Đoàn Việt Nam đề xuất đồng bảo trợ Nghị quyết về Tăng cường chuyển đổi
kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện với Campuchia, theo đó đoàn
Philippines cũng đề nghị đồng bảo trợ.
Ngày 22/11, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông
Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), dưới sự
chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nhân quyền, Tiếp nhận khiếu nại và Điều tra
của Thượng viện Vương quốc Campuchia Yang Sem, Ủy ban Xã hội của AIPA
đã thảo luận và xem xét thông qua 3 dự thảo Nghị quyết.
Đoàn Quốc hội Việt Nam do Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Dương Minh Ánh dẫn đầu tham dự phiên họp.
Các nước đều nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết về thông qua Báo cáo của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 5 và không có đề xuất sửa đổi, bổ sung nào.
Đối với dự thảo Nghị quyết về Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện do Campuchia đề xuất, về cơ bản, các nước
đều nhất trí với dự thảo nghị quyết và ủng hộ việc tăng cường chuyển đổi
số trong bối cảnh hiện nay.
Tại phiên họp, đoàn Việt Nam đề xuất đồng bảo trợ nghị quyết này với
Campuchia, theo đó đoàn Philippines cũng đề nghị đồng bảo trợ và được
nước chủ nhà đồng ý.
Tại nghị quyết này, đoàn Việt Nam đề nghị bổ sung 4 nội dung, trong
đó có 3 kiến nghị và được hội nghị nhất trí, đó là khuyến khích Nghị
viện Thành viên AIPA đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mang tính toàn
diện, bao trùm và hướng tới tương lai bền vững, linh hoạt hơn, trước mắt
áp dụng cho công tác bảo trợ xã hội và phòng, chống dịch bệnh; tăng
cường tiếp cận kỹ thuật số cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam kêu gọi giám sát các hoạt động chuyển đổi
số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, an sinh xã hội nhằm công khai, minh
bạch việc thực hiện các chính sách này và kiểm soát tình trạng lạm dụng,
lợi dụng các chính sách của nhà nước, cũng như việc giám sát và ban
hành chính sách nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
trong môi trường mạng, góp phần vào việc bảo vệ xã hội toàn diện.
Đối với dự thảo Nghị quyết về Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để
giải quyết các thách thức trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
do Thái Lan đề xuất, về cơ bản, các nước thành viên AIPA thống nhất với
dự thảo.
Đoàn Việt Nam đã đề xuất bổ sung 3 kiến nghị và được hội nghị nhất
trí. Theo đó, nghị quyết kêu gọi tăng cường hợp tác xây dựng các chính
sách, giải quyết các vấn đề y tế khu vực và toàn cầu; tăng cường áp dụng
các chuẩn mực y tế của các nước theo hướng cập nhật với tiêu chuẩn của
khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số phục vụ cho công
tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tác động của dịch bệnh và tăng khả
năng tiếp cận của người dân đối với một số dịch vụ xã hội thiết yếu khi
dịch bệnh xảy ra; giảm khoảng cách tiếp cận kỹ thuật số giữa khu vực
thành phố với khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đoàn Việt Nam, cần xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội
mang tính bao phủ toàn dân, hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế; trước
mắt nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng
yếu thế để giúp họ vượt qua những khó khăn sau dịch bệnh.
Dự thảo Nghị quyết về Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vì một cộng
đồng ASEAN thịnh vượng, tự cường và phát triển bền vững do Campuchia đề
xuất đã được thảo luận tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA. Về cơ bản, các
nước thành viên AIPA thống nhất với dự thảo.
Tại cuộc họp, đoàn Việt Nam và các quốc gia thành viên AIPA đã tích
cực tham gia đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đối với các
dự thảo nghị quyết. Phần lớn các đề xuất của cuộc họp đã được chấp thuận
và đưa vào Nghị quyết cuối cùng của Ủy ban Xã hội.
Kết thúc cuộc họp, các nghị quyết đã được thông qua với sự nhất trí của các nước thành viên AIPA tham dự cuộc họp./.
TTXVN