Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 6/3/2010 10:27'(GMT+7)

Về vấn đề kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường

TS Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh tư liệu

TS Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh tư liệu

Từ những chủ trương lớn của Đảng...

Trong Bài học kinh nghiệm về phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: Phát triển nhanh phải đi đôi với nâng cao tính bền vững, hai mặt tác động lẫn nhau, được thể hiện ở cả tầm vĩ mô và vi mô, ở cả tầm ngắn hạn và dài hạn. Tăng trưởng về số lượng phải đi liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi khai thác các yếu tố phát triển theo chiều rộng, phải đặc biệt coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện đời sống, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Phải rất coi trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường ngay trong từng bước phát triển... Như vậy, Đảng ta đã đề cập đến toàn diện các yếu tố cấu thành sự phát triển bền vững, trong đó có yếu tố kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.

Nước ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nỗ lực tăng trưởng nhanh và bền vững để thu hẹp khoảng cách tụt hậu so với thế giới. Quá trình này đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản trong cơ chế quản lý và phương thức điều hành của toàn bộ nền kinh tế, từng khâu, từng bộ phận, trong đó có ngành tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn bộc lộ nhiều bất cập. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường về tài nguyên và môi trường hình thành, phát triển chậm, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Tài nguyên chưa được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng, vai trò và giá trị của tài nguyên chưa được nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng tầm và phù hợp với các nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường. Bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xem là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế. Thể chế, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chậm được đổi mới, còn nặng tính hành chính, bao cấp, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao. Đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường cho thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn tài nguyên còn bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Môi trường nhiều nơi bị suy thoái nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề và kéo dài. Đảng ta chỉ rõ, môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả, tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng, nguyên nhân là do: “Chậm đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; chậm xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “cải cách hành chính còn chậm và kém hiệu quả” và “chưa có chính sách và giải pháp đủ mạnh để huy động và sử dụng tốt nhất các nguồn lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội”.

Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25-6-1988 của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cũng đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nắm vững và quán triệt quan điểm phát triển bền vững trong các quyết sách và hành động của mình. Chỉ thị nêu rõ: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Đặc biệt, ngày 15-11-2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 41/NQ-TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết chỉ rõ: “Muốn bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập kinh tế thành công, nhất thiết phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường”.

Xuất phát từ thực tiễn và nhận thức như vậy, để thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động vận dụng các quy luật khách quan, khả năng tự điều tiết của kinh tế thị trường, tăng cường áp dụng các cơ chế, công cụ kinh tế trong quản lý, nâng cao năng lực tư duy, nghiên cứu và phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường, chúng ta cần đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường với các quan điểm: Thực sự coi tài nguyên là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được thị trường hóa, coi bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế, có thể hạch toán toàn diện và đầy đủ để phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ và nhất quán giữa phương thức quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và đẩy mạnh cải cách hành chính là những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Trong đó, con người là trung tâm, nhân tố quyết định của quá trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

... Đến những nhiệm vụ căn cốt trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

Trên lĩnh vực đất đai, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng cơ cấu, định mức sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả kinh tế cao; rà soát hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động điều tra, kiểm kê, lập hồ sơ địa chính, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng khung giá đất, định giá đất, lập quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn thiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất; phát triển quỹ đất để phục vụ mục tiêu công ích, điều tiết thị trường đất đai, bất động sản và hỗ trợ tái định cư; phát triển dịch vụ công, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch và hiệu quả; tăng cường các hoạt động nghiên cứu dự báo về biến động đất đai, thị trường, giá cả đất đai; nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các cơ chế thu ngân sách từ đất đai; phát triển thị trường quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hướng mở rộng sự tham gia của các đối tượng và phù hợp với cơ chế thị trường; xây dựng đề án thương mại hóa thông tin, dữ liệu về đất đai.

Xác định nước là loại tài nguyên đặc biệt, cần phải xác lập cơ chế cung - cầu, chia sẻ lợi ích phù hợp với kinh tế thị trường; nghiên cứu, rà soát, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động điều tra, đánh giá, kiểm kê, cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; nghiên cứu tạo nguồn thu từ nước để tăng đóng góp ngân sách và tái đầu tư bảo vệ và phát triển tài nguyên nước; tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên nước; nghiên cứu đề xuất tăng thuế suất tài nguyên nước, sử dụng các loại thuế, phí khác liên quan đến tài nguyên nước để điều tiết vĩ mô hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.

Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, đang ngày càng khan hiếm, trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt trên phạm vi toàn cầu, cần phải được quản lý, sử dụng theo chế độ đặc biệt phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; nghiên cứu sớm xác lập tài khoản quốc gia về tài nguyên khoáng sản; xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước, lợi ích quốc gia trên cơ sở phân tích, dự báo cung - cầu trên thế giới; nghiên cứu, rà soát, đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khảo sát, thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; thực hiện thí điểm đấu thầu quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ, tiến tới áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước; nghiên cứu hình thành các cơ chế tạo nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để tăng đóng góp ngân sách và tái đầu tư cho khảo sát, thăm dò khoáng sản; định giá khoáng sản theo cơ chế thị trường; sử dụng các công cụ thuế tài nguyên, phí khai thác tài nguyên để điều tiết vĩ mô việc khai thác và sử dụng khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm, giảm xuất khẩu thô, thúc đẩy chế biến sâu khoáng sản; xây dựng đề án thương mại hóa thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản.

Xác định bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế; nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động quan trắc, phân tích môi trường, lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, công nhận, chứng nhận về môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế thu ngân sách từ các hoạt động liên quan đến môi trường; nghiên cứu thử nghiệm, tiến tới áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xác lập các nguyên tắc, cơ chế thị trường trong công tác bảo vệ môi trường; thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái; đưa yếu tố môi trường vào giá thành sản phẩm; phát triển nhanh ngành công nghiệp môi trường; sử dụng các công cụ thuế, phí môi trường để điều tiết vĩ mô các hoạt động kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường; xác lập cơ chế lượng giá môi trường, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên gây ra.

Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn, khuyến kích tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc, chia sẻ thông tin, số liệu khí tượng thủy văn; rà soát, đổi mới cơ chế dự báo khí tượng, thủy văn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; tăng cường năng lực dự báo và phân tích kinh tế về biến đổi khí hậu, các tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu tạo nguồn thu từ quan trắc, phân tích, dự báo khí tượng, thủy văn để tăng đóng góp cho ngân sách và tái đầu tư tăng cường năng lực ngành khí tượng thủy văn; đẩy mạnh phát triển các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM); nghiên cứu áp dụng các công cụ kinh tế trong việc thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế sử dụng ít các-bon; nghiên cứu thử nghiệm cung ứng dịch vụ dự báo thời tiết, khí hậu, lũ lụt và các thiên tai khác theo cơ chế cung - cầu; xây dựng đề án thương mại hóa các sản phẩm, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Đổi mới các cơ chế quản lý hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh việc vận dụng các nguyên tắc thị trường, áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; nghiên cứu tạo nguồn thu từ hoạt động trên biển và hải đảo để tăng đóng góp cho ngân sách và tái đầu tư tăng cường năng lực quản lý tổng hợp biển và hải đảo; xây dựng đề án thương mại hóa các thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo. Tạo nguồn thu để tăng đóng góp thu ngân sách và tái đầu tư tăng cường năng lực đo đạc và lập bản đồ; xây dựng đề án thương mại hóa thông tin, dữ liệu về đo đạc và bản đồ.

Tiến hành sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai; nghiên cứu, xây dựng Bộ Luật Đất đai, Bộ Luật Môi trường, Luật Đo đạc và Bản đồ, Luật Khí tượng thủy văn; và nhất là xây dựng Luật Tài nguyên và Môi trường biển theo hướng xác lập cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên và môi trường biển đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu và giải pháp

Mục tiêu phát triển của đất nước đã được Đảng và Nhà nước ta xác định: từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo định hướng đó, dự kiến kế hoạch trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ phải duy trì ở mức cao. Tốc độ tăng trưởng cao là cần thiết nhằm làm cho đất nước phát triển hội nhập với kinh tế khu vực. Tuy nhiên, với nhịp độ phát triển kinh tế cao, dân số tăng nhanh sẽ kéo theo một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chất thải từ sản xuất, tiêu dùng ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống con người thì phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; mặt khác, lại phải đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Sự kết hợp biện chứng giữa các mục tiêu này là đòi hỏi tất yếu khách quan của sự phát triển đất nước bền vững và của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Điều quan trọng là, phải hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy ngành tài nguyên và môi trường phát triển nhanh và bền vững, đồng bộ với tiến trình phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng tầm đóng góp và vị thế của ngành trong nền kinh tế quốc dân, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, nhất thiết chúng ta phải đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung nỗ lực thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành.

Hai là, tăng cường năng lực nghiên cứu, phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường có kiến thức tổng hợp về kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường; bổ sung vào lực lượng cán bộ lãnh đạo của ngành các cán bộ có chuyên môn sâu, có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích kinh tế.

Ba là, hình thành mạng lưới chuyên gia, cộng tác viên kinh tế của ngành, phối hợp chặt chẽ, huy động sự tham gia của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, phân tích kinh tế trong và ngoài nước trong thiết kế, xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bốn là, ưu tiên cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.

Năm là, tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực trong xã hội cho nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.

Thực hiện tốt các chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường như đã nêu ở trên, chúng ta tin tưởng rằng chỉ sau khoảng 5 đến 10 năm, Việt Nam sẽ có một ngành kinh tế - kỹ thuật tổng hợp hoạt động năng động, hiệu quả, hội nhập và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường cho thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những bước đột phá lớn, góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020./.

Phạm Khôi Nguyên

TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Theo TCCS điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất