Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày tổ chức khẩn trương khoa học, Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã hoàn thành toàn bộ chương trình dự kiến đề ra.
Được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh và phát sóng, tương tác trực tuyến trên nền tảng Truyền hình Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Quốc hội và kết nối đến một số cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan, nhân dân và cử tri cả nước.
Hội thảo có khoảng 800 đại biểu tham gia trực tiếp tại Bắc Ninh, trong đó có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia - nhà khoa học, những người trực tiếp làm công tác văn hóa; đại diện tổ chức quốc tế. Theo thống kê sơ bộ, đã có khoảng 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến qua 10 điểm cầu; 10.000 người theo dõi Hội thảo qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội và website chính thức của Hội thảo; có trên 30.000 người theo dõi rên nền tảng trực tuyến và khoảng 200.000 người tiếp cận trên nền tảng số. Có 53 cơ quan thông tấn báo chí với khoảng 150 phóng viên trực tiếp tham gia đưa tin về sự kiện.
Đại biểu tham dự Hội thảo chiều 17/12.
CHẤN HƯNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, ĐỂ VĂN HÓA NGANG HÀNG VỚI CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ
Chủ tịch Quốc hội nêu, năm 2023, nước ta sẽ kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam; ngay sau khi nước nhà giành độc lập, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò và vị trí quan trọng của văn hóa; tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt của dân tộc, đặt mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa…
Hội thảo Văn hóa 2022 góp phần tiếp tục thấm nhuần quan điểm tư tưởng thông suốt về văn hóa nêu trên; xác định những việc phải làm liên quan đến thể chế, chính sách và nguồn lực nhằm hiện thực hoa mục tiêu, yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa, để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế.
Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua; nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được; khẳng định công tác thể chế hóa quan điểm chủ trương của đảng tiếp túc được quan tâm đạt kết quả quan trọng, nổi bật.
Chủ tịch Quốc hội điểm lại một số kết quả cơ bản, trong đó có từng bước khắc phục tình trạng luật “khung” luật “ống”; song song với đó các thiết chế văn hóa, bộ máy, quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chính sách về văn hóa được ban hành đã tác động tích cực, thúc đẩy phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lĩnh vực văn hóa phát triển, đời sống văn hóa tiến bộ. Cùng với đó, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng được đảm bảo tốt hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế. Khâu thực thi vẫn là khâu yếu. Thể chế tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện. Hệ thống chính sách còn bất cập, hiệu quả thấp. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chậm ban hành... Các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cả về nhân lực, vật lực và tài lực còn những hạn chế. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tài nguyên văn hóa nhất là di sản, các làng nghề…chưa được khai thác hết.
Quang cảnh Hội thảo chiều 17/12.
VIỆC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ VĂN HÓA PHẢI ĐƯỢC TIẾN HÀNH ĐỒNG BỘ, KỊP THỜI
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội thảo cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bảo đảm thể chế và nguồn lực.
Về thế chế và chính sách về văn hóa, liên quan đến văn hóa, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa; phải bảo đảm các yêu cầu về tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.
Việc hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa; sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập trong các chính sách đã ban hành; kịp thời hoàn thành việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là những vấn đề mới.
9 NHÓM CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội thảo cũng thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Đó là: 1) Chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện; con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. 2) Chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả. 3) Chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông; thúc đẩy quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống; chính sách đầu tư để phát triển truyền hình và phát thanh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. 4) Chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. 5) Chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật. 6) Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa - cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện để tạo đột phá cho phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa. 7) Chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. 8) Chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa - đây là được coi là “khâu đột phá” trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. 9) Chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, theo Chủ tịch Quốc hội, Hội thảo đã chỉ rõ, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo.
7 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG LÀM NGAY
Từ những khái quát trên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội thảo đã thống nhất kiến nghị cần tập trung làm ngay.
Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo - là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.
Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…
Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm.
Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa./.
THẾ HOÀNG