Thứ Ba, 5/11/2024
Môi trường
Thứ Ba, 2/8/2022 14:2'(GMT+7)

Việt Nam-Australia có nhiều tiềm năng hợp tác biến đổi khí hậu

Công trình điện gió tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Công trình điện gió tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Trong bối cảnh Việt Nam và Australia đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên Đối tác Chiến lược vào năm 2023, bên cạnh việc tăng cường thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác, biến đổi khí hậu là lĩnh vực có nhiều tiềm năng cho việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết Việt Nam và Australia đều quyết tâm và có nhiều nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu tại Quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 26/7/2022, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng như giảm 43,5% khí thải nhà kính so với kịch bản thông thường vào năm 2030.

Về phía Australia, trong tháng 6 năm nay, chính phủ nước này đã cập nhật đóng góp tự nguyện do quốc gia quyết định với mục tiêu vào năm 2030, giảm phát thải 43% so với năm 2005, đồng thời đang xem xét luật hóa mục tiêu này.

Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng cho biết thêm cả hai nước đều có chung mục tiêu phát thải ròng về 0 vào 2050. Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện các cam kết tại Hội nghị Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban và Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực.

Trong khi đó, Australia mới thành lập siêu bộ có tên là “Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường, và Nước” để tăng cường nguồn lực thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia đều có tiềm năng lớn về năng lượng Mặt Trời và gió, đặc biệt là gió ngoài khơi. Hai nước cũng ghi nhận những con số đáng ấn tượng trong phát triển năng lượng tái tạo.

Australia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sản lượng điện Mặt Trời trên bình quân đầu người: 1.129kwh/người năm 2021.

Trong lĩnh vực này, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với 218 kwh/người năm 2021.

Ngoài ra, cả hai nước đều có những trải nghiệm thuận lợi và khó khăn trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu, có thể trao đổi học hỏi thông qua hợp tác.

Vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Australia Scott Morrison đã ký Tuyên bố chung về cam kết hành động thiết thực về khí hậu.

Mới đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 6/2022, Ngoại trưởng Australia Penny Wong nhấn mạnh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, giá cả phải chăng là một cơ hội kinh tế mà cả hai nước đều mong muốn tận dụng trong thời gian tới.

Theo Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, các tuyên bố nói trên chính là cơ sở để hai nước đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong thời gian tới cũng như gợi mở hướng hợp tác trên cơ sở lợi ích chung của hai nước trong xây dựng nền kinh tế xanh, đồng thời đóng góp cho nỗ lực toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do vậy, đây chính là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác về biến đổi khí hậu giữa hai nước. Để thúc đẩy mục tiêu hợp tác này, giới chức hai nước có thể xem xét, thực hiện một số mục tiêu sau.

Thứ nhất, về tăng cường năng lực thực hiện cam kết phát thải ròng về 0, Australia có thể hỗ trợ đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng cho các đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các tỉnh, các cán bộ hoạch định chính sách tại các bộ, ban ngành trung ương và địa phương của Việt Nam.

Hoạt động đào tạo này có thể xây dựng trên nền tảng các chương trình đào tạo do Đại học Quốc gia Australia đang thực hiện hỗ trợ cho các nước trong khu vực với tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Đối tác Chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á.

Thứ hai, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực: chính sách phát triển năng lượng gió và mặt trời, quy hoạch các khu vực ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cải tiến thị trường năng lượng, phát triển hệ thống pin tích trữ năng lượng và thủy điện tích năng, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.

Thứ ba, xúc tiến hợp tác đầu tư về năng lượng tái tạo kết hợp phát triển kinh tế biển, tập trung vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi, khai thác khoáng sản quan trọng cho phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo.

Thứ tư, thành lập Trung tâm hợp tác về biến đổi khí hậu, với vai trò đầu mối điều phối xúc tiến các hoạt động hợp tác nói trên. Sáng kiến này có thể được phát triển trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm về Năng lượng phi carbon khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia./.

Nguyễn Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất