Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/10/2008 10:4'(GMT+7)

Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao

Đây là điều ông Takano Fujii thuộc Trung tâm Hợp tác Phát triển nguồn nhân lực Việt - Nhật tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ tại Hội thảo quốc gia lần thứ nhất về Chương trình hành động Phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam, vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức ở Hà Nội.

Thực trạng yếu kém

Công nghiệp phụ trợ là những ngành sản xuất chi tiết, phụ tùng cấu thành sản phẩm cuối cùng/hoặc những ngành gia công, xử lý nguyên vật liệu phục vụ quá trình sản xuất chi tiết, phụ tùng... được xác định là nền tảng phát triển bền vững cho các ngành công nghiệp chủ lực và nền kinh tế.

Thực tế, để lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc ô tô, người ta cần tới khoảng 20.000 - 30.000 linh kiện và các chi tiết máy móc khác nhau. Với một khối lượng khổng lồ phụ tùng, linh kiện như vậy, ngay cả những tập đoàn công nghiệp hùng mạnh nhất trên thế giới có đủ năng lực chuyên môn, tài chính, nhân lực cũng chẳng bao giờ tự làm hết được các công đoạn, và họ cũng chẳng dại gì đầu tư khép kín vì độ rủi ro rất lớn. Thay vào đó, họ chỉ đảm nhiệm những khâu trọng yếu nhất rồi sử dụng phụ tùng, linh kiện của các doanh nghiệp vệ tinh để lắp ráp hoàn chỉnh thành phẩm. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ 1 một doanh nghiệp lắp ráp ô tô hoạt động thì cần có ít nhất hàng chục, thậm chí vài chục doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện phụ trợ theo thì bản thân doanh nghiệp lắp ráp ấy cũng như ngành công nghiệp ô tô mới phát triển hiệu quả. Sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như dệt may, da giầy, điện tử... "kịch bản" diễn ra cũng tương tự.

Tại Việt Nam hiện có không dưới 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô (gồm cả trong nước và đầu tư nước ngoài), trong khi đó, số doanh nghiệp trong nước sản xuất phụ tùng, linh kiện phụ trợ mới có khoảng trên dưới 60 doanh nghiệp. Như vậy, mỗi doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam chưa có nổi 2 nhà sản xuất cung cấp linh kiện phụ trợ. Thế nên, hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp tại Việt Nam vẫn do các công ty mẹ hoặc từ các liên doanh của các doanh nghiệp lắp ráp ở nước ngoài cung cấp vào.

Ngành công nghiệp điện tử cũng không sáng sủa gì hơn. Trong số vài trăm doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, chỉ có khoảng 1/4 tham gia sản xuất phụ tùng linh kiện, phần lớn trong số này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất phục vụ xuất khẩu là chủ yếu, tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm còn rất thấp mới chỉ đạt trên 20%.

Các ngành công nghiệp dệt may, da giầy thì dường như vẫn cứ "miệt mài" với việc gia công cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài nên giá trị gia tăng thu được là rất thấp. Trong khi tiềm năng phát triển phụ tùng, linh kiện, phụ kiện trong nước cho ngành dệt may, da giầy không phải là không có nhờ thế mạnh về nhân công rẻ, song hàng năm, 2 ngành này vẫn phải mất một khoản ngoại tệ lớn nhập khẩu nguyên phụ liệu về để sản xuất thành phẩm.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Việt Nam hiện có quá ít doanh nghiệp sản xuất phụ trợ. Một số đã làm cũng mới chủ yếu đảm nhận các khâu đóng gói, bao bì, phong cách làm ăn tự phát. Đặc biệt, khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vẫn còn quá lớn nên sản phẩm làm ra không được các nhà lắp ráp chấp nhận. Điều này đã được khẳng định cách đây không lâu khi hãng Canon Việt Nam đi khảo sát hàng chục doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước để tìm nhà sản xuất phụ trợ, nhưng không có một doanh nghiệp nào có sản phẩm đạt yêu cầu.

Phát triển có chọn lọc

Phát biểu tại Hội thảo nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng và coi công nghiệp phụ trợ là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển công nghiệp phụ trợ đến 2010 và tầm nhìn 2020 theo hướng chọn lọc các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh so sánh của mình và phân công lao động quốc tế với những công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao, ban đầu gắn với mục tiêu nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sau đó phấn đấu trở thành một bộ phận trong dây chuyền sản xuất quốc tế của các công ty, tập đoàn đa quốc gia; phát triển theo hướng phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt của các đối tác chiến lược và các công ty, tập đoàn đa quốc gia; phát triển phù hợp với những xu thế và đặc thù riêng của từng chuyên ngành công nghiệp.

Theo quan điểm trên, 5 nhóm ngành cơ bản là điện tử - tin học; dệt may; da giầy; sản xuất và lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo đã được lựa chọn ưu tiên đưa vào qui hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ. Các giải pháp để phát triển công nghiệp phụ trợ cũng được đề xuất như việc tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ; phát triển hạ tầng cơ sở để phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo nguồn nhân lực; liên kết doanh nghiệp; huy động các nguồn vốn.

Nhân lực là yếu tố quyết định

Nguồn nhân lực giá rẻ sẽ không còn là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài khi các thỏa thuận về miễn giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế được thực hiện. Ông Takano Fujii cho rằng, muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam phải có và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ưu tú của mình. Song theo ông Takano Fujii, nguồn nhân lực Việt Nam hiện còn thiếu tích lũy về trình độ công nghệ, thiếu thiếu khả năng ứng dụng và sáng tạo.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đánh giá, nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa thể đáp ứng được về số lượng và chất lượng bởi suất đầu tư thấp, doanh nghiệp và nhà trường chưa hình thành mối liên kết hợp tác bền vững, hỗ trợ lẫn nhau. Chất lượng đào tạo thấp nên chất lượng các nghiên cứu khoa học ứng dụng, chất lượng kỹ sư, công nghệ viên, kỹ thuật viên và công nhân trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn thấp.

Để giải bài toán nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, ông Takano Fuji cho rằng, trước hết Chính phủ Việt Nam cần làm rõ lĩnh vực công nghiệp mục tiêu cũng như chiến lược phát triển công nghiệp, trên cơ sở đó tiến hành đào tạo nhân lực cả về công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh. Phải đào tạo ra được đội ngũ kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật và thực hành thực tiễn. Muốn làm được điều này, cần phải xây dựng và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo và có tầm nhìn dài hạn.

Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ cần đưa vào áp dụng chế độ thẩm định viên, hỗ trợ đào tạo và hướng dẫn họ nâng cao năng lực kinh doanh cũng như khả năng về công nghệ. Có chính sách hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện chế độ thực tập, hướng dẫn mang tính thực tiễn trong quá trình đào tạo. Ông Takano Fuji còn cho rằng, nên thành lập một trường chuyên đào tạo về kinh doanh giúp các doanh nhân học hỏi bí quyết thành công thông qua sự hỗ trợ của các nhà kinh doanh giàu kinh nghiệm./.

   Lan Ngọc - Bộ Công thương

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất