Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 12/5/2011 11:11'(GMT+7)

Vì sao phương Tây muốn ông Ca-đa-phi phải ra đi?

Tổng thống Nen-xơn Man-đê-la và nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi trong cuộc gặp năm 1999 ở Tri-pô-li.

Tổng thống Nen-xơn Man-đê-la và nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi trong cuộc gặp năm 1999 ở Tri-pô-li.

Công ty Vệ tinh RASCOM-Cái gai đầu tiên của phương Tây

Li-bi là quốc gia đã mang lại cuộc cách mạng đầu tiên ở châu Phi thời hiện đại. Nhờ có sự hỗ trợ tài chính của Tri-pô-li, các quốc gia châu Phi đã được phủ sóng vệ tinh khắp nơi, từ sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại, cho đến các ứng dụng khác như y học từ xa, dạy học từ xa... với chi phí thấp.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1992, khi 45 quốc gia châu Phi thành lập Công ty vệ tinh RASCOM nhằm giảm chi phí dịch vụ viễn thông ở lục địa này. Trước đây, dịch vụ điện thoại ở châu Phi được xem là đắt nhất thế giới do mỗi năm châu Phi phải trả cho châu Âu một khoản phí 500 triệu USD, bao gồm phí đàm thoại trong nước, quốc tế, phí thuê vệ tinh Intelsat... Nhưng chẳng mấy khi các quốc gia châu Phi trả đủ số tiền này. Phần lớn là ghi nợ rồi trả lãi. Số tiền mà châu Phi nợ các quốc gia châu Âu vì thế ngày một tăng dần.

Vệ tinh thứ hai của châu Phi được phóng năm 2010.
                                                                    Ảnh: wordpress.com

Theo Công ty RASCOM, giá lắp đặt một vệ tinh trị giá chỉ khoảng 400 triệu USD và chỉ phải đầu tư một lần. Nếu so với số tiền 500 triệu USD tiền thuê mỗi năm phải trả cho các công ty ở châu Âu, thì kế hoạch lắp đặt vệ tinh là quá rẻ. Nhưng vấn đề khó khăn nhất làm thế nào để có được khoản tiền lớn này khi bản thân các quốc gia châu Phi rất nghèo? Liệu có ngân hàng nào chấp nhận tài trợ cho dự án trên? Thực tế là không. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã cho dự án của AU “treo” lơ lửng trong 14 năm.

Năm 2006, nhà lãnh đạo Li-bi Ca-đa-phi đã quyết định đầu tư 300 triệu USD vào dự án của RASCOM. Ngân hàng Phát triển châu Phi cũng đồng ý đầu tư 50 triệu USD, Ngân hàng Phát triển Tây Phi đầu tư 27 triệu USD. Ngày 26-12-2007, với sự hỗ trợ công nghệ của Trung Quốc và Nga, vệ tinh đầu tiên của châu Phi đã được phóng lên, mở ra một chương mới trong lịch sử ngành viễn thông châu Phi. Giữa năm 2010, vệ tinh viễn thông thứ hai của châu Phi đã được phóng lên từ Trung tâm Cu-ru, miền duyên hải của Nam Phi. Dự kiến, đến năm 2020, châu Phi có thể tự sản xuất vệ tinh, có thể cạnh tranh với các vệ tinh tốt nhất trên thế giới, nhưng với chi phí thấp hơn tới 10 lần.

300 triệu USD của Li-bi đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân ở lục địa đen. Thế nhưng, ông Ca-đa-phi đã trở thành cái gai trong mắt của phương Tây. Phương Tây không chỉ mất 500 triệu USD/năm mà là hàng tỷ USD tiền cho vay và lãi suất, một công cụ có thể giúp phương Tây duy trì ảnh hưởng ở châu Phi trong nhiều năm qua.

Thoát khỏi ảnh hưởng tiền tệ từ châu Âu

Trong 30 tỷ USD mà Mỹ tạm giữ sau khi NATO tấn công vào Tri-pô-li hồi tháng ba vừa qua là của Ngân hàng Trung ương Li-bi. Đây là khoản tiền đóng góp của Li-bi cho ba dự án đầy tham vọng của Liên minh châu Phi (AU). Dự án đầu tiên là xây dựng Ngân hàng Đầu tư châu Phi tại Xia-tê (Li-bi). Dự án thứ hai là thành lập Quỹ Tiền tệ châu Phi (AMF) có trụ sở ở Y-a-un-đê (Ca-mơ-run) trong năm nay với số vốn ban đầu là 42 tỷ USD với hy vọng thay thế IMF tại khu vực này. Chỉ riêng An-giê-ri và Li-bi đầu tư 26 tỷ USD, trong đó có 16 tỷ USD của An-giê-ri, chiếm 62% tổng số vốn của AMF. Ngoài ra, AMF còn nhận được vốn đầu tư của Ni-giê-ri-a và Nam Phi, mỗi nước đóng góp 3 tỷ USD, cùng với một số quốc gia khác.

Dự án thứ ba của châu Phi là thành lập Ngân hàng trung ương châu Phi có trụ sở chính tại A-bu-gia (Ni-giê-ri-a). Mục đích thành lập Ngân hàng trung ương châu Phi là tạo ra một đồng tiền nội khối nhằm chấm dứt ảnh hưởng của đồng Franc CFA của Pháp ở một số nước châu Phi trong suốt 50 năm qua. Vì thế, thật dễ hiểu cơn thịnh nộ của Pa-ri đối với ông Ca-đa-phi.

Cũng có nhiều cách để giải thích vì sao các nước phương Tây như Anh, Pháp, I-ta-li-a, Mỹ… nhất quyết phải tấn công Li-bi. Hiện nay, những nước này đang vấp phải một vấn đề chung là nợ công. Mỹ hiện nay đang nợ 14.000 tỷ USD. Pháp, Anh và I-ta-li-a, mỗi nước nợ khoảng 2000 tỷ USD. Trong khi đó 46 quốc gia châu Phi có tổng số nợ công chưa đến 400 tỷ USD. Tạo ra cuộc chiến tranh ở châu Phi, phương Tây hy vọng sẽ tìm thấy “dưỡng khí” để duy trì và phục hồi kinh tế của họ.

Vết đen Lốc-cơ-bai

Với nhiều người dân châu Phi, đặc biệt là Nam Phi, ông Ca-đa-phi được đánh giá là người rộng lượng, vị tha và giàu tính nhân văn. Điều đó đã được ông thể hiện rất rõ trong việc ủng hộ tài chính và quân sự cho Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) trong cuộc chiến chống chủ nghĩa A-pác-thai ở Nam Phi trước đây.

Đó là lý do giải thích vì sao sau khi được trả tự do sau 27 năm bị cầm tù trong chế độ A-pác-thai, ông Nen-xơn Ma-đê-la (Nelson Mandela) có hành động ủng hộ “người anh em Ca-đa-phi” bằng việc thực hiện chuyến thăm tới Tri-pô-li vào ngày 23-10-1997. Hành động này bị cáo buộc vi phạm vào Nghị quyết 748 của Hội đồng bảo an LHQ. Theo đó, LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Li-bi do Tri-pô-li “thiếu hợp tác” trong việc dẫn độ nghi phạm vụ đánh bom chuyến bay 103 của Hãng hàng không PanAm năm 1988 ở thị trấn Lốc-cơ-bai (Xcốt-len), làm 270 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là người Mỹ.

Cũng do lệnh cấm vận này mà suốt 5 năm dài, không có một máy bay nước ngoài nào được phép hạ cánh xuống Li-bi. Khi đó, để tới được Li-bi, người ta phải bay tới Tuy-ni-di, sau đó tới Đờ-giê-ba và tiếp tục đi bằng xe ô-tô tới Ben Gác-đan trong 5 giờ. Sau khi vượt qua biên giới giữa Tuy-ni-di và Li-bi, một cuộc hành trình dài bằng ô-tô đi qua sa mạc sẽ đưa họ tới thủ đô Tri-pô-li. Một cách khác để tới Li-bi là đi tàu thủy qua Man-ta vào vùng biển của Li-bi.

Trong bối cảnh lệnh cấm vận bao vây nền kinh tế Li-bi, Tổng thống Man-đê-la đã quyết định tới Tri-pô-li dù Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn (Bill Clinton) khi đó khuyên rằng, chuyến thăm này "không thích hợp". Tổng thống Man-đê-la đã trả lời rằng: "Không có quốc gia nào có thể đảm nhận vai trò cảnh sát toàn cầu và cũng không có nước nào có thể ra lệnh cho người khác phải làm gì". Ông Man-đê-la cũng nói thêm: "Những người bạn Li-bi đã từng can đảm giúp đỡ ANC. Bây giờ là lúc chúng tôi phải trả ơn họ”. Sau này, chính Tổng thống Man-đê-la là người đứng ra hòa giải cuộc tranh cãi kéo dài giữa một bên là Li-bi với một bên là Mỹ và Anh đối với việc mang ra xét xử hai người Li-bi bị buộc tội đánh bom chuyến bay 103 của PanAm.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền Mỹ của Tổng thống R. Ri-gân đã liệt ANC, trong đó bao gồm cả Tổng thống Nen-xơn Man-đê-la, vào "danh sách những kẻ khủng bố". Mãi đến mùa hè 2008, Mỹ mới quyết định bỏ tên của ông Man-đê-la và các thành viên của ANC ra khỏi danh sách đen. Nước Mỹ không còn thái độ thù địch với ông Man-đê-la, nhưng Mỹ không thể quên vụ đánh bom khủng bố vào chuyến bay 103 của PanAm năm 1988, dù Tri-pô-li đã bỏ ra hàng tỷ USD bồi thường để đổi lấy việc thôi bị cấm vận.

Người cản trở "Liên minh Địa Trung Hải"

Bắc Phi là khu vực có nguồn tài nguyên trù phú nhất ở châu Phi. Để tạo ảnh hưởng và thâu tóm nguồn tài nguyên trên, EU, đứng đầu là Pháp, đã đứng ra vận động thành lập Liên minh Địa Trung Hải (UPM) với sự tham gia của 27 nước thành viên EU, 17 nước Bắc Phi và Trung Đông. Theo Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di (N.Sarkozy), mục tiêu ra đời của Liên minh này là nhằm gắn kết EU, Bắc Phi và Trung Đông thành một nhóm thống nhất với mục đích giải quyết các quan tâm chung, như di cư, chống khủng bố, môi trường và phát triển kinh tế. Với niềm tin đó, Tổng thống Xác-cô-di đã hối thúc cho sự ra đời của Liên minh này ngay trong tháng 7-2008, tháng Pháp bắt đầu nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ca-đa-phi hiểu rõ tham vọng của Pa-ri trong “trò chơi” này ngay từ thời điểm ông Xác-cô-di đề cập về UPM bằng cách mời gọi sự tham gia của một số nước châu Phi mà không cần thông báo cho Liên minh châu Phi, nhưng lại mời tất cả 27 quốc gia thành viên EU tham gia. Ông Ca-đa-phi đã từ chối tham gia UPM vì cho rằng Liên minh này không làm giảm nguy cơ khủng bố Hồi giáo cực đoan và nó sẽ phá hỏng “sự thống nhất của Liên đoàn A-rập”. Ông còn miêu tả liên minh Địa Trung Hải như là một loại chủ nghĩa thực dân mới. Vì thế, dù ra đời với 46 thành viên nhưng UPM hiện vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

(Linh Oanh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất