Theo ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC, đoạn km20+480-km20+650 là đoạn nền đường đào qua khu vực có địa chất đá bị phong hóa mạnh, đặc biệt lớp đá phong hóa hoàn toàn màu đen khi bị ảnh hưởng bởi nước ngầm và nước mặt sẽ trở nên bở rời rạc, giảm lực ma sát trong, gây mất ổn định mái dốc (taluy dương) dẫn đến sạt trượt.
Sau khi có hiện tượng sạt trươt mái taluy, VEC đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin chủ trương ngả mái dốc taluy để tránh sạt trượt tại các vị trí đất đá xen kẹp và bị phong hóa mạnh và đã được Bộ đã chấp thuận biện pháp xử lý ngả mái dốc taluy.
Để triển khai thực hiện thi công ngả mái dốc, hiện Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang làm việc với địa phương để thu hồi mặt bằng bổ sung tiến hành triển khai ngả mái. Ngay sau khi có mặt bằng, VEC sẽ chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thi công để xử lý triệt để tình trạng sạt trượt taluy dương.
“Dự kiến công tác ngả mái taluy dương bên trái tuyến tại km20+315 sẽ thực hiện trong tháng 12 tới đây,” ông Chung khẳng định.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, VEC luôn túc trực máy móc thiết bị và nhân công tại vị trí này để hót dọn các đất đá bị sạt, vị trí này có 3m dự trữ làn đường cho giai đoạn 2 nên đất đá bị sạt thường sạt vào khu vực này, mặt khác Tổng công ty cũng đã chỉ đạo nhà thầu làm hàng rào B40 để ngăn chặn đất đá rơi ra mặt đường.
Về một số vị trí xói lở nền đường do ảnh hưởng mưa bão số 12, theo báo cáo của VEC, tại lý trình km31+243 và km31+263, VEC đang chỉ đạo nhà thầu triển khai thi công gia cố mái dốc tại vị trí dòng chảy dẫn nước xuống chân mái taluy tránh bị xói lở.
Đối với vị trí bị hư hỏng cục bộ đá hộc xây bảo vệ mái dốc tứ nón cống dân sinh, ông Chung lý giải nguyên nhân vị trí này bị xói lở hàm ếch là do nước trên mặt đường chảy thành dòng gây xói lở nền đắp và tứ nón cống. Tổng công ty đã chỉ đạo nhà thầu thi công rãnh dẫn nước và hiện đang triển khai thi công tại hiện trường.
Sau khi mưa bão vừa qua, VEC cũng đã rà soát lại toàn bộ mái taluy nền đường, sửa chữa các vị trí bị sạt và có kế hoạch bổ sung gia cố mái dốc để đảm bảo ổn định mái taluy nền đường tại các vị trí tụ thủy, nước chảy từ mặt đường xuống chân taluy nhằm đảm bảo chất lượng công trình cũng như an toàn trong quá trình khai thác tạm tuyến cao tốc này.
Trước đó, VEC ban hành mức giá dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (đoạn km0+000-km65+000) trong đó mức giá thấp nhất là 20.000 đồng/lượt xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất của đoạn tuyến này là 380.000 đồng/lượt đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40feet./.
Ngày 2/8/2017, Bộ Giao thông Vận tải và VEC đã tổ chức thông xe và đưa vào khai thác tạm 65km đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (hợp phần JICA tài trợ) từ Đà Nẵng đến Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) trong tổng số 139,5km chiều dài của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1,64 tỷ USD (tương đương 34.516 tỷ đồng).
Tính đến ngày 15/11 vừa qua, tuyến cao tốc này đã phục vụ khoảng 170.000 lượt phương tiện an toàn và thông suốt. Đặc biệt, khi cơn bão số 12 vừa qua đổ bộ vào Nam Trung bộ nước ta đã khiến Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực này bị chia cắt vì ngập lụt sâu, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã trở thành tuyến giao thông huyết mạch cho các phương tiện khi di chuyển qua đây.
TG