NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA NÔNG THÔN
Cùng với tiến trình phát triển của đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vị trí chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an toàn xã hội và an ninh con người. Nông thôn vẫn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền với hàng ngàn di tích lịch sử, công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng; nơi lắng đọng “hồn quê, tình quê”; nơi góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nếu trước đây hơn 90% dân số sống ở nông thôn với nghề nông truyền thống, thì hiện nay cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, không gian sinh tồn của người nông dân dần bị thu hẹp, giảm về quy mô diện tích, dân số (hiện có khoảng 60% dân số sống ở nông thôn) với sự hình thành của các khu đô thị, thành phố, kéo theo sự xuất hiện của tầng lớp thị dân với nghề buôn bán, kinh doanh, dịch vụ.
Những năm qua, những luồng di cư từ nông thôn ra thành thị diễn ra với tần suất lớn. Người nông dân dần thoát khỏi lũy tre, cánh cổng làng tìm đến nơi phồn hoa, đô hội để trải nghiệm cuộc sống, không gian cư trú mới với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Đây là xu hướng và quy luật tất yếu trong quá trình phát triển.
Hội nhập toàn cầu, đô thị hóa, một mặt đem đến cho văn hóa nông thôn những làn gió mới với những tinh hoa văn hóa nhân loại được du nhập, tiếp biến và vận dụng trong đời sống hàng ngày. Đô thị hóa góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan, không gian làng xã theo hướng hiện đại, văn minh với nhiều công trình theo lối kiến trúc mới được xây dựng; đường làng, ngõ xóm được rải nhựa, bê tông hóa. Đồng thời quá trình này cũng góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bức tranh làng quê Việt Nam có nhiều khởi sắc về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, Chương trình đã đem lại những tín hiệu tích cực với hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa ngày càng đồng bộ, đầy đủ, hiện đại. Tại thời điểm 1/7/2020, cả nước có 6.309 xã có nhà văn hóa xã, chiếm 76,04% tổng số xã trên địa bàn nông thôn, tăng 17,66% điểm phần trăm so với năm 2016; 7.199 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, chiếm 86,77% tổng số xã và tăng 3,31 điểm phần trăm; 2.223 xã có thư viện xã, chiếm 26,79% và tăng 7,77 điểm phần trăm. Ngoài ra còn có 3.599 xã có hội trường đa năng, chiếm 43,38% tổng số xã; 58.813 thôn có nhà văn hóa, chiếm 88,83% tổng số thôn, tăng 10,11 điểm phần trăm so với năm 2016 và 5.889 thôn có thư viện thôn, gấp 2,57 lần số thôn có thư viện thôn năm 2016.
Năm 2020, cả nước có 7.824 xã lắp đặt hệ thống loa truyền thanh xã, chiếm 94,30% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 4,93 điểm phần trăm so với năm 2016. Cả nước còn có 5.950 xã xây dựng sân thể thao xã, chiếm 71,71% tổng số xã khu vực nông thôn, tăng 9,44 điểm phần trăm so với năm 2016; 2.922 xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao dành cho trẻ em và người cao tuổi, chiếm 35,22% tổng số xã năm 2020 và 45.336 thôn có khu thể thao thôn và nơi sinh hoạt văn hóa thể thao, chiếm 68,48% tổng số thôn(1).
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở ở làng quê, mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa của nhân dân thì việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho cư dân nông thôn cũng được các cấp các ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm chú trọng nhằm phát triển văn hóa nông thôn bền vững, toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để các làng quê thực sự là nơi đáng sống.
Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”, “Năm không ba sạch”...; Các mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình khuyến học, Dòng họ khuyến học”… được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã thu hút các gia đình hưởng ứng tham gia, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa nông thôn. Theo thống kê, năm 2000, cả nước có 17.651 làng (thôn, ấp, bản, tổ dân phố) văn hóa được công nhận; năm 2015 con số đó là 70.982 (đạt tỷ lệ 68,86%). Đến năm 2019, 82,3% làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa được công nhận (trong đó trên 50% làng, thôn, ấp, bản văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, nông thôn mới). Mức hưởng thụ văn hóa và nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa thể thao của nhân dân ngày càng phong phú. Trung bình một năm có 40,8 triệu lượt người tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ ở nông thôn (đạt gần 60%), trong đó đáng chú ý là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa số người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên cũng đạt 15%(2).
Sự phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, đã và đang tác động sâu sắc đến mọi vùng miền, giai tầng, trong đó có nông dân, nông thôn. Cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy, người nông dân càng có điều kiện tiếp cận với các loại hình dịch vụ nghe nhìn, giải trí mới, được trải nghiệm các thiết bị hiện đại, thông minh. Qua làn sóng Internet, di động, mạng xã hội, người nông dân đang trở thành những công dân số với mạng lưới kết nối không ngừng gia tăng nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thiết lập các kênh kết nối, tham gia các sàn giao dịch thương mại để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của quê hương đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Có thể nói, cánh cổng làng của những vùng quê nông thôn đang rộng mở để bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn tiếp tục lan tỏa, phát huy trong đời sống cộng đồng, đồng thời, chủ động đón nhận những làn gió văn hóa mới để bồi đắp thêm cho văn hóa nông thôn ngày càng phong phú, đa dạng.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên
bên cạnh những tín hiệu tích cực, bức tranh văn hóa nông thôn cũng đang
chịu những sức ép lớn từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, công
nghiệp hóa, đô thị hóa và những luồng tư tưởng cực đoan, những thông tin
xấu độc trên không gian mạng.
Biến đổi
rõ nhất của văn hóa nông thôn là sự thay đổi diện mạo không gian, cảnh
quan làng xã khi nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử văn
hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí nhiều cánh đồng
bị san phẳng dành chỗ cho những dự án khu đô thị mới, những công trình,
nhà máy, xí nghiệp. Vì lợi nhuận và mục tiêu phát triển kinh tế bằng
mọi giá, chính quyền địa phương nhiều nơi tự ý chuyển đổi mục đích sử
dụng đất nông nghiệp thành đất kinh doanh, dịch vụ, dẫn đến tình trạng
phân lô, bán nền, loạn giá đất đai, thao túng thị trường, làm xấu xí
không gian, cảnh quan văn hóa cũng như làm mất đi vẻ thanh bình, yên ả
của làng quê.
Sự xuất
hiện của nhiều nhà máy công nghiệp ngay giữa làng quê với lượng rác, khí
thải lớn ra môi trường đã làm nhiều làng quê chìm trong ô nhiễm khói
bụi, tiếng ồn, nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Không gian
văn hóa nông thôn hiện nay còn có sự xuất hiện của những ngôi nhà cao
tầng, khép kín; những địa điểm kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ,
quán bar, hiệu cầm đồ; sự du nhập của những thành phần cư dân phức tạp,
đến từ nhiều nơi, khó kiểm soát.
Sống trong
không gian mở với nhiều loại hình văn hóa, giải trí mới trên không gian
mạng, bên cạnh những thông tin, hình ảnh tích cực là vô vàn những xuất
bản phẩm kém giá trị, những luồng tư tưởng xấu độc, đã và đang tác động,
chi phối đến lối sống của người nông dân, nhất là giới trẻ. Một số bạn
trẻ có sự lệch lạc trong lối sống, chạy theo thị hiếu nhất thời của đám
đông, đề cao dục vọng cá nhân, cuồng tín tin theo tà đạo, xao nhãng, rời
xa những giá trị văn hóa cổ truyền, lãng quên cội nguồn, tổ tiên, nhạt
phai bản sắc văn hóa dân tộc.
Nếu trước
đây “cổng làng đóng nhưng cổng nhà nào cũng mở” thì ngày nay “cổng làng
mở nhưng cổng nhà nào cũng đóng”. Phía trong nhiều ngôi nhà cao tầng,
sang trọng hiện diện ở làng quê lại là những không gian kép kín, thiếu
sự liên kết, thông hiểu giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia
đình này với gia đình khác. Đó là những xung đột thế hệ về quan điểm,
lối sống; những mâu thuẫn vợ chồng, những tranh giành đất đai, quyền lợi
trong một số gia đình. Còn ở ngoài xã hội, tình trạng tệ nạn xã hội có
chiều hướng gia tăng, là cuộc sống xa hoa, thích phô trương hình thức,
đề cao đồng tiền; là cảnh đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi; là tình trạng
nghiện games, lối sống buông thả của không ít học sinh, sinh viên… Những
cảnh tưởng ấy khiến cho bức tranh quê kém phần tươi sáng.
Trong
bối cảnh hiện nay, văn hóa nông thôn đang chịu những tác động tích cực
và tiêu cực từ quá trình hội nhập toàn cầu, đô thị hóa. Nhưng dù phát
triển đến đâu, vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, giữ được “chân
quê, hồn quê, tình quê”, đánh thức và phát huy tốt tiềm năng văn hóa
nông thôn, góp phần vào quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước
hiện nay.
|
GIỮ GÌN NÉT ĐẸP, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA
Đô thị hóa
là quá trình tất yếu khách quan với sự ra đời của các đô thị, thành phố
lớn. Điều này đồng nghĩa với việc diện mạo, không gian nông thôn sẽ bị
thu hẹp, nhiều nông dân sẽ trở thành thị dân với lối sống văn minh, hiện
đại. Nhưng dù phát triển đến đâu, vai trò, vị trí của văn hóa nông thôn
luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh
quan trọng đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững, đất nước. Để
gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong điều kiện hiện nay cần
thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như sau:
Thứ nhất,
nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa
phương, người dân về vai trò, vị trí của văn hóa nông thôn. Chỉ khi nào
nhận thức thông suốt, đồng bộ thì mới có kế sách để gìn giữ, bảo tồn,
phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn trước nguy cơ bị mai một,
xâm lấn bởi tác động xấu của quá trình hội nhập, đô thị hóa. Văn hóa là
hồn cốt, bản sắc của dân tộc, một khi văn hóa bị lãng quên, biến mất sẽ
không có cơ hội để tái sinh, phục hồi nguyên vẹn.
Thứ hai,
ý thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nông thôn, cần
phải có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, bao quát để nhận diện trữ
lượng, nguồn vốn, lợi thế của văn hóa nông thôn, từ đó có chính sách bảo
tồn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân văn trong phát
triển kinh tế, xã hội và xây dựng con người mới.
(Ảnh minh họa)
Thứ ba,
trong quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải bảo tồn nguyên vẹn
không gian văn hóa truyền thống. Đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền
vững, cân bằng; xử lý tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại,
giữa đô thị, thành phố với nông thôn, tránh sự pha tạp, lai căng, méo
mó; tránh tâm lý tùy hứng và tư duy nhiệm kỳ trong quản lý, phát triển
vùng đô thị và nông thôn.
Thứ tư,
phải giữ được những không gian xanh, những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu;
những dòng sông thơ mộng, hiền hòa, những công trình lịch sử, văn hóa
và đặc biệt phải gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong đời sống
cộng đồng, đó là tình yêu quê hương đất nước, gắn bó sâu nặng với làng
quê, biết ơn nguồn cội; là tình nghĩa thủy chung, đoàn kết; tinh thần
nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình; là đức hy sinh, tinh thần cống
hiến, đề cao lợi ích tập thể, truyền thống hiếu học, trọng hiền tài của
người nông dân thuần hậu, chất phác.
Thứ năm,
đề cao vai trò, vị thế của người nông dân trong sáng tạo, thực hành,
gìn giữ vào trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ. Không ngừng nâng cao đời
sống vật chất và tinh thần để họ luôn chủ động, tích cực và ứng phó
linh hoạt trước những tác động phức tạp của bối cảnh, tình hình mới.
Thứ sáu,
mở rộng không gian văn hóa làng quê trong tiếp biến tinh hoa văn hóa
nhân loại nhưng đồng thời cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi
những luồng thông tin độc hại, những hành vi, hiện tượng phản văn hóa,
phản giá trị, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh ở các làng quê, nhất
là trong bối cảnh chuyển đổi mô hình xã hội đang diễn ra mạnh mẽ ở nước
ta hiện nay./.
TS. NGUYỄN HUY PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_____________________
(1) Báo cáo kết quả Cuộc điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 tiến hành vào thời điểm 01/7/2020 theo Quyết định số 1695/QĐ-TCTK ngày 31/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
(2) Cục Văn hóa cơ sở: Báo
cáo số 673/BC-VHCS, Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa thuộc Bộ
tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.