Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 23/4/2009 21:41'(GMT+7)

Việt Nam công bố báo cáo về nhân quyền

Nhờ các dự án xoá đói giảm nghèo, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Ảnh minh hoạ

Nhờ các dự án xoá đói giảm nghèo, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Ảnh minh hoạ

Hôm nay (23/4), trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức đăng tải Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 8/5 tới.

Báo cáo giới thiệu những thông tin cơ bản về Việt Nam; đánh giá việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền ở cấp quốc gia (về các quyền dân sự và chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá); Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật); về các kinh nghiệm thành công và thách thức và các ưu tiên quốc gia.

Con người - mục tiêu của mọi chính sách

Bài học kinh nghiệm đầu tiên được báo cáo đề cập đến là đặt nhân tố con người vào trung tâm của sự phát triển đất nước.

Báo cáo nêu rõ: Mọi sự phát triển chỉ có ý nghĩa khi nó là của mỗi con người và vì mỗi con người. Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thì sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của nguồn lao động, cũng như sự phát triển các lĩnh vực khác của xã hội cũng đều vì mục tiêu phát triển con người và vì hạnh phúc của con người. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam luôn coi con người là mục tiêu và động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Mọi chính sách phát triển của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm: phát triển kinh tế vì con người; tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Cũng theo Báo cáo, các quyền con người không thể tách rời độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Mỗi cá nhân không thể có quyền tự do, không thể được bảo đảm các quyền cơ bản nếu như họ sống trong một đất nước chưa giành được độc lập, tự do. Độc lập dân tộc là điều kiện, cơ sở cho việc bảo đảm quyền con người. Giải phóng con người, trong đó có việc bảo đảm các quyền con người, gắn liền với giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất.

Một bài học nữa được nhấn mạnh trong Báo cáo này là kết hợp hài hòa giữa các giá trị phổ quát của các quyền con người và hoàn cảnh đặc thù riêng của quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng đối thoại trong lĩnh vực quyền con người.

Tôn trọng quyền tự do tôn giáo

Báo cáo nêu rõ: Do đặc thù là quốc gia đa dạng về dân tộc, tôn giáo với một nền kinh tế đang phát triển, xuất phát điểm thấp, lại phải khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, việc bảo đảm và thực thi các quyền con người ở Việt Nam có những ưu tiên cụ thể phù hợp với hoàn cảnh của đất nước: Nhà nước tập trung vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục; ưu tiên đặc biệt cho phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện để người dân có đời sống tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo được tôn trọng và gắn liền với quyền lợi, trách nhiệm xã hội; tôn trọng và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo khác nhau;

Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.

Tính đến 2008, ở Việt Nam có 12 tôn giáo, trong đó một số tôn giáo có đông tín đồ như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia.

Nâng cao vai trò của báo chí

Báo cáo nêu rõ: Tính minh bạch và dân chủ của hệ thống Nhà nước cũng được tăng cường thông qua vai trò phản biện xã hội của hệ thống báo chí, truyền thông và các đoàn thể nhân dân. Báo chí Việt Nam trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân và là lực lượng quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan Nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam, Báo cáo cho biết tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản.

Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.

Việt Nam tập trung phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam.

Xóa đói giảm nghèo -  ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức  và để đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc đảm bảo các quyền của người dân, Nhà nước Việt Nam đã định ra một số ưu tiên cho hoạt động của mình trong vòng 5 năm tới.

Tuy là một trong những quốc gia đầu tiên đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về Xoá đói Giảm nghèo trước thời hạn (trước 10 năm so với hạn đề ra của Tuyên bố Thiên niên kỷ), song những kết quả đạt được chưa thực sự bền vững. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ: đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo; củng cố thành quả giảm nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống và điều kiện sản xuất của nhóm hộ nghèo; hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Việt Nam đã xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, trong đó dành ưu tiên cho đối tượng thuộc các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người già, người tàn tật, trẻ em... với tổng kinh phí khoảng trên 43.000 tỷ đồng và sẽ phấn đấu để thực hiện chương trình này.

Theo Chương trình Quốc gia về Việc làm, Việt Nam phấn đấu bảo đảm việc làm cho khoảng 49,5 triệu lao động, tạo việc làm mới cho 8 triệu lao động trong 5 năm 2006 - 2010 và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 5% vào năm 2010. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai các dự án vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Ngoài xóa đói giảm nghèo, Việt Nam còn đặt hàng loạt ưu tiên khác cho các năm tới như: các chính sách chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất của người dân, phát triển mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết mặt trái của kinh tế thị trường, bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức vươn lên về khoa học và công nghệ, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh doanh, nhà quản lý./.

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất