Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 3/12/2012 19:22'(GMT+7)

Việc làm là nền tảng cơ bản để phát triển

Nhấn mạnh vai trò của việc làm, báo cáo cho rằng một xã hội tạo được nhiều việc làm cho công dân, cũng đồng nghĩa với có tăng trưởng khá hơn. Theo đó nghèo đói sẽ giảm xuống khi con người có thu nhập và sẽ phấn đấu thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn; có việc làm cũng giúp phụ nữ đầu tư nhiều hơn cho con cái. Hiệu suất tăng lên khi người lao động làm việc giỏi hơn, khi các công việc có năng suất cao xuất hiện và các công việc năng suất thấp dần dần biến mất. Xã hội phát triển khi việc làm thúc đẩy sự đa dạng và mang lại nhiều lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn.

“Một công việc tốt có thể làm thay đổi cuộc sống một cá nhân và những công việc phù hợp có thể chuyển đổi cả xã hội. Chính phủ các nước phải đưa việc làm trở thành trọng tâm của việc thúc đẩy sự thịnh vượng và chống đói nghèo”- Chủ tịch WB Jim Yong Kim nêu quan điểm và chia sẻ. "Điều quan trọng là chính phủ các nước phải kết hợp tốt với khu vực tư nhân, nơi tạo ra 90% tổng số việc làm. Vì vậy, phải tìm ra cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp và nông trại nhỏ phát triển. Việc làm là hy vọng. Việc làm là hòa bình. Việc làm có thể làm cho các nước dễ bị tổn thương trở nên vững mạnh". Việc làm đóng góp vào việc kết nối nền kinh tế với thị trường toàn cầu, bảo vệ môi trường và giúp cho mỗi người đều có quyền lợi chung trong xã hội.“Việc làm là bảo hiểm tốt nhất trước nghèo đói và tình trạng dễ bị tổn thương,” ông Kaushik Basu, Chuyên gia kinh tế trưởng, Phó chủ tịch cao cấp WB cho biết.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những sự kiện gần đây đã làm cho vấn đề việc làm trở thành chủ đề trung tâm trong đối thoại phát triển. Các tác giả Báo cáo phát triển thế giới 2013 đã phân tích 800 cuộc khảo sát và điều tra dân số để đi đến kết luận rằng: trên thế giới ước có trên 3 tỉ người đang làm việc, nhưng có gần một nửa trong số đó làm việc trong khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ của gia đình, công việc không thường xuyên hoặc theo thời vụ, trong đó mạng lưới an sinh xã hội rất mỏng manh, thậm chí không có, còn thu nhập thì thấp. Báo cáo cho biết, trên thế giới có 620 triệu thanh niên không có việc làm, cũng không đi học. Chỉ để giữ cho tỷ lệ việc làm không thay đổi, đã cần phải tạo ra khoảng 600 triệu việc làm trên toàn thế giới trong vòng 15 năm nữa.

Nhưng tại các nước đang phát triển, nơi mà lao động nông nghiệp và tự tạo việc làm là phổ biến và mạng lưới an sinh, nếu có, rất mỏng manh, thì tỉ lệ thất nghiệp có thể thấp. Tại các nước đó, thời gian làm việc rất dài nhưng thu nhập vẫn không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Ở đó, tình trạng vi phạm quyền con người cơ bản không phải là hiếm. Vì vậy mà chất lượng việc làm, chứ không chỉ số lượng, là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Báo cáo đề xuất một hướng tiếp cận gồm 3 bước, giúp chính phủ các nước đạt được mục đích nêu trên:

Thứ nhất, nền tảng vững chắc – cần có ổn định kinh tế vĩ mô, một môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn vốn con người và thực thi pháp luật.
Thứ hai, chính sách lao động không nên trở thành rào cản tạo việc làm. Chính sách lao động nên hỗ trợ tiếng nói và bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

Thứ ba, chính phủ các nước cần xác định rõ những loại việc làm nào có lợi nhất cho phát triển trong hoàn cảnh đặc thù của mỗi nước, và phải xóa bỏ hoặc bù đắp được cho những cản trở đối với khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình tạo ra những việc làm như vậy.

Hiểu rõ thách thức về việc làm cụ thể cho từng vùng hoặc từng nước là rất quan trọng. Khác biệt trong cơ cấu việc làm giữa các vùng, các giới và các nhóm tuổi rất nổi bật. Ví dụ, 6/7 người tại Đông Âu và Trung Phi làm công ăn lương trong khi có tới 4/5 người tại khu vực Châu Phi Hạ Xahara là nông dân. Có nhiều phụ nữ hơn nam giới làm những công việc không được trả lương hoặc lương thấp hơn tại các nước thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó tại các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình, phụ nữ thường tìm được nhiều việc làm công ăn lương hơn tuy nhiên thu nhập của họ vẫn thấp hơn nam giới.

Các chính sách ưu tiên rất khác nhau tại các nước nông nghiệp và các nước đô thị hóa. Tại các nước nông nghiệp, ưu tiên ở đây là tăng năng suất lao động cho các nông hộ nhỏ, trong khi ưu tiên tại các nước đang đô thị hóa là nâng cấp hạ tầng, kết nối nhà ở và qui hoạch đô thị. Nhân khẩu học cũng là vấn đề quan trọng. Tại khu vực châu Phi Hạ Xahara, hàng năm có 10 triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động, trong khi tại các nước thu nhập trung bình dân số đang già hóa, tại một số nước lực lượng lao động thậm chí còn giảm xuống. Muốn giải quyết vấn đề thanh niên thất nghiệp phải nâng cao tay nghề và loại bỏ ưu đãi tiếp cận thị trường và việc làm. Nhưng tại các xã hội đang già hóa thì ưu tiên lại là áp dụng thời gian công tác dài hơn và các chính sách an sinh xã hội phù hợp với hoàn cảnh kinh tế.

Chú ý vào các đặc điểm chính của từng loại hình quốc gia khác nhau, sẽ giúp xác định rõ hơn những loại hình việc làm đóng góp nhiều nhất cho phát triển trong từng trường hợp cụ thể. Qua đó sẽ phân tích được cái được, cái mất giữa mức sống, năng suất và gắn kết xã hội trong từng hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Qua đó cũng đưa ra nguyên nhân của những cản trở trong quá trình tạo việc làm và cuối cùng là những ưu tiên cho các nhà hoạch định chính sách trong khi họ xác định những hạn chế lớn nhất trong việc tạo việc làm và làm thế nào để vượt qua các hạn chế này.

Các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết những thách thức này bằng việc trả lời những câu hỏi như: Các quốc gia nên tập trung chiến lược phát triển vào tăng trưởng hay tạo việc làm? Có thể tăng cường tinh thần doanh nhân trong các doanh nghiệp vi mô tại các nước đang phát triển được không hay kỹ năng kinh doanh chỉ là vấn đề thiên bẩm? Liệu đầu tư vào giáo dục và dạy nghề có phải là điều kiện tiên quyết để có việc làm hay có thể nâng cao kỹ năng thông qua việc làm không? Có cần bảo vệ việc làm, chứ không phải chỉ riêng là bảo vệ công nhân, trong thời kỳ khủng hoảng và chuyển đổi cơ cấu?

Chương trình việc làm cấp quốc gia cũng có mối liên hệ với hiện tượng di cư của người dân và di cư việc làm. Vì vậy chính sách việc làm tại một nước cũng có tác động lan tỏa tới các nước khác – kể cả tác động tích cực và tiêu cực. Bản báo cáo cũng nghiên cứu xem liệu các cơ chế hợp tác quốc tế, ví dụ thỏa thuận di cư song phương, có thể tăng cường tác động tích cực và giảm nhẹ tác động tiêu cực được không.

”Để đưa việc làm thành trọng tâm, chúng tôi cũng cần có số liệu tin cậy ở cấp quốc gia được phân chia ở các cấp độ chi tiết hơn, ví dụ theo ngành, theo tính chất công việc và bao gồm nhiều khu vực hơn nữa chứ không chỉ thông tin về khu vực đô thị hay khu vực chính thức”. ông Rama nói.

WB hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng việc làm thông qua hai kênh chính – Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương(MIGA). Hỗ trợ được thực hiện dưới các hình thức như tư vấn chính sách, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân cùng với các nguồn vốn vay và các chương trình phát triển đô thị, hạ tầng và phát triển con người (kể cả an sinh xã hội)./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất