Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 19/1/2013 23:35'(GMT+7)

Vì sao chiến dịch "Mèo rừng châu Phi" của Pháp được ủng hộ?

Phi đội Mirage 2000 D cất cánh từ căn cứ quân sự Pháp tại N'Djamena, Chad tới không kích các mục tiêu của các tay súng Hồi giáo trên lãnh thổ Mali. Ảnh internet

Phi đội Mirage 2000 D cất cánh từ căn cứ quân sự Pháp tại N'Djamena, Chad tới không kích các mục tiêu của các tay súng Hồi giáo trên lãnh thổ Mali. Ảnh internet

Mali tuy  là một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi, nhưng chính quốc gia này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự xảy ra hồi tháng 3-2012. Nhân cơ hội này, lực lượng phiến quân người Tuareg có vũ trang đã mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc, đồng thời tuyên bố ly khai và thành lập "Nhà nước Azawad" áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại. 

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng được xem là hệ lụy sau sự kiện Libi, khi phương Tây giúp phe đối lập lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi khiến hàng trăm chiến binh người Tuareg có vũ trang phải rời bỏ nhà cửa chạy sang Mali. Những người Tuareg vốn bị "ghẻ lạnh", bị phân biệt từ nhiều năm qua trong khu vực đã tập hợp tại Mali dưới ngọn cờ của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM) và các chiến binh Hồi giáo địa phương. Cuộc “hợp nhất” này đã đẩy Mali rơi vào hỗn loạn. 

Quân đội Mali đã mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây, vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan. 

Một kịch bản rất xấu được dự báo nếu các lực lượng Hồi giáo cực đoan Mali liên kết với phiến quân Hồi giáo tại các nước trong khu vực như Nigiêria và Xômali - mối nguy không chỉ với Mali mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trong châu lục. Đây cũng chính là lý do khiến cuộc khủng hoảng tại Mali cần chấm dứt nhanh nhất có thể.

Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Mali Dioncounda Traoré mong muốn Liên hợp quốc và Pháp hỗ trợ đẩy lùi phiến quân Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi các phiến quân chiếm thị trấn chiến lược Konma và áp sát thị trấn trọng yếu Mopti do chính phủ kiểm soát và là cửa ngõ đi về phía Nam. Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố khởi động chiến dịch Saval ("Mèo rừng châu Phi") mở màn cho sự can thiệp quân sự của Pháp vào Mali. Pháp tiến hành không kích vào nhiều vị trí của phiến quân tại Mali nhằm hỗ trợ chính phủ nước này đẩy lùi các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo. 

Sở dĩ  hành động của Pháp được dư luận ủng hộ, theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius : “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc không kích tại Mali. Từ vài ngày qua, tình hình đã xấu đi nghiêm trọng khi nhóm khủng bố đã tấn công vào miền Nam Mali. Mục tiêu của nhóm này rất rõ ràng. Đó là khống chế toàn bộ Mali để thành lập một nhà nước khủng bố tại đây. Đây là lý do tại sao các quan chức Mali kêu gọi HDBA LHQ và Pháp giúp họ can thiệp quân sự khẩn cấp”.

Hơn nữa, giới lãnh đạo Pháp tin rằng, Mali và các nước láng giềng ở Tây Phi, cũng như châu Âu và đặc biệt là nước Pháp đang bị đe dọa bởi 3 tổ chức Hồi giáo cấp tiến, trong đó có chi nhánh al-Qaeda hiện đang kiểm soát miền Bắc Mali và đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng xuống miền Nam, đặc biệt là thủ đô Bamako để thành lập một nhà nước khủng bố.

Có lẽ bởi những lý do trên mà Tổng thống Pháp Hollande đã quyết định can thiệp quân sự vào Mali chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Hơn nữa, theo tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande, chiến dịch can thiệp quân sự mang tên "Mèo rừng châu Phi”, có phần bất ngờ với dư luận; song, không quá khó hiểu. Bởi, trước hết, tại Mali, Pháp có khoảng 6.000 kiều dân sinh sống và ngược lại cũng có một cộng đồng khoảng 100.000 kiều dân Mali sống tại Pháp. Thêm vào đó, hành động tại Mali, một mặt Pháp muốn khẳng định vị thế với vùng đất từng là thuộc địa cũ; mặt khác cũng chứng tỏ Pháp không lùi bước trước cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến các giá trị phương Tây cho dù đang rất khó khăn về kinh tế. 

Tổng thống Pháp Francois Hollande (Phrăngxoa Ôlăngđơ) cho biết, Pari không có kế hoạch triển khai lực lượng lâu dài tại Mali, song sẽ kéo dài tới khi tình hình an ninh được lập lại và sẽ giảm bớt vai trò khi lực lượng của các nước châu Phi triển khai tới nước này. Quyết định này của ông Hollande đã gây bất ngờ cho dư luận quốc tế và cả người dân Pháp. Hiện chưa rõ tương lai của chiến dịch này sẽ đi tới đâu, nhưng giới quan sát cho rằng, “sự kiện Mali” có lẽ là một bước ngoặt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Hollande. Hiện Pháp đã triển khai 750 quân ở Mali và sẽ tăng lên 2.500 quân, cả trên không và dưới mặt đất, trong những ngày tới. 

8 tháng sau khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp, đây là lần thử lửa đầu tiên đối với Tổng thống Hollande trên cương vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, với quyết định can thiệp quân sự vào Mali, Pháp “đang trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Với việc kêu gọi tinh thần yêu nước, bảo vệ kiều dân Pháp ở Mali, bước đi của Tổng thống Pháp Hollande nhận được sự đồng thuận của giới quân sự. Phần lớn các đảng phái đối lập tại Pháp cũng ủng hộ và chưa có đảng nào ra mặt phản đối hành động can thiệp quân sự trên. 
Các đơn vị quân đội Pháp đã được triển khai ở thủ đô Bamacô của Mali để đảm bảo an ninh cho kiều dân Pháp. Có lẽ, Tổng thống Hollande nhận thấy vào thời điểm hiện tại, Pháp có đủ phương tiện và khả năng hành động nhằm tăng cường vị thế và ảnh hưởng quốc tế qua việc can thiệp quân sự trực tiếp vào Mali. 

Chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali đã nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 14-1-2013, trong một cuộc họp kín khẩn cấp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua quyết định chấp thuận chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cũng khẳng định chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là hợp pháp, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso, trong cuộc tiếp xúc với Tổng thống Hollande tại điện Êlidê, đã tái khẳng định sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với các nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Mali và vì thế ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự đang diễn ra. Trong cuộc họp tại Brúcxen (Bỉ) ngày 17-1-2013, các ngoại trưởng EU cũng quyết định triển khai Phái bộ huấn luyện của EU tại Mali. Theo đó, EU sẽ cử khoảng 450-500 quân (không tham chiến) tới quốc gia Tây Phi này trong thời gian sớm nhất có thể nhằm giúp quân đội Mali tăng cường khả năng tác chiến.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có động thái hướng tới việc cho phép hỗ trợ có giới hạn cho chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali như chuẩn bị sẵn sàng các máy bay do thám không người lái cũng như các căn cứ tình báo không quân để có thể triển khai trong những ngày tới. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Tommy Vietor cho biết: “Chúng tôi ghi nhận rằng Chính phủ Mali đã yêu cầu hỗ trợ và chúng tôi chia sẻ mục tiêu của Pháp ngăn chặn các phần tử khủng bố tìm nơi trú ẩn trong khu vực. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với Pháp và các đối tác quốc tế khác khi tình hình có biến động".
 

Trong khi đó, Đức cam kết cung cấp hai máy bay vận tải quân sự Transall, chủ yếu được sử dụng để vận chuyển binh sĩ châu Phi. Italia cũng khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ hậu cần cho cuộc tấn công quân sự tại Mali. Chính phủ Nga tuyên bố ủng hộ các nỗ lực quốc tế giúp Mali giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov khẳng định nước này coi chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali là hợp pháp. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Gatilov nói: "Nói chung, việc Pháp can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Mali nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Chúng tôi tin rằng một chiến dịch như vậy là rất giới hạn và mang tính tạm thời".
Chính quyền Bỉ cũng đề xuất cung cấp 2 máy bay vận chuyển C-130 và 2 trực thăng cho lực lượng Pháp, trong khi Anh và Canađa cũng đề nghị tham gia vận chuyển binh sĩ tới quốc gia Tây Phi này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này đã xem xét khả năng hỗ trợ công tác hậu cần và viện trợ nhân đạo. 

Thủ tướng Canađa Stephen Harper ra tuyến bố nêu rõ mặc dù không đưa quân đội trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự tại Mali, nhưng nước này sẽ có những hỗ trợ về "hậu cần" cho các lực lượng của Pháp, hiện đang tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng Hồi giáo ở quốc gia châu Phi này. Theo ông Harper, Canađa sẽ gửi máy bay vận tải quân sự hạng nặng thuộc lực lượng quân đội hoàng gia (RCAF C-17) tới châu Phi theo yêu cầu trực tiếp của Pháp.

Ngày 19/1, nguyên thủ các nước Tây Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế can dự nhiều hơn vào tình hình chiến sự tại Mali trong bối cảnh các nước này cũng đang đẩy mạnh tốc độ triển khai binh sỹ khu vực tới hỗ trợ binh sỹ Pháp và quân đội Mali tiêu diệt lực lượng phiến quân ở phía Bắc. 


Trước đó, ngày 15-1, lãnh đạo quân đội các quốc gia Tây Phi đã nhóm họp tại Bamacô để lên kế hoạch được LHQ hậu thuẫn, theo đó sẽ triển khai một lực lượng quân sự khoảng 3.300 binh sĩ tới Mali. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nigiêria cho biết nước này cam kết sẽ triển khai khoảng 900 quân tới Mali, tăng so với con số 300 quân thông báo trước đây. Ngoài ra, các nước Buốckina Phaxô, Nigiê, Xênêgan và Tôgô đều cam kết gửi quân vào cuối tuần tuần này; Bênanh cũng khẳng định tham gia với 300 binh sĩ. 


Có thể nói, cộng đồng khu vực châu Phi đã có những động thái mạnh mẽ nhằm giải quyết cuộc xung đột Mali. Ngoại trưởng CH Sát tuyên bố nước này sẽ gửi 2.000 binh sĩ tham gia chiến dịch chống phiến quân ở miền Bắc Mali. Lực lượng này sẽ hợp tác chặt chẽ với quân đội Mali và lực lượng đa quốc gia Tây Phi. 


Trước tuyên bố của Sát, tham mưu trưởng quân đội các quốc gia Tây Phi cho biết 2.000 binh sĩ lực lượng này sẽ tới Bamacô trước ngày 26-1-2013. Theo kế hoạch được LHQ thông qua, một lực lượng khu vực gồm 3.000 binh sĩ sẽ được triển khai với sự góp quân của Nigiêria, Nigiê, Buốckina Phaxô, Tôgô, Xênêgan, Ghinê và Ghana.

Trong khi đó, các nước láng giềng với Mali đều đang sẵn sàng ứng khó với những biến động tại quốc gia Tây Phi này./. 

 Đa số người Pháp ủng hộ can thiệp quân sự vào Mali:
Tờ báo địa phương "Tây Nam" ngày 19/1 đăng kết quả điều tra mới nhất của Viện thăm dò dư luận Pháp (IFOP) cho thấy 65% người dân Pháp ủng hộ việc nước này can thiệp quân sự vào Mali nhằm đánh đuổi các phiến quân Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát nhiều khu vực trên lãnh thổ quốc gia Tây Phi này, trong khi 34% phản đối sự can thiệp trên. Cuộc thăm dò dư luận được IFOP thực hiện bằng hình thức phỏng vấn qua điện thoại đối với 1.005 người Pháp vào ngày 17-18/1 vừa qua.
 

Mạnh Hùng tổng hợp
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất