Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 20/7/2014 10:9'(GMT+7)

Việt Nam đề nghị tiến hành điều tra nhanh chóng và minh bạch

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường rơi máy bay. Ảnh: BBC

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường rơi máy bay. Ảnh: BBC


Có 3 người Việt  trên chuyến bay

Ngày 19-7, theo thông tin từ Cục hàng không dân dụng Ma-lai-xi-a khi trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, có 3 công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch Hà Lan đi trên chuyến bay là 3 mẹ con chị Nguyễn Ngọc Minh sinh năm 1977, Đặng Minh Châu sinh năm 1997 và Đặng Quốc Huy sinh năm 2001. Được biết, theo kế hoạch, mẹ con chị Minh sẽ quá cảnh tại Cu-a-lơ Lăm-pơ trước khi về Việt Nam nghỉ hè.

Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có mặt tại hiện trường rơi máy bay. Ảnh: BBC

Tại phiên họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định Việt Nam đề nghị tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và minh bạch về vụ máy bay rơi khiến 298 người thiệt mạng, trong đó có 3 hành khách Việt Nam. Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết, là một thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn sát cánh với Chính phủ và nhân dân Ma-lai-xi-a trên tinh thần đoàn kết trước vụ việc đau thương này. Việt Nam kêu gọi hành động nhanh chóng, hiệu quả và có trách nhiệm của các nhà chức trách liên quan đối với gia đình của các nạn nhân.

Trong khi đó, Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc (Najib Razak) cho biết, đã nêu 3 đề nghị với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) về vụ việc, bao gồm kêu gọi tất cả các bên liên quan đảm bảo an toàn cho nhóm điều tra trong suốt quá trình làm việc; không được làm ảnh hưởng hay gây hư hỏng các bằng chứng tại hiện trường máy bay rơi; nếu chuyến bay mang số hiệu MH17 được kết luận là bị bắn rơi, Ma-lai-xi-a đề nghị đưa thủ phạm ra trước công lý vì đây là "hành động bạo lực, vô nhân đạo và vô trách nhiệm". Theo Thủ tướng N.Ra-dắc, Ma-lai-xi-a đang nỗ lực hết sức thông qua các kênh ngoại giao và quan hệ mật thiết với các nước liên quan để tạo điều kiện cho nhóm điều tra làm việc và công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến nạn nhân được tiến hành thuận lợi.

Ngày 19-7, Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ (Mark Rutte) tuyên bố, sẽ nỗ lực hết sức điều tra nguyên nhân vụ việc. “Nếu đây là một vụ tấn công, những kẻ thủ ác sẽ phải được đưa ra trước công lý. Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tìm ra những kẻ thủ ác. Chúng tôi mắc nợ điều này đối với những nạn nhân và thân nhân của họ”, ông M.Rút-tơ tuyên bố.

Máy bay đã được yêu cầu hạ độ cao

Itar-Tass dẫn thông cáo báo chí của Malaysia Airlines cho biết, tổ lái chuyến bay mang số hiệu MH17 gặp nạn đã được yêu cầu hạ độ cao 500m khi vào không phận U-crai-na. "Theo kế hoạch, máy bay MH17 phải bay ở độ cao 10.668m trong không phận U-crai-na. Tuy nhiên, khi vừa đi vào không phận, tổ bay nhận được yêu cầu giảm độ cao xuống 10.058m" thông cáo của Malaysia Airlines cho biết.

Ngày 19-7, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) thông báo đã cử chuyên gia đến U-crai-na giúp xác định danh tính các nạn nhân xấu số. Theo Tổng thư ký Interpol R.Nô-bơn (Ronald Noble), sự hợp tác của cơ quan này là nhằm đảm bảo quá trình tìm kiếm và xác định danh tính nạn nhân diễn ra nhanh chóng và chính xác. Các nhân viên Interpol sẽ cùng 30 quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát việc bàn giao thi hài nạn nhân cho giới chức các nước hữu quan. Nhà chức trách U-crai-na cho hay, các thi thể thu được từ đống đổ nát sẽ được chuyển tới thành phố Khắc-cốp để chờ xác định danh tính.

Bị bắn bởi tên lửa đất đối không BUK?

Tờ Daily Express của Anh cho biết, một đoạn băng video mới được tung lên mạng đã ghi lại cảnh các tên lửa đất đối không BUK đang được chở tới U-crai-na chỉ vài giờ trước khi chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị nổ tung giữa bầu trời, dẫn tới đồn đoán rằng, đó có thể là vũ khí được sử dụng để bắn hạ chiếc máy bay. Theo Daily Express, nơi máy bay rơi thuộc khu vực Đô-nhét-xcơ, và đoạn băng trên được quay tại một thành phố lân cận chỉ hai giờ trước khi thảm kịch xảy ra. Đoạn băng được một người dân giấu tên cung cấp và nội dung xác thực vẫn chưa được cơ quan chức năng nào kiểm chứng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, không có hệ thống tên lửa BUK hay bất kỳ vũ khí nào của các lực lượng vũ trang Nga được chuyển qua biên giới nước này vào U-crai-na. Theo bộ này, không phận nơi xảy ra vụ máy bay rơi do hai hệ thống tên lửa đối không tầm xa S-200 và 3 hệ thống tên lửa tầm trung BUK-M1 của U-crai-na kiểm soát. Đơn vị giám sát phòng không của Nga sáng 17-7 đã phát hiện hoạt động của trạm ra-đa Kupol, một bộ phận trong hệ thống tên lửa BUK-M1 có thể phóng tên lửa bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, Hội đồng An ninh và Quốc phòng U-crai-na khẳng định, các lực lượng U-crai-na không liên quan tới thảm họa này. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) ngày 19-7 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ lại cho rằng, chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không từ khu vực do lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông U-crai-na kiểm soát. Hiện cả quân đội U-crai-na lẫn lực lượng ủng hộ chủ trương liên bang hóa ở miền Đông đều cáo buộc nhau có dính líu đến vụ việc.

Tích cực  giúp đỡ thân nhân 3 người Việt gặp nạn

Ngay sau khi nhận được thông tin có 3 công dân Việt Nam (đồng thời có quốc tịch Hà Lan) có mặt trên chiếc máy bay bị nạn, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, U-crai-na, Hà Lan khẩn trương tìm hiểu thông tin liên quan đến công dân Việt Nam có mặt trên chuyến bay và thông báo, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết cho gia đình các nạn nhân. Hiện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, U-crai-na, Hà Lan đang tiếp tục tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sở tại giúp đỡ thân nhân những người bị thiệt mạng giải quyết hậu sự cho các nạn nhân.

Đoàn Ca

Bà của Thủ tướng Ma-lai-xi-a có mặt trên chuyến bay

Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a H.Hu-xên (Hishammuddin Hussein) hôm 19-7 xác nhận, bà ngoại kế của Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc (Najib Razak) là X.A-mi-ra (Sri Siti Amirah), 83 tuổi, cũng có mặt trên chuyến bay mang số hiệu MH17 bị rơi ở miền Đông U-crai-na. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng H.Hu-xên, vốn là họ hàng với Thủ tướng N.Ra-dắc, đã đăng tải hình ảnh của bà cụ đang đội chiếc khăn Hồi giáo với dòng tin nhắn "Hãy cầu nguyện cho bà".

Mất người thân trên cả chuyến bay MH370 lẫn chuyến bay MH17

Tờ Telegraph của Anh cho biết, một người phụ nữ Ô-xtrây-li-a tên C.Man (Kaylene Mann) mất anh trai và chị dâu trên chuyến bay mang số hiệu MH370 mất tích nhiều tháng qua, đã tiếp tục nhận tin dữ khi con riêng của chồng mình có mặt trên chuyến bay MH17 bị rơi ở U-crai-na.

HOÀNG VŨ/ QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất