Diễn đàn Kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất năm 2019 (OVECOF 2019) đang diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc), không chỉ là nơi kết nối các doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước, doanh nhân nước ngoài, mà còn tạo cơ hội để các nhà đầu tư ở Việt Nam đưa ra những đề xuất thiết thực, bày tỏ nguyện vọng đối với Chính phủ Việt Nam nhằm mang lại một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa…
QUYẾT TÂM CHUYỂN HƯỚNG ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM
Trong khuôn khổ OVECOF 2019, tại phiên thảo luận về Nông nghiệp công
nghệ cao, với chủ đề “Hội nhập-phát triển nghiệp công nghệ cao bền
vững”, giáo sư Park Kun Ick, Chủ tịch Công ty ICFOOD (Hàn Quốc), đồng
thời là một chuyên gia về nông nghiệp thực phẩm, đã chia sẻ nhiều ý kiến
hữu ích trong lĩnh vực phát triển ngành chế biến nông sản ở Việt Nam và
thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Hiện ICFOOD đang đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến nông sản sấy khô
tại Vân Hồ, tỉnh Sơn La mang tên Van Ho Factory. Dự kiến, Van Ho Factory
sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng 8.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc
đứng hàng đầu về số lượng trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt
Nam, nhưng đây là công ty đầu tiên của Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực
này ở Việt Nam.
Từ năm 2015, ý tưởng chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc
sang Việt Nam của ICFOOD đã hình thành, chủ yếu do những lợi thế về thuế
và nhân công.
Là doanh nghiệp tiên phong và lựa chọn một vùng nông thôn
ở Việt Nam để xây dựng nhà máy, giáo sư Park chia sẻ đã gặp không ít
khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm đầu tư vào Việt Nam. Chủ yếu do thời gian
giải phóng mặt bằng kéo dài, phải mất hai năm sau khi có ý tưởng, Van Ho
Factory mới được khởi công.
Theo giáo sư, đó cũng là thách thức chung với các nhà đầu tư nước ngoài
khi vào Việt Nam mà cần xây dựng cơ sở hạ tầng nhà xưởng… “Việt Nam đã
có nhiều chính sách đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, nhưng
chúng tôi cần những chính sách thiết thực hơn nữa. Nếu muốn thu hút thêm
nhiều nhà đầu tư vốn đang nhắm tới thị trường Việt Nam giàu tiềm năng,
các bạn cần phải lưu ý vấn đề này…”, giáo sư Park bày tỏ.
Giáo sư Park lưu ý, Việt Nam có tiềm năng lớn về nông nghiệp, nhưng
đang tập trung nhiều vào xây dựng các khu công nghiệp. Trong khi các nhà
đầu tư nhỏ, lẻ khi đầu tư về các vùng nông thôn thường phải đối mặt với
những khó khăn, cần được sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền. Việt Nam
cần có chính sách thông minh hơn đối với các vùng nông thôn, nhằm xử lý
tốt các thách thức về giải phóng mặt bằng, đất đai, xử lý nước thải… Đầu
tư vào lĩnh vực nông nghiệp thường chỉ có các nhà đầu tư vừa và nhỏ,
nên càng cần có các chính sách hỗ trợ.
CHUYÊN GIA HÀN QUỐC XÂY DỰNG BẢN ĐỒ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM
Chia sẻ về sự lựa chọn Sơn La chứ không phải một địa phương nào khác,
giáo sư Park cho biết Sơn La có khí hậu trong lành gần giống Đà Lạt,
cùng những chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương dành cho nhà đầu
tư. Nhưng đã có nhiều nhà đầu tư vào Đà Lạt, nên ICFOOD muốn tìm một
nguồn nguyên liệu mới, có chất lượng tương đương. Sơn La có thể trở
thành vùng nguyên liệu cung cấp nông sản tươi như bắp cải mà Van Ho
Factory cần.
“Chúng tôi có các chuyên gia Hàn Quốc có thể làm bản đồ sản
xuất nông sản ở Việt Nam để xác định vùng nguyên liệu nông sản mà mình
cần”, giáo sư Park cho biết.
Các sản phẩm nông sản sấy khô ở dạng nguyên liệu sẽ được Van Ho Factory
chế biến ở Việt Nam và xuất khẩu trở lại Hàn Quốc để từ đó sản xuất
thành phẩm. Nhưng sản phẩm hoàn thiện không chỉ cung cấp cho thị trường
nội địa Hàn mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu. Tùy theo nhu cầu
của thị trường xuất khẩu và năng lực cung ứng nguyên liệu của Việt Nam
mà công ty lựa chọn vùng nguyên liệu. Nhưng trước mắt, Van Ho Factory sẽ
tập trung vào vùng nguyên liệu ở Sơn La.
“Nếu các bạn cung cấp được bản
đồ địa lý về nông nghiệp, tôi tin sẽ có nhiều công ty khác đầu tư vào
Việt Nam hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp. Các vùng nguyên liệu khác
của Việt Nam cũng sẽ được biết tới nhiều hơn”, theo giáo sư Park.
Giáo sư Park đã nhiều lần tới khảo sát ở Sơn La trước khi quyết định
đầu tư tại đây. Ông nhận thấy nông dân Sơn La trồng nhiều lúa và ngô
nhưng tổng thu nhập từ trồng ngô không đáng kể, chỉ tầm 550 USD/ha sau
khi trừ các chi phí. Còn nếu trồng bắp cải, nguồn nguyên liệu Van Ho
Factory luôn cần, thu nhập của họ có thể lên 3000 USD/ha, tăng gấp 5,5
lần. Chưa kể nếu trồng bắp cải, họ có thể trồng 3 vụ/năm thay vì lúa,
ngô chỉ 2 vụ/năm. Với công suất chế biến 1.700 tấn nguyên liệu khô/ngày,
công ty sẽ cần cung cấp 100 tấn rau, củ tươi. Van Ho Factory cũng sẽ sử
dụng nguồn nhân công tại chỗ ở địa phương. Họ có thể tới nhà máy làm
việc thay vì kéo nhau tới các thành phố./.
Chúng tôi mong muốn có thể thay thế những nông sản nhập khẩu đang sử
dụng bằng nguồn nông sản từ Việt Nam. Lượng nông sản này chúng tôi mới
chỉ dùng để sản xuất những sản phẩm dành cho thị trường nội địa Hàn, còn
nếu xuất khẩu chúng tôi sẽ cần nhiều hơn nữa. Tôi tin ngành sản xuất
nguyên liệu khô, sấy khô rau, củ, quả ở Việt Nam sẽ rất phát triển. Vì ở
Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp khác cũng đang quan tâm tới lĩnh vực
tiềm năng này. (Giáo sư Park Kun Ick chia sẻ) |
Mỹ Hạnh (qdnd.vn)