Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 24/11/2014 14:25'(GMT+7)

Việt Nam coi trọng bảo tồn, phát triển ngôn ngữ riêng của các dân tộc thiểu số

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chính sách nhất quán

Trong quá khứ, Việt Nam từng là dân tộc sớm phải chịu âm mưu đồng hóa nên rất coi trọng giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và luôn thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam gồm 54 dân tộc chung sống, trong số 90 triệu dân hiện nay, dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 53 dân tộc thiểu số có hơn 12 triệu người. Các dân tộc thiểu số của Việt Nam phân bố từ Bắc đến Nam, cư trú xen kẽ nhau, không có dân tộc nào tách riêng theo vùng lãnh thổ. Yếu tố đó nói lên sự hòa hợp của cộng đồng các dân tộc đã có từ lâu đời và trở thành đặc điểm lịch sử, văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Về công tác bảo tồn, phát triển ngôn ngữ riêng của các dân tộc thiểu số, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng quan tâm một cách đúng mức, thông qua thực hiện các chính sách, giải pháp đúng đắn, hiệu quả. Ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 3-1935) đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Cần phải nhấn mạnh, Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra ở nước ngoài, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó bị “khủng bố trắng”, dù trong tình thế ngặt nghèo nhất của cách mạng, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn chú trọng giữ gìn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Từ khi giành được độc lập (1945) đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã có rất nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Điều 15, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 nêu rõ: "Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình". Điều 42, Hiến pháp năm 2013 xác định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về “Công tác dân tộc”, trong đó khẳng định nguyên tắc: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. Điều 7, Luật Giáo dục hiện hành quy định: "Chính phủ tạo điều kiện cho người dân tộc học hệ thống ngôn ngữ và chữ viết của họ để thúc đẩy các nền văn hóa và hỗ trợ trẻ em dân tộc dễ dàng học tập tại các trường học và các cơ sở giáo dục khác”…

Gần đây nhất, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã khẳng định rõ ràng: “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống”.

Thành tựu to lớn

Khi Việt Nam còn là thuộc địa của thực dân Pháp, trên diễn đàn văn hóa Việt Nam, có ba ngôn ngữ là tiếng Pháp, tiếng Việt, văn ngôn Hán và bốn văn tự là Pháp, Quốc ngữ, Nôm và Hán. Chính sách của nhà cầm quyền thực dân Pháp đối với Việt Nam là đồng hóa về ngôn ngữ và văn hóa. Mọi quyết sách đưa ra đều nhằm mục đích tối thượng là làm cho người Việt chấp nhận sử dụng tiếng Pháp, chữ Pháp; ngôn ngữ riêng của các dân tộc thiểu số bị bỏ quên trong chính sách quản trị của chính quyền thực dân. Chỉ từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền (tháng 8-1945) thì việc bảo tồn, phát triển ngôn ngữ riêng của các dân tộc thiểu số mới được quan tâm thỏa đáng.

Tuy nhiên, công tác này từng gặp nhiều khó khăn. Trong số 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chỉ có dân tộc Hoa, Chăm, Khơ-me là có sẵn tiếng nói và chữ viết riêng, còn lại hầu hết các dân tộc thiểu số khác chỉ có tiếng nói mà chưa có chữ viết riêng. Các chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số, đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tìm cách tiến hành La-tinh hóa cách phát âm ngôn ngữ của một số dân tộc, giống cách mà Linh mục A-lếch-xăng Đờ Rốt đã làm trước đây với chữ Nôm. Việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như bộ chữ viết La-tinh hóa cách phát âm của dân tộc Mông, Ê Đê, Gia Rai… Đến nay, khoảng 30 dân tộc thiểu số đã có chữ viết, như các dân tộc: Tày, Thái, Hoa, Khơ-me, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Chăm, Hrê, M'Nông ... Nhiều ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới các địa phương, như: Tày, Thái, Dao, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khơ- me…  Bên cạnh việc La-tinh hóa ngôn ngữ của một số dân tộc, thì nhiều dân tộc thiểu số khác (Tày, Dao, Thái…) cũng đã hệ thống được bảng ký tự riêng của mình. Hiện nay, bảng ký tự của dân tộc Thái được những nhà khoa học ở các tỉnh Tây Bắc thử nghiệm đưa vào tin học hóa, ứng dụng ở các trường nội trú trên địa bàn.

Bên cạnh tờ báo bằng tiếng phổ thông (tiếng Kinh), ở Việt Nam có nhiều cơ quan báo chí cấp tỉnh (có nhiều dân tộc thiểu số) đã xuất bản ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số hay xuất bản tờ báo dành riêng cho bà con dân tộc. Đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã có hẳn 1 kênh phát thanh (VOV4), 1 kênh truyền hình (VTV5) chuyên biệt dành để phát sóng bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số như Mông, Khơ-me, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Thái, Chăm, Dao, M'Nông… Hàng chục đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh cũng thường xuyên phát các chương trình bằng tiếng dân tộc phục vụ đồng bào trên quê hương mình.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, nhiều địa phương đã thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt. Cả nước có 30 tỉnh tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số; đã biên soạn giáo trình bằng 12 thứ tiếng dân tộc; có hơn 1.200 công trình nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc thiểu số được đưa lên sóng phát thanh-truyền hình. Đến nay, đã có khoảng 2.700 trường, lớp học chữ tiếng dân tộc với khoảng 140.000 học sinh theo học. Nổi bật phải kể đến Sóc Trăng dạy tiếng Khơ-me cho toàn bộ học sinh trung học cơ sở.

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, trong khoảng 6.500 ngôn ngữ đang tồn tại trên thế giới, chỉ có chừng 300 đến 400 ngôn ngữ được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo, các ngôn ngữ còn lại hoặc không được truyền lại, hoặc đang nằm bên bờ của sự tiêu vong. So sánh kết quả này sẽ thấy được nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong bảo tồn, phát triển ngôn ngữ riêng của các dân tộc thiểu số.

Phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số không chỉ thông qua chính sách văn hóa-giáo dục, một chính sách cơ bản khác mà Việt Nam tiến hành, đem lại thành công rực rỡ, được Liên hợp quốc đánh giá cao là chính sách xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chính việc xóa đói, giảm nghèo thành công là cơ sở để các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, là cơ sở cho việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mình. Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp (Đại học Quốc gia Hà Nội), một nhà ngôn ngữ học có uy tín, đã khẳng định: “Chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là đúng và căn bản. Nó đã đáp ứng được các vấn đề dân tộc và ngôn ngữ ở Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”./.

Hồng Hải (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất