Hoạt động vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ
thuốc lá tại điểm bán diễn ra sôi nổi, có nhiều hình thức vi phạm khác
nhau và ngày càng tinh vi.
Thông tin trên được đưa ra thảo luận sôi nổi tại hội thảo “Vận động thực
thi quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá tại điểm bán lẻ thuốc
lá tại Việt Nam,” do Trường Đại học Y tế Công cộng tổ chức sáng 5/5 tại
Hà Nội.
Trong bài trình bày về Thực trạng vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến
mại và tài trợ thuốc lá ở 6 tỉnh tại Việt Nam tiến hành năm 2014, Thạc
sỹ Trần Khánh Long - Trường Đại học Y tế Công cộng dẫn kết quả nghiên
cứu cho thấy, tình hình vi phạm chung các quy định về cấm quảng cáo,
khuyến mại thuốc lá tại 6 tỉnh với tỷ lệ vi phạm cao, trên 92% (vi phạm
ít nhất 1 tiêu chí quảng cáo và khuyến mại). Đó là các tỉnh: Thái Bình,
Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Đặc biệt, tại nhiều tỉnh tiêu chí vi phạm quy định trưng bày quá một
bao/1 tút của một nhãn hiệu thuốc lá chiếm tỷ lệ vi phạm cao nhất.
Khảo sát trên cho thấy, tại các điểm bán thuốc lá có 5 loại hình vi phạm
quảng cáo, khuyến mại phổ biến nhất gồm: trưng bày quá số lượng bao
thuốc lá theo quy định (tất cả 6 tỉnh đều vi phạm trên 80%), tiếp đó là
vi phạm về đóng gói nhỏ hơn 20 điếu, vi phạm về việc có nhiều hương vị,
nhiều màu sắc chỉ thị, quầy tủ trưng bày thuốc lá.
Theo thạc sỹ Trần Khánh Long, vẫn còn một điểm tồn tại khá lớn là tại
các cửa hàng bán, kinh doanh thuốc lá đều có biển dán dòng chữ “Cấm bán
thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” nhưng kích thước rất nhỏ, dán biển ở
chỗ khó quan sát, dán biển tạm bợ... Vì vậy, theo thạc sỹ Long, để hạn
chế tình trạng trên, các bộ ban ngành cần đưa ra thông tư dưới luật quy
định về cỡ chữ, kích cỡ của dòng cảnh báo cấm bán thuốc lá cho người
dưới 18 tuổi cho phù hợp, dễ nhìn và rõ ràng.
Chia sẻ thông tin về lĩnh vực này, thạc sỹ Nguyễn Ngọc Bích - Hội Y tế
Công cộng Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu đánh giá sự tuân thủ Luật
Phòng chống tác hại thuốc lá tại 6 tỉnh được tiến hành trong năm 2014
tại 6 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp, Bạc
Liêu cho thấy 55% đối tượng quan sát thấy có hành vi hút thuốc tại đám
cưới, lễ hội; 52% các nhà hàng quán bar-cafe, karaoke, vũ trường quan
sát thấy hành vi thuốc; 21% đối tượng quan sát thấy có hành vi hút thuốc
tại các khu vực làm việc trong nhà.
Qua nghiên cứu, nhận thấy tỷ lệ hút thuốc lá tại các tỉnh điều tra cao
hơn kết quả điều tra quốc gia. Địa điểm hút thuốc lá chủ yếu là tại các
quán bar-cafe với tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cao trong khi
đó tỷ lệ hiểu biết về các tác hại của hút thuốc thụ động thấp.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay còn nhiều khó khăn tồn tại
trong công tác thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá
tại điểm bán. Đó là những khó khăn như: Nhận thức về các quy định cấm
quảng cáo-khuyến mại thuốc lá chưa tốt, tính tuân thủ quy định pháp luật
và trưng bày thuốc lá tại điểm bán chưa cao; Lực lượng thanh tra mỏng,
địa bàn rộng; Sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan chưa thực sự sâu
sát và hiệu quả; Còn tồn tại nhiều kẽ hở trong các văn bản pháp luật và
hình thức lách luật của công ty thuốc lá ngày một tinh vi.
Chính vì vậy, với mục đích cung cấp bằng chứng các hành vi vi phạm về
quảng cáo và khuyến mại thuốc lá đang tồn tại ở Việt Nam, Trường Đại học
Y tế Công cộng triển khai dự án “Vận động và hỗ trợ thực thi quy định
cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá tại Việt Nam, 2015-2016.”
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ nhiều bộ, ngành thảo luận, đề xuất các
khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường việc thực thi quy định cấm quảng
cáo và khuyến mại thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá lẻ cũng như giảm
thiểu, loại bỏ những lỗ hổng đang tồn tại trong những quy định liên quan
đến lĩnh vực này./.
(Vietnam+)