Mục đích chính của hội nghị đối thoại nhằm xây dựng một diễn đàn đối thoại thường niên khác với Diễn đàn cấp bộ trưởng, do EU dẫn dắt nhưng vượt ra ngoài biên giới EU và có sự tham dự của các đối tác có chiến lược riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong hai ngày 13-14/6, tại thủ đô Praha, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc đã tổ chức "Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" với sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Jan Lipavsky.
Tham dự có Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối
ngoại và an ninh Joseph Borrell, cùng hơn 120 đại biểu là các nhà ngoại
giao, chính khách, học giả đại diện cho các quốc gia khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương, cùng hàng chục hãng thông tấn, báo chí Séc, châu
Âu và quốc tế.
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng làm Trưởng đoàn.
Bộ Ngoại giao Séc cho biết mục đích chính của hội nghị đối thoại nhằm
xây dựng một diễn đàn đối thoại thường niên khác với Diễn đàn cấp bộ
trưởng, do EU dẫn dắt nhưng vượt ra ngoài biên giới EU và có sự tham dự
của các đối tác có chiến lược riêng về Ấn Độ Dượng-Thái Bình Dương ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tập hợp các nhà chính trị, quan chức cấp cao của các chính phủ, các
định chế tài chính, nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ (NGOs) và đại
diện giới doanh nghiệp thảo luận theo hình thức bàn tròn để thúc đẩy và
tăng cường hợp tác.
Tận dụng hình thức đối thoại này để triển khai Chiến lược hợp tác của
EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đưa ra các ưu tiên của EU trong
nhiệm kỳ Séc làm Chủ tịch luân phiên cùng với các chiến lược quan trọng
nhất và định hướng vững chắc.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Trong khuôn khổ 2 ngày làm việc với 6 phiên thảo luận theo hình thức
bàn tròn, các đại biểu đã tập trung vào những chủ đề chính, gồm những
thách thức và cơ hội đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; tính
tương hỗ trong các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; cấu trúc an
ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày nay; sự chống chịu về kinh tế là
ưu tiên hàng đầu; kết nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bền vững.
Chủ đề thảo luận cuối cùng là "Nguy cơ chung đối với khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ". Đây cũng là chủ đề có sự tham
dự của đại diện Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Séc đánh giá Diễn đàn Paris cấp bộ trưởng về Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương do Pháp tổ chức hôm 22/1 trong nhiệm kỳ Chủ tịch
Hội đồng Liên minh châu Âu là dấu mốc quan trọng để triển khai Chiến
lược của EU về hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thành công của diễn đàn đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho khả năng tổ
chức các cuộc thảo luận thường niên giữa EU với các đối tác tại Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương.
Do đó, trong bối cảnh Séc chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu thay Pháp kể từ tháng 7 tới, đối thoại cấp cao lần này được tổ chức
trên cơ sở sự hợp tác với các định chế của EU và được xem là cầu nối
giữa hai nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp và Cộng hòa Séc.
Bộ Ngoại giao Séc nhấn mạnh, như Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương của EU đã khẳng định, một trong những mục tiêu của đối thoại là
làm sâu sắc thêm sự can dự của EU với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky
cho biết mục đích của Đối thoại là nhằm đưa EU và khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương xích lại gần nhau để cùng lắng nghe về những quan
ngại, thách thức với cả hai bên và cùng nhau tìm kiếm những nỗ lực để
giải quyết. Theo đó, vấn đề an ninh, mà trước hết là an ninh hàng hải,
chính là thách thức trước tiên mà cả hai bên đang cùng phải đối mặt.
Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavský trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Cũng theo Bộ trưởng Lipavsky, EU hiện đã nhất trí về "La bàn Chiến
lược" sau một quá trình thảo luận lâu dài. Đây là tài liệu an ninh quan
trọng đối với EU, trong đó EU cũng khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ
với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ trong lĩnh vực an
ninh, mà còn cả hợp tác về kinh tế./.
Lê Ngọc Long (TTXVN)