Thứ Năm, 19/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 11/11/2016 21:3'(GMT+7)

Viêm phổi và tiêu chảy gây tử vong cho 1,4 triệu trẻ em mỗi năm

Nhân viên y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu - Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu - Ảnh: TTXVN

Viêm phổi và tiêu chảy gây tử vong cho 1,4 triệu trẻ em mỗi năm, phần lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tử vong trẻ em vẫn diễn ra cho dù hai căn bệnh này phần lớn là có thể ngăn ngừa được bằng các biện pháp đơn giản, có hiệu quả cao với chi phí thấp như nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, tiêm chủng, chăm sóc y tế ban đầu có chất lượng và giảm ô nhiễm không khí tại hộ gia đình.

Những kết quả này được nêu lên trong báo cáo mới của UNICEF được công bố hôm nay – báo cáo có tiêu đề “Một là quá nhiều: Chấm dứt tử vong ở trẻ em do viêm phổi và tiêu chảy”.

Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất cho trẻ dưới 5 tuổi, lấy đi tính mạng của gần một triệu trẻ em trong năm 2015 – tức là cứ khoảng 35 giây lại có một em bị tử vong, nhiều hơn con số tử vong do các bệnh sốt rét, lao, sởi và AIDS cộng lại. Khoảng một nửa số trẻ em bị tử vong do viêm phổi đều liên quan đến ô nhiễm không khí. UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lưu tâm đến điều này trong các thảo luận về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Hội nghị COP22.

“Chúng ta thấy rõ là ô nhiễm không khí liên quan đến biến đổi khí hậu đang gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em vì nó gây ra các bệnh viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác”, bà Fatoumata Ndiaye. , Phó Giám đốc Điều hành UNCIEF phát biểu
“Hai tỉ trẻ em đang sống ở các khu vực có không khí ngoài trời bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quốc tế, gây bệnh tật và tử vong cho nhiều người. Các nhà lãnh đạo thế giới tại COP22 có thể giúp cứu sống trẻ em thông qua cam kết hành động nhằm giảm ô nhiễm không khí liên quan đến biến đổi khí hậu và đồng ý đầu tư vào việc phòng ngừa và chăm sóc y tế”. bà Ndiaye nói.

Giống như viêm phổi, tiêu chảy ở trẻ em trong một chừng mực nào đó cũng liên quan đến đến lượng mưa ít gây ra bởi biến đổi khí hậu. Lượng nước sạch giảm làm cho trẻ em đứng trước nguy cơ cao hơn bị các bệnh tiêu chảy cũng như làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về thể chất và nhận thức của các em.

Gần 34 triệu trẻ em bị tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy từ năm 2000. Nếu không có sự đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa và điều trị cơ bản, UNICEF ước tính rằng sẽ có thêm 24 triệu trẻ em nữa sẽ bị tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy cho đến năm 2030.

“Những bệnh này có tác động cao đến tử vong ở trẻ em, nhưng điều trị các bệnh này lại không tốn kém”, bà Ndiaye nói. “Nhưng chỉ có một lượng đầu tư nhỏ về y tế trên toàn cầu cho việc giải quyết các bệnh này, và điều này chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tăng ngân sách toàn cầu cho các biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa và điều trị mà chúng tôi biết chắc rằng sẽ có hiệu quả cứu sống trẻ em”

UNICEF cũng khuyến nghị tăng ngân sách cho chăm sóc y tế cho trẻ em nói chung và cho nhóm trẻ đặc biệt có nguy cơ bị viêm phổi và tiêu chảy, đó là những trẻ nhỏ nhất và những trẻ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Các nhà Lãnh đạo Thế giới họp mặt tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP22 có cơ hội để đưa ra những cam kết giúp cứu sống 12,7 triệu trẻ em đến năm 2030./.

UNICEF thúc đẩy các quyền và lợi ích của mọi trẻ em trong mọi hoạt động của mình. Cùng với các đối tác, chúng tôi có mặt tại 190 quốc gia và lãnh thổ nhằm biến các cam kết thành hành động cụ thể, tập trung nỗ lực đặc biệt vào việc tiếp cận những đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất, nhằm mang lại lợi ích cho mọi trẻ em trên toàn cầu.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất