Ngày 18/04, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp thường niên Chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam – Đan Mạch.
Tham dự phiên họp, về phía Vương quốc Đan Mạch có ông John
Nielsen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch; ông Henrik Secher Marcussen, Chủ
tịch Hội đồng khoa học, Bộ Ngoại giao Đan Mạch và các đại diện có liên
quan. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cùng đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Khoa học và công nghệ Các ngành kinh tế - kỹ thuật; Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên và 5 báo cáo viên của các Viện, trường đang triển khai 5 dự án hợp tác giữa Việt Nam – Đan Mạch.
Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen , Đan Mạch đang ngày càng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực KH&CN. Bên cạnh các nội dung về KH&CN, các chương trình hợp tác mới sẽ tập trung vào tăng trưởng xanh, năng lượng mới,… tìm ra các giải pháp KH&CN mới giúp Việt Nam chống lại các tác động xấu của biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất. Đại sứ khẳng định, đây là những vấn đề mà Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho Việt Nam. Đan Mạch mong muốn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong thời gian qua, Chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Đan Mạch đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng KH&CN Việt Nam. Điều này khẳng định sự hấp dẫn của Chương trình về nội dung khoa học cũng như vai trò của KH&CN trong việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia mà biến đổi khí hậu là một vấn đề rất có tính thời sự. Đây sẽ là cơ hội để hai bên đánh giá lại những hoạt động hợp tác trong thời gian qua và tìm ra hướng đi hiệu quả trong tương lai.
Tại phiên họp, 5 dự án đã triển khai từ năm 2009, 2010 và năm 2011 được trình bày gồm: Dự án “Tạo giống lúa chịu ngập chìm và chịu mặn thích nghi với điều kiện nước biển dâng cho các vùng bờ biển đồng bằng Việt Nam”; Dự án “Tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng an toàn sinh học cho nuôi trồng thủy sản tại miền Bắc Việt Nam”; Dự án “Nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ thích ứng cho xử lý và tái sử dụng nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”; Dự án “Thủy tai do biến đổi khí hậu và hệ thống thông tin nhiều bên tham gia nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương ở Bắc Trung Bộ Việt Nam”; Dự án “Sử dụng hiệu quả nguồn dinh dưỡng để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở miền trung việt nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Các báo cáo viên tập trung vào những vấn đề chính như tiến độ triển khai các nội dung, các vấn đề liên quan đến kinh phí giải ngân, các kết quả đạt được và nêu lên những thuận lợi khó khăn trong quá trình triển các dự án. Qua báo cáo, các đại biểu đều có những đánh giá cao về 5 dự án thuộc chương trình hợp tác đang được triển khai bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Khả năng áp dụng vào thực tế sau khi kết thúc nghiên cứu là rất lớn.
Phương Nga