(TCTG) - Đây là nhận định của Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra tại Hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với IAEA tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội.
Khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nêu quan điểm: Thực hiện Chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh, Việt Nam chủ trương tiến hành chương trình điện hạt nhân dựa trên một cơ sở hạ tầng quốc gia được nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư xây dựng và phát triển bền vững. Cơ sở hạ tầng này sẽ là sự bảo đảm của Chính phủ Việt Nam về thể chế, luật pháp, quản lý, công nghệ, công nghiệp và nhân sự cho chương trình Điện hạt nhân, đồng thời tuân thủ nghiêm chỉnh các văn kiện luật pháp quốc tế, các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được quốc tế chấp nhận, các hướng dẫn về an ninh và các yêu cầu về bảo đảm không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo định nghĩa của IAEA, cơ sở hạ tầng điện hạt nhân bao gồm tất cả những hoạt động và chuẩn bị cần thiết để thiết lập và thực thi một chương trình điện hạt nhân, gồm 19 vấn đề: Vị trí quốc gia; An toàn hạt nhân; Quản lý; Vốn và tài chính; Hệ thống pháp lý; Thanh sát; Khuôn khổ pháp quy; An toàn bức xạ; Lưới điện; Phát triển nguồn nhân lực; Sự tham gia của các bên liên quan; Địa điểm và các cơ sở phụ trợ; Bảo vệ môi trường; Ứng phó với sự cố; An ninh và bảo vệ thực thể; Chu trình nhiên liệu; Chất thải phóng xạ; Sự tham gia của các ngành công nghiệp; Mua sắm. |
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng chia sẻ: “Việt Nam bước vào chương trình Điện hạt nhân trong bối cảnh cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân còn đang ở trình độ phát triển thấp” (bao gồm một phạm vi rộng lớn các vấn đề từ các cơ sở và thiết bị liên quan cho đến khuôn khổ luật pháp, nguồn nhân lực và nguồn tài chính…).
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho một chương trình hạt nhân được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững. IAEA đã xây dựng những hướng dẫn và các cột mốc để giúp các quốc gia thực hiện chương trình điện hạt nhân một cách hệ thống, góp phần tăng tính minh bạch tại quốc gia làm điện hạt nhân cũng như đối với các quốc gia khác.
Theo IAEA, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn với tổng thời gian từ 10 đến 15 năm, tính từ lúc Chính phủ bắt đầu lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nàh máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại. Giai đoạn một gồm các công tác xem xét trước khi quyết định chương trình điện hạt nhân, gọi là giai đoạn tiền dự án và kết thúc khi có quyết định của Chính phủ cam kết thực hiện chương trình điện hạt nhân. Giai đoạn 2 gồm các công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Giai đoạn 2 gồm các công tác chuẩn bị mọi mặt cho xây dưng dựng nhà máy điện hạt nhân, nghiên cứu khả thi cho tới khi sẵn sàng mời thầu và khởi công xây dựng nhà máy. Giai đoạn 3 gồm các hoạt động thực thi, xây dựng nhà máy và kết thúc khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẵn sàng đưa vào vận hành thương mại. Hàng năm AIEA cử các đoàn chuyên gia vào để đánh giá từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Theo tiêu chí của IAEA thì hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Để hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, IAEA đã hỗ trợ dự án VIE/4/015 phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân gồm 2 giai đoạn: 2009-2011 và 2012-2013. Giai đoạn 1 dự án được IAEA tài trợ vốn ODA khoảng 580 ngàn USD và vốn bổ sung từ Quỹ Sáng kiến sử dụng hòa bình của Mỹ khoảng 560 ngàn USD. Giai đoạn 2 của dự án, IAEA hỗ trợ tổng số vốn trên 500 ngàn USD.
IAEA đã hỗ trợ Việt Nam bằng hoạt động cung cấp thiết bị, chuyển giao phần mềm tính toàn, đào tạo cán bộ, xây dựng kế hoạch tích hợp hỗ trợ an ninh hạt nhân và kế hoạch tích hợp xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia…
“Kỷ nguyên hậu Fukushima”
Đây là cụm từ được Phó Tổng giám đốc IAEA Alexander Bychkov nêu ra tại Hội thảo. Ông nói: Trong kỷ nguyên hậu Fukushima, các dự báo gần đây của IAEA chỉ ra rằng đà phát triển của điện hạt nhân có thể bị trì hoãn nhưng không thể bị đảo ngược. Các quốc gia mới (newcomer) thực sự có ý định phát triển điện hạt nhân vẫn coi điện hạt nhân như là một nguồn năng lượng đáng tin cậy và có thể chấp nhận được.
Ông Alexander Bychkov cũng lưu ý các nhân tố then chốt cho sự thành công của chương trình điện hạt nhân, bao gồm: sự tham gia của các bên liên quan trong cơ sở hạ tầng, ban hành luật pháp quốc gia. Trong đó định rõ vai trò, trách nhiệm và mở rộng thẩm quyền cho chủ sở hữu, tổ chức vận hành tương lai cũng như cho các cơ quan pháp quy.
Ông cam kết, IAEA sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam.
Chia sẻ những bài học rút ra từ sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi (TEPCO) của Chính phủ Nhật bản, Giaó sư Akira Omoto, Ủy viên Ủy ban năng lượng nguyên tử Nhật Bản cho biết, sự cố này và những bài học rút ra là cơ sở để Nghị viện đã ban hành một đạo luật thành lập cơ quan Pháp quy Hạt nhân (NRA) với mục tiêu then chốt là: Tích hợp An toàn, An ninh và Thanh sát trong một cơ quan; Đảm bảo tính độc lập trong quy chế cho phép các quyết định về “an toàn là trên hết” có hiệu lực.
Cách tiếp cận theo cột mốc là cách tiếp cận toàn diện bao trùm 19 vấn đề điện hạt nhân và bao gồm một phạm vi lớn các tổ chức và các bên liên quan trọng việc giới thiệu điện hạt nhân. Cách tiếp cận có 3 giai đoạn mà kết thúc ở các cột mốc: 1 – đưa ra quyết định sáng suốt; 2- Sẵn sàng mời thầu; 3- Sẵn sàng chạy thử và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. |
Bà Anne Starz, Vụ Năng lượng hạt nhân, IAEA đã giới thiệu tại Hội thảo cách tiếp cận theo cốc mốc, những điều kiện cốt yếu để đạt được cột mốc 2 và 3. Bà cũng chỉ ra những thách thức và giải pháp đối với chương trình điện hạt nhân mới. Các thách thức bao gồm: khuôn khổ pháp lý, điều phối, quản lý, phát triển nguồn nhân lực và tính hiệu quả của cơ quan pháp quy.
Ông Y.A. Sokolov, Phó chủ tịch RUSATOM Overseas của Nga trình bày về kinh nghiệm của Nga trong phát triển điện hạt nhân. Ông nói, kinh nghiệm cho thấy các quốc gia khác nhau cần có các cách tiếp cận khác nhau để phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân. Có những trường hợp hiểu biết chưa đầy đủ về các vấn đề của cơ sở hạ tầng. Vẫn còn những khoảng cách giữa kỳ vọng và nhu cầu, không nhất quán trong hỗ trợ. Ông lưu ý, sự phối hợp bên trong và bên ngoài về vấn đề này cần phải được tăng cường.
Tại Hội thảo, trong một ngày làm việc, các đại biểu được nghe các chuyên gia IAEA, đại diện Bộ KH&CN, Bộ Công thương trình bày 7 báo cáo quan trọng về phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; hiện trạng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia của Việt Nam; những vấn đề theo chốt cần xem xét trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân; giới thiệu cách tiếp cận theo Cột mốc, những thách thức và các giải pháp đối với chương trình điện hạt nhân mới; các yêu cầu và hướng dẫn quốc tế về thiết lập khuôn khổ an toàn; kinh nghiệm của Liên bang Nga trong phát triển điện hạt nhân; những thay đổi về an toàn và pháp quy hạt nhân.
Việt Nam chính thức hóa Chủ trương phát triển điện hạt nhân tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2009.
Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Theo lộ trình dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020.
Tháng 5/2012, Bộ KHCN thành lập Tổ Công tác liên ngành đánh giá hiện trạng phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam. |
Lam Thanh