Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có khoảng 2 tỷ
người nhiễm virus viêm gan B và 200 triệu người nhiễm virus viêm gan C.
Mỗi năm các loại virus viêm gan là nguyên nhân khiến hơn 1 triệu người
tử vong; như vậy, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 3.000 người chết
vì nhiễm virus này. Hiện có 5 loại virus viêm gan, đó là virus A, B, C,
D và E; trong đó virus viêm gan B và C là nguy hiểm nhất.
Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối
mặt với đại dịch viêm gan virus với tỷ lệ người nhiễm virus cao.
Ở Việt Nam, ước tính có từ 10-20% dân số (khoảng từ 12-16 triệu người)
nhiễm virus viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình
trạng viêm gan mãn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.
Riêng đối với viêm gan C, hiện chưa có vắcxin tiêm phòng nên tình trạng
lây nhiễm có nguy cơ ngày càng tăng. Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu
người nhiễm virus viêm gan C, trong đó có khoảng 3 triệu người trong
tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.
Bệnh viêm gan virus hiện có 7 loại thuốc để điều trị và kết quả điều trị
tốt đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, bệnh thường phải điều trị kéo dài hàng
năm với chi phí điều trị cao (từ 3,5-4 triệu đồng/tháng)...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ghi nhận
và đánh giá cao chuyên ngành gan mật của Việt Nam và Hội Gan mật Việt
Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được
nhiều thành tựu quan trọng đóng góp cho ngành y tế trong lĩnh vực y tế
dự phòng, khám chữa bệnh và đào tạo đội ngũ cán bộ.
Ngành y tế đã thực hiện thành công ghép gan, đánh dấu một bước tiến mới
của chuyên ngành gan mật và ghép tạng Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ
cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo về gan mật.
Hội nghị được tổ chức là cơ hội để các nhà hoa học trong và ngoài nước
trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm về chuyên ngành gan mật.
Thứ trưởng mong rằng thời gian tới, chuyên ngành gan mật Việt Nam sẽ
phát triển nganh tầm với các nước trong khu vực và các nước có nền y học
phát triển trên thế giới.
Tiến sỹ Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết cách dự
phòng bệnh có hiệu quả nhất là tiêm phòng bằng vắcxin viêm gan B cho trẻ
sơ sinh và những người có yếu tố nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân
viên trong trại cai nghiện hoặc trại phục hồi nhân phẩm.
Năm 2012, Hội Gan Mật Việt Nam lầm đầu tiên đã phát động phong trào toàn
dân chung tay "đánh gục" virus viêm gan trong cả nước. Sau 1 năm phát
động, phong trào đã bước đầu đạt được một số kết quả như: khám và xét
nghiệm cho hơn 3 triệu người; phát hiện gần 148.000 người nhiễm virus
viêm gan B, hơn 19.000 người nhiễm virus viêm gan C và 3.507 người bị
ung thư gan.
Ngoài ra, Hội đã xây dựng hướng dẫn điều trị cho người nhiễm virus viêm
gan B và C; tuyên truyền vận động người dân đi khám và xét nghiệm viêm
gan tại các cơ sở y tế; đồng thời tiến hành sàng lọc phát hiện những
người đang bị viêm gan virus, xơ gan hoặc ung thư gan để được hướng dẫn
điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong...
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (28-29/9) với nhiều báo cáo tham luận tập
trung vào các nội dung như Thảo luận bổ sung bản hướng dẫn xử lý viêm
gan virus B và C; nghiên cứu chẩn đoán điều trị bệnh viêm gan virus và
ung thư gan; ghép gan.../.
Theo TTXVN