việc, những vấn đề mang tính chuyên môn thì yêu cầu cơ quan quản lý xử lý nghiêm minh. Với trách nhiệm của mình, khi nhận được các thông tin như vậy, chúng tôi đều có yêu cầu bằng văn bản gửi các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, có những vụ việc chúng tôi nhận được báo cáo của cơ quan báo chí có phóng viên bị đe dọa, hành hung nhưng có những vụ việc chúng tôi chưa nhận được báo cáo hoặc đề nghị từ phía cơ quan báo chí. Tôi đề nghị các cơ quan báo chí có phóng viên bị hành hung cần có báo cáo đầy đủ vụ việc với cơ quan quản lý để chúng tôi căn cứ vào đó phối hợp giải quyết cho thỏa đáng.

* Đối với các vụ việc liên quan đến những đương sự cụ thể mà báo chí đã phản ánh thì Bộ Thông tin và Truyền thông và cụ thể là cơ quan thanh tra của Bộ có quyền trực tiếp xử lý không, thưa ông?

- Có những vụ việc ở mức độ cần xử lý hành chính thì cơ quan thanh tra có thể thanh tra và xử lý theo đúng quyền hạn của mình. Nhưng ở những vụ việc vừa rồi mà một số báo phản ánh, nó đã chứa đựng yếu tố cấu thành tội phạm thì cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý. Ví dụ như có yếu tố đánh người vô cớ, đe dọa giết người, thu giữ phương tiện vô cớ thì cần điều tra và đưa ra xét xử để có tính răn đe.

* Báo chí của ta là báo chí của các cơ quan Đảng, nhà nước và các tổ chức xã hội. Nhà báo là người của các tổ chức đó và thực thi nhiệm vụ được giao. Vậy thì khi nhà báo tác nghiệp có được coi là hoạt động công vụ và việc hành hung nhà báo có phải là hành vi chống lại người thi hành công vụ không?

- Tôi nghĩ chưa cần phải viện dẫn đến những quy định tại các đạo luật khác, với những quy định như trong Luật Báo chí cũng đã có đầy đủ cơ sở để xem xét những hành vi đe dọa, ngăn cản, hành hung nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật.

Theo LÊ KIÊN - PHÁP LUẬT TPHCM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất