Trong khi 22 tỉnh, thành khác đã triển khai lắp đặt đầu thu số cho các
hộ nghèo, cận nghèo từ giữa tháng 4 thì tại Hà Nội việc lắp đặt bị dừng
lại, dẫn đến chậm trễ. Trên diễn đàn DVB-T2, rất nhiều ý kiến thắc mắc
về lý do tại sao người nghèo Hà Nội lại chưa được nhận đầu thu truyền
hình số?
Theo kết quả đầu thầu dự án “Hỗ trợ đầu thu truyền hình số tại Hà
Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ và các địa bàn phụ cận bị ảnh hưởng bởi
lộ trình tắt sóng truyền hình tương tự theo Đề án số hóa truyền dẫn,
phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Liên danh Tecapro –
Vietcoms trúng gói thầu mua sắm và lắp đặt đầu
thu tại Hà Nội và 5 tỉnh phụ cận. Tổng số lượng đầu thu của gói thầu
này là 128.633 bộ đầu thu, trong đó riêng Hà Nội là hơn 34.000 bộ. Theo
hợp đồng ký kết với Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, Tecapro –
Vietcoms phải đảm bảo hoàn thành lắp đặt cho từng hộ dân thụ hưởng trước
ngày 15/5/2016.
Tuy nhiên, theo Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, 22 tỉnh, thành
khác của Dự án đều đã ở trong giai đoạn cuối để hoàn thành việc lắp đặt,
tỉnh ít nhất cũng đã hoàn thành được 70%, tỉnh nhiều đã hoàn thành xong
90%. Liên danh Tecapro – Vietcoms triển khai lắp đặt đầu thu cho bà con
nghèo ở 5 tỉnh phụ cận từ giữa tháng 4, nhưng riêng Hà Nội thì chưa
triển khai được do thiếu sự hợp tác của chính quyền địa phương.
Nguyên nhân của việc chậm trễ triển khai lắp đặt đầu thu cho người
nghèo ở Hà Nội là do UBND TP Hà Nội đã ký Biên bản hợp tác với Tập đoàn
Viettel triển khai Đề án số hóa truyền hình mặt đất của Hà Nội đúng vào
thời điểm Bộ TT&TT triển khai dự án.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Viettel sẽ triển khai lắp đặt truyền
hình cáp cho toàn bộ số hộ nghèo và cận nghèo của Hà Nội (65.377 hộ
nghèo, 34.005 cận nghèo), những hộ thụ hưởng sẽ được miễn phí thuê bao
trong thời gian đầu, đến khi các hộ này thoát nghèo sẽ chuyển sang ký
hợp đồng sử dụng dịch vụ truyền hình cáp với giá thuê bao ưu đãi.
Cùng với việc tiếp nhận tài trợ của Viettel, vào cuối tháng 3/2016,
UBND TP Hà Nội đã chuyển giao nhiệm vụ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công xem truyền hình số cho Sở
LĐ-TB&XH Hà Nội, thay vì giao cho Sở TT&TT chủ trì như trước
đây.
Ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho hay, từ
ngày 4/5, Viettel tiến hành khảo sát và thí điểm lắp đặt tại 2 xã: xã
Ngọc Mỹ huyện Quốc Oai (đã có hạ tầng của Viettel và có 97 hộ nghèo) và
xã Liên Châu huyện Thanh Oai (xã chưa có hạ tầng của Viettel và có 149
hộ nghèo). Việc thí điểm này nhằm đánh giá tiến độ, thời gian thực hiện,
chi phí và rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ.
Tuy nhiên, qua triển khai thí điểm cũng như khảo sát địa bàn thực tế,
Viettel đã gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện, trong đó khó
khăn lớn nhất là Viettel chưa có hạ tầng tại nhiều địa bàn, đặc biệt là
tại các xã ở xa trung tâm, miền núi nên chưa lắp đặt truyền hình cáp
được.
"Do phát sinh nhiều khó khăn, nếu Viettel Hà Nội lắp đặt truyền hình
cáp xong cho toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội phải mất 2 năm. Chưa
kể những phát sinh khác như vấn đề bảo dưỡng, sữa chữa khi có vấn đề
chất lượng dịch vụ ở những khu vực xa, khi lắp xong rồi ai sẽ đảm bảo
cho dân", ông Bất nói.
Đến nay, Viettel Hà Nội chỉ có thể hỗ trợ lắp đặt truyền hình cáp cho
khoảng 12.000 hộ nghèo trước thời hạn tắt sóng truyền hình analog là
ngày 15/8. Trước khó khăn của Viettel, Sở LĐ-TB&XH cùng Viettel đành
đề xuất “chữa cháy” bằng phương án sẽ lắp đặt song song truyền hình cáp
và đầu thu truyền hình mặt đất (theo dự án Bộ TT&TT đang triển
khai) để kịp tiến độ tắt sóng mềm truyền hình analog.
Do thời hạn tắt sóng truyền hình analog chỉ còn 25 ngày nữa, nên việc
phải hoàn thành lắp đặt hơn 34.000 đầu thu tới tận nhà dân là một khó
khăn rất lớn đối với nhà thầu.
Chỉ đạo tại cuộc họp với Bộ TT&TT vào sáng ngày 18/5/2016 để giải
quyết khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu:
“việc triển khai hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình mặt đất cho các hộ
nghèo, cận nghèo phải làm ngay nếu không sẽ bị muộn”.
Việc chính quyền Hà Nội từ chối không cho doanh nghiệp trúng thầu
triển khai lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo ngày từ giữa
tháng 4 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai hỗ trợ đầu thu cho người
dân, vì đến ngày 15/6/2016 là thời điểm tắt sóng mềm truyền hình
analog.
Một lãnh đạo của Ban chỉ đạo số hóa truyền hình quốc gia cho rằng,
việc Hà Nội cho dừng tiếp nhận đầu thu từ Dự án của Bộ TT&TT để tiếp
nhận tài trợ của Viettel là một chỉ đạo nhầm lẫn. Vì việc triển khai hỗ
trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia là việc Thủ
tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT, Hà Nội phải có trách nhiệm hỗ
trợ Bộ TT&TT thực hiện.
“Theo quyết định Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có thể tiếp nhận viện
trợ từ bất cứ ai, từ bất cứ nguồn nào nhưng là để triển khai hỗ trợ cho
các hộ nghèo hoặc các đối tượng chính sách khác theo chuẩn riêng của Hà
Nội. Còn việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương
trên cả nước là việc của Bộ TT&TT, Hà Nội không thể từ chối”, vị
lãnh đạo này khẳng định. /.
Theo ICTnews