(TG) - Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người.
Theo các chuyên gia, già hóa dân số vừa là thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội không nhỏ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Hơn hết, thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.
Theo các nhà nhân khẩu học, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện nay, theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 10 triệu người cao tuổi. Dự báo đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất từ 15 đến 18 năm.
Nguyên nhân của tốc độ già hóa "phi mã" này là do trong những năm qua, kinh tế nước ta đã có những bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện kéo theo tuổi thọ trung bình của người dân cũng tăng lên và tăng nhanh hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong chương trình DS-KHHGĐ, trong đó đáng chú ý là mức sinh giảm rõ rệt, tỷ lệ trẻ em sinh ra thấp trong khi tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng.
Các chuyên gia nhận định, sự chuyển đổi nhân khẩu học này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương, cộng đồng và mỗi gia đình. Cụ thể, hiện nay tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới.
Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng lớn, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Hiện chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đa phần người cao tuổi hiện nay…
Tại buổi Giao lưu trực tuyến Chăm sóc người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Báo GĐ&XH tổ chức ngày 4/12, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục Dân số) cho biết: Nếu không có các biện pháp ứng phó với già hóa dân số, nước ta sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong tương lai. Chẳng hạn, sắp tới tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn sẽ ngày càng lớn và chủ yếu là các cụ bà. Điều kiện sống của người cao tuổi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn vì đa phần sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có thiết bị hỗ trợ.
Trong khi đó, các nhà khoa học đã tính toán, nếu như chăm sóc y tế cho một đứa trẻ cần 1 đồng thì chăm sóc y tế cho người cao tuổi cần tới 8 đồng. Mặt khác, hiện tại chỉ có khoảng 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước và số còn lại phụ thuộc vào con cháu và khả năng lao động của bản thân. Do đó, theo ông Mai Xuân Phương, Việt Nam cần phải chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi. Đồng thời phải có chiến lược dài hạn làm chậm thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già.
Trước những thách thức của quá trình già hóa dân số ở nước ta hiện nay, Nghị quyết 21-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi. Trong đó, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối tiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ BHYT được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Đồng thời, Nghị quyết 21 cũng yêu cầu Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành, địa phương xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; phát triển hệ thống lão khoa theo nguyên tắc kết hợp dự phòng; củng cố nâng cao năng lực các cơ sở lão khoa đầu ngành, đặc biệt cần tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.
Bên cạnh đó, mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành cũng chỉ rõ: Ít nhất 50% số xã phường đạt chỉ tiêu môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn dạy nghề và việc làm cho người cao tuổi, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn và phát triển sản xuất; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe khám, chữa bệnh chăm sóc tại gia đình cộng đồng, cơ sở tập trung.
Để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Mai Xuân Phương, cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi nhân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người cao tuổi, bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đội ngũ y bác sỹ lão khoa; xây dựng các mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vay vốn của người cao tuổi để người cao tuổi đầu tư sản xuất, kinh doanh đồng thời xem xét lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) đã được Quốc hội thông qua kỳ họp gần đây nhất, nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi nhất là người cao tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, năng lực quản lý tốt.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh việc chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, phát triển mô hình y học gia đình và củng cố hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Trong đó, cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu mà đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tập trung vào các bệnh mãn tính.
Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều này, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục Dân số) nhấn mạnh, không chỉ ngành Dân số mà cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị các Bộ, ngành đoàn thể, địa phương nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, để già hóa chủ động và khỏe mạnh, chúng ta phải: "Lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ". Nghĩa là, tuổi trẻ bớt rượu, bia, thuốc lá, sống lành mạnh thì tuổi già mới đỡ bệnh tật ốm đau. Tuổi trẻ chăm lo học tập, sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tích lũy thì tuổi già mới chủ động đảm bảo được chi phí cho cuộc sống của mình. Tuổi trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì khi tuổi già con cái đã trưởng thành.
Khi trở thành người cao tuổi, còn sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm cần tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế xã hội, nghề nghiệp phù hợp với lứa tuổi. Người cao tuổi cũng cần nêu cao tinh thần tự phục vụ. Điều này làm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích./.
A. Khôi