Chiều 7/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với các bộ,
ngành, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh về
phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách Trung ương trong xử lý bệnh dịch
tả lợn châu Phi.
Đây là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước về dịch tả lợn châu Phi, khi 30% tổng đàn lợn bị tiêu hủy (trong khi bình quân tiêu hủy lợn dịch của cả nước là 7%).
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và ngày càng kéo dài, nguy cơ tiếp tục phát sinh và lây lan tại các địa phương là rất cao. Kể từ khi phát hiện từ đầu năm tới nay, các địa phương đã chủ động quyết liệt dập dịch và xử lý ngăn chặn đà lây lan.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng đều cho biết đã phải tiêu hủy trung bình 30% tổng đàn lợn của địa phương vì mắc dịch tả lợn châu Phi.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự cho biết ngày 1/3/2019, tỉnh phát hiện ổ dịch đầu tiên và đã ngay lập tức “đóng băng” tổng đàn lợn 800.000 con. Từ đó tới nay, 220.000 con đã chết, tương đương 12.000 tấn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết địa phương này đã phải tiêu hủy 160.000 con, chiếm gần 40% tổng đàn lợn. Không còn hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Hiện chỉ còn 60% đàn lợn không bị dịch của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi lớn (có từ 300 con trở lên). Tỉnh đang ưu tiên để bảo vệ khu vực này.
Bên cạnh nhiệm vụ ngăn chặn dịch, khả năng chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu hủy đàn lợn bị dịch cũng là khó khăn không nhỏ của các địa phương này.
"Hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy và chi phí cho tiêu hủy lợn tuy là chính sách tài chính nhưng trong trường hợp hiện nay cũng là một giải pháp để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự nói.
Ông Ngô Gia Tự cho biết thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Nghị quyết số 16/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 2/2019 của Chính phủ, tổng mức kinh phí hỗ trợ cho 12.000 tấn lợn chết là 442 tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương eo hẹp, trích 13% ngân sách địa phương cũng không thể làm được, ngân sách trung ương chưa hỗ trợ kịp.
Trong khi đó, ở Thái Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết tỉnh này đã chi trả hỗ trợ 150 tỷ đồng cho 70.000 tấn thịt lợn tiêu hủy, nhưng vẫn còn rất thiếu. Tỉnh Hà Nam đã sử dụng 54 tỷ đồng (50% nguồn dự phòng địa phương) để hỗ trợ cho 23% tổng đàn bị chết vì dịch và đang chờ hỗ trợ từ Trung ương.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết tỉnh này sẽ phải hỗ trợ chi phí 900 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã bỏ ra gần 300 tỷ đồng và phải sử dụng nguồn từ quỹ để nâng lương chưa dùng đến (được Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh chấp thuận).
Ngoài việc hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch, các địa phương cũng nêu lên khó khăn nữa là chi phí hỗ trợ cho công tác tiêu hủy, chôn lấp lợn dịch còn thấp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định: “Việc kiểm đếm số lượng lợn chết đã vất vả, khi chôn lấp phải tiếp tục xử lý để tránh trường hợp xảy ra mới đây là xác lợn trương lên, làm mặt đất dềnh lên và bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và công tác phòng dịch. Tưởng rằng diễn ra trong thời gian ngắn nhưng chúng ta không nghĩ được rằng dịch lại kéo dài lâu thế, do đó, việc hỗ trợ ngày công lao động cho đội ngũ kiểm đếm, chôn lấp phải thỏa đáng hơn".
Trước thực tiễn của các địa phương và để triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ thay thế cho các nội dung tại Nghị quyết số 16/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Bộ đề nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành), 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành). Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương...
Bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho xã hội... Hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống mức 500.000 đồng/con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Các địa phương đều bày tỏ tán thành các đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gấp rút quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để triển khai tới các hộ dân, cơ sở chăn nuôi lợn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với dự thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống nhất kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ tiêu hủy vật nuôi theo tỷ lệ % giá thành. Bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tố tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có).
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu hủy, phòng chống dịch với mức sàn là 200.000 đồng/người/ngày thường và mức sàn 400.000 đồng/người/ngày nghỉ lễ và thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp với đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ dự thảo Nghị quyết, trong đó giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ để xử lý công việc, Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có lợn bị dịch.
“Các bộ, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần dập dịch như chống giặc của Thủ tướng Chính phủ", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.
(TTXVN)