Thông
tin viện phí sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2015 và đầu
năm 2016 đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân. Câu hỏi người dân
đặt ra là liệu viện phí tăng có đi kèm với sự gia tăng chất lượng khám
chữa bệnh?
Chất lượng khám chữa bệnh có tăng theo viện phí?
Câu
hỏi này chắc chắn sẽ không thể được trả lời ngày một ngày hai vì còn
phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có một điều mà nhiều chuyên gia y
tế cũng nhận định: Đó là đã đến lúc viện phí phải được điều chỉnh.
Mới
đây nhất, Bộ Y tế hé lộ thông tin sẽ có một thông tư liên bộ giữa bộ
này và Bộ Tài chính ra đời vào tháng 11 năm nay, quy định về giá viện
phí mới. Theo đó, giá viện phí sẽ tăng thêm do tính thêm phụ cấp phẫu
thuật, thủ thuật của nhân viên y tế.
|
Cuối năm 2015 và đầu năm 2016 sẽ áp dụng giá viện phí mới |
Theo
lộ trình, đến tháng 3 sang năm, giá viện phí lại tiếp tục tăng thêm khi
tính vào cả tiền lương của nhân viên y tế. Thông tin này khiến nhiều
người dân lo lắng. Nhưng với các chuyên gia nghiên cứu về kinh tế y tế
thì đây là việc nên làm.
Tiến
sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)
cho rằng: “Chỉ có thể tăng viện phí thì nền y tế mới có thể phát triển.
Nếu không tăng mà cứ giữ như thế này thì nền y tế sẽ sụp đổ. Chắc chắn,
không có cách gì khác được. Với giá như thế này thì nền y tế không thể
nào phát triển được. Cuối cùng thì người bệnh sẽ lãnh đủ hết tất cả. Bây
giờ bệnh viện nào phát triển cũng đều dựa vào xã hội hóa. Nếu không chỉ
dựa vào ngân sách nhà nước, dựa vào bảo hiểm y tế thì không thể phát
triển được bất cứ kỹ thuật nào cả”.
Viện phí tăng là tất yếu
Theo
các chuyên gia nghiên cứu thì giá viện phí được áp dụng hiện nay được
tính toán dựa trên mức sống cách đây 20 năm. Với mức sống như hiện nay,
tại các bệnh viện công lập ở thành phố Hồ Chí Minh, chi phí khám bệnh
cũng chỉ từ 5.000 đến 15.000 đồng một lần khám.
Lẽ
ra ngành y tế phải điều chỉnh viện phí dựa theo tỷ giá đồng tiền, theo
mức độ lạm phát và điều chỉnh hàng năm. Tuy nhiên, ngành y tế đã không
thực hiện và hiện tại là đã rất muộn khi điều chỉnh viện phí. Vì thế,
khi có sự điều chỉnh này sẽ gây nên những xáo trộn cho cuộc sống người
dân. Vì thế, nhiều bệnh viện phải tìm cách “xé rào” để có thêm nguồn thu
duy trì hoạt động của bệnh viện. Người bệnh do đó phải mất thêm một số
tiền đáng lẽ ra đã được bảo hiểm y tế chi trả.
Một
lí do nữa khiến cho việc tăng viện phí phải được thực hiện đó chính là
nhằm nâng giá trần thanh toán của bảo hiểm y tế. Giá viện phí hiện nay
chỉ mới tính được 3/7 yếu tố cấu thành nên giá viện phí. Bảo hiểm y tế
căn cứ vào mức viện phí để khống chế giá trần cho các bệnh viện.
Từ
đó, để được bảo hiểm y tế chi trả, các bệnh viện cũng phải “thắt lưng
buộc bụng” làm sao lựa chọn các loại thuốc cũng như trang thiết bị phù
hợp với mức giá của bảo hiểm y tế. Điều này khiến cho y bác sĩ như bị
"bó tay bó chân", không thể lựa chọn các loại thuốc tốt nhất, các trang
thiết bị tốt nhất cho người bệnh.
Người bệnh được hưởng lợi?
Trong
khi đó, xét đến cùng, mục tiêu hướng đến của cả người bệnh lẫn bác sĩ
đó chính là phải làm sao cho hết bệnh chứ không phải là làm sao tiết
kiệm được nhiều tiền nhất. Chính vì thế, theo Thạc sĩ Nguyễn Duy Thuận,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện, cơ
sở y tế phải làm sao nâng cao chất lượng điều trị thì việc tăng viện phí
mới có ý nghĩa.
“Nhân
viên y tế phải được hành xử như họ được đào tạo. Họ phải được khám chữa
bệnh như lương tâm, trách nhiệm và chuyên môn của họ. Như vậy, phải có
đủ thuốc để họ chữa bệnh, đủ trang thiết bị để họ khám bệnh. Nếu không
có những chi phí đó thì bác sĩ bó tay” – ông Thuận nói.
Thông
tin tăng viện phí được các bệnh viện hết sức ủng hộ với hy vọng sẽ tạo
điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bác sĩ Trần Văn Khanh,
Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho rằng, việc tính đúng tính đủ giá viện phí
là chuyện làm cần thiết và đáng lẽ phải nên thực hiện từ rất lâu rồi.
Bác
sĩ Trần Văn Khanh cho biết: “Chất lượng khám chữa bệnh phụ thuộc vào
nhiều yếu tố như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế,
ứng xử giao tiếp, cải cách hành chính, cải cách quy trình… Nhưng phần
quyết định nữa chính là tài chính. Tài chính không đủ để chi thì tiền
đâu trả cho những người có trình độ cao, có hoạt động chất xám, đầu tư
cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tài chính ổn định, đủ để chi chính là
đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.
Bác
sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đồng quan
điểm, cho rằng việc tăng viện phí sẽ tạo điều kiện cho việc cải tiến
chất lượng khám chữa bệnh: “Tôi nghĩ tăng viện phí cũng tạo điều kiện
cho các bệnh viện có thêm nguồn thu để cải tiến trang thiết bị, cơ sơ
làm việc. Bệnh viện cũng phải trích lại khoảng 15% để đầu tư lại các
phòng khám. Viện phí tăng thì anh em y tế cũng ý thức hơn phải cố gắng
làm sao cho tốt. Cải tiến chất lượng là bài toán sống còn của bệnh viện.
Không phải chờ viện phí tăng thì mới cải tiến chất lượng”.
Rõ
ràng, đã đến lúc dư luận xã hội phải chấp nhận một thực tế là viện phí
buộc phải tăng, vì ngân sách nhà nước đã không thể kham nổi những chi
phí cho ngành y tế.
Chưa
thể biết chắc chắn là chất lượng khám chữa bệnh có thể tăng lên cùng
với viện phí hay không, nhưng ít nhất, khi viện phí tăng thì người dân
có thể hy vọng vào sự cải tiến trong chất lượng khám chữa bệnh./.
Theo VOVnews