Phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về xã hội thông tin (gọi tắt là WSIS) diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc lấy ICT làm động lực để phát triển.
Theo Thứ trưởng, phát triển công nghệ thông tin là một trong những quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế, là một trong những nhân tố then chốt để xóa đói giảm nghèo. Các cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã được đầu tư để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu của người dân.
Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có 136,8 triệu thuê bao di động, đạt tỷ lệ khoảng 150 thuê bao/100 dân. Việt Nam xác định ICT là yếu tố then chốt tạo lập phương thức phát triển mới, là động lực quan trọng của sự phát triển, hiện đại hóa đất nước, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn thúc đẩy tin học hóa và tạo lập công nghệ phần mềm, thông qua tập trung chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Về phương diện nghe nhìn, chính phủ nước ta đã có Quyết định số hóa truyền hình theo từng giai đoạn, từng khu vực và sẽ hoành thành trong cả nước vào năm 2020.
Ông chia sẻ kinh nghiệm thu hẹp khoảng cách truy cập thông tin giữa đô thị và các vùng nông thôn hẻo lánh, đó là ban hành những chính sách hỗ trợ và kêu gọi cộng đồng cùng đóng góp giúp các vùng sâu vùng xa phát triển, nâng cao hiệu quả truy cập mạng.
Thứ trưởng đưa ra cam kết rằng Việt Nam sẽ tích cực tham gia trong việc tổ chức triển khai các sáng kiến hợp tác mới, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việt Nam tin tưởng rằng tiếp sau Hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với nỗ lực của tất cả các quốc gia, một xã hội thông tin toàn cầu sẽ ngày càng hoàn thiện và mang lại lợi ích cho mọi người dân trên thế giới.
Cũng tại hội nghị trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh việc cần phải lấp đầy khoảng cách số để tạo điều kiện cho mọi người dân trên Trái Đất đều có thể tiếp cận Internet và đây là một mục tiêu quan trọng của Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030.
Tại hội nghị được tổ chức 10 năm một lần này, ông Ban Ki-moon đã nêu bật những đóng góp to lớn của các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đối với sự phát triển của nhân loại đồng thời nhấn mạnh ICT đã vươn tới mọi mặt của cuộc sống, làm biến đổi các hình thức giao tiếp công cộng và các hoạt động kinh tế theo cách mà chỉ vài năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi.
Tổng thư ký kêu gọi tất cả các đại biểu tham dự hội nghị hành động để tối đa hóa những lợi ích mà ICT đem lại cho mọi người dân trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon lưu ý rằng mặc dù ICT đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song khoảng cách số vẫn tồn tại ở nhiều nơi, trong đó có cả sự phân biệt về giới tính.
Ông Ban Ki-moon cho biết: "Ngày nay có hơn 80% hộ gia đình tại các quốc gia phát triển được kết nối Internet trong khi 2/3 số hộ gia đình ở các quốc gia đang phát triển không thể sử dụng Internet tại nhà. Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới - tuy nhiên số phụ nữ được tiếp cận Internet ít hơn nam giới tới 200 triệu người". Trong khi đó, công nghệ di động và các loại tiền ảo vẫn chưa đến được với 2 tỷ người trên khắp thế giới.
Nhìn về tương lai, Tổng thư ký nhấn mạnh các quốc gia cần phải cùng nhau củng cố niềm tin và thúc đẩy văn hóa an ninh mạng toàn cầu bằng cách tất cả cùng chia sẻ cam kết và hành động để chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền trên không gian ảo và các cuộc tấn công mạng. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta hãy đảm bảo rằng những kết quả của hội nghị cấp cao lần này sẽ giúp chúng ta chia sẻ vận mệnh chung, đó là một thế giới bền vững, công bằng và được kết nối cho tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi."
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị kéo dài 2 ngày này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Mogens Lykketoft cho biết ICT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, như làm tăng năng suất, tạo điều kiện cho mậu dịch, tạo ra việc làm có chất lượng, cung cấp các dịch vụ dựa trên ICT như y tế điện tử, giáo dục điện tử đồng thời cải thiện năng lực quản trị. Ông cũng nhắc lại những quan ngại của Tổng thư ký về những thách thức liên quan đến an ninh và sự ổn định của Internet, quyền sở hữu dữ liệu và việc vận dụng các quyền của con người trong không gian ảo.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ tin tưởng rằng văn kiện sẽ được thông qua tại hội nghị sẽ đánh dấu sự khởi đầu mới của một hành trình nỗ lực khai thác sức mạnh của ICT để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững và không để cho ai bị tụt lại phía sau./.
Theo TTXVN