Các đại biểu cho rằng hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh đã có
nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt giảm cơ chế xin cho, tạo điều kiện
thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; lĩnh vực nông nghiệp và nông
thôn có những bước tiến rất quan trọng. Nổi bật là hiệu quả trong phong
trào xây dựng nông thôn mới; tích cực ngăn ngừa sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, trong khi dịch bệnh này đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới.
Các đại biểu Quốc hội nhận định nhiều vụ án lớn, quan trọng đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh; công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, kiểm toán và các cơ quan chức năng đã chuyển nhiều vụ
việc cho các cơ quan điều tra xử lý; an ninh quốc phòng được giữ vững;
đối ngoại đạt nhiều thành tựu khi tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn
mang tầm quốc tế...
Những kết quả đó không chỉ thể hiện nỗ lực của chính phủ, các cấp,
các ngành, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để giải quyết tốt các vấn đề xã hội, các đại biểu cho rằng cần có sự vào
cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời các cơ quan chức năng phải có
những giải pháp mang tính chiến lược, tạo niềm tin trong nhân dân.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Phân tích những vấn đề "nóng" đang xảy ra mà dư luận xã hội rất quan
tâm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng các cơ quan chức
năng cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, tránh tình trạng
giải quyết theo phong trào.
"Chúng ta cần đi trước một bước, có những phương án đề phòng chứ
không nên để sự việc xảy ra rồi mới tìm hướng xử lý", đại biểu nêu ý
kiến.
Đại biểu cho rằng ý thức chấp hành pháp luật của người dân là then
chốt để tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội của đất
nước, cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng hiện nay
còn rất hạn chế. Dân chủ là tốt nhưng phải gắn liền với kỷ cương, tránh
gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo đại biểu, việc vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi, hay
những hành động lệch chuẩn vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng chưa được xử
lý nghiêm minh nên đã tạo những thành thói quen xấu.
"Tại sao người dân Việt Nam ra nước ngoài rất tuân thủ pháp luật
nhưng khi trở về lại vẫn vi phạm, hay người nước ngoài sang Việt Nam
cũng có hành vi coi thường pháp luật", đại biểu nêu quan điểm.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại biểu cho rằng quan
trọng là do quản lý nhà nước, xử lý vi phạm còn hạn chế. Hiện đã có
những tín hiệu đáng mừng là nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, nhưng
mới mang tính tình thế chứ chưa có giải pháp mang tính chiến lược.
Theo đại biểu, nhiều sự việc xảy ra nhưng chỉ khi báo chí phản ánh,
cơ quan chức năng mới vào cuộc nên vẫn chưa đảm bảo tính công bằng trong
việc thực thi pháp luật.
Cho rằng pháp luật liên quan đến các vấn đề xã hội phải có tính khả
thi và thực tiễn mới đem lại hiệu quả, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lấy ví
dụ hành động sàm sỡ phụ nữ mà chỉ bị phạt 200.000 đồng là không đủ răn
đe, hay việc uống rượu sau khi lái xe gây tai nạn ở mức nhẹ chỉ bị phạt
hành chính cũng không đem lại hiệu quả...
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn),
cho biết cử tri rất bất an trước những vấn đề đang diễn ra như đạo đức
nhà giáo, lái xe gây tai nạn...
Theo đại biểu, các lái xe vẫn thường xuyên được kiểm tra sức khỏe,
nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn
nghiêm trọng, nên phải xem xét đến tính chính xác trong việc kiểm tra
của cơ quan chức năng, hay có lỗ hổng nào dẫn đến sự thiếu sót.
Đại biểu đề nghị các ngành liên quan cần thực hiện tốt công tác kiểm
tra định kỳ, nhất là Bộ Y tế phải kiên quyết trong việc kiểm tra sức
khỏe của lái xe... để hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc, giúp người
dân yên tâm khi ra đường.
CÔNG KHAI KẾT QUẢ XỬ LÝ VI PHẠM KỶ LUẬT
Phân tích những khó khăn trong việc xử lý các sự việc liên quan đến
pháp luật, đại biểu Hầu Văn Lý (Hà Giang) cho biết quan trọng nhất vẫn
là ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật còn hạn chế.
"Chúng tôi rất khó chịu khi phải nghe điện thoại của người quen để
xin xỏ khi vi phạm luật giao thông", ông Hầu Văn Lý nêu ý kiến.
Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông và nâng cao ý thức của người
dân, đại biểu Hầu Văn Lý đồng ý với nhiều đại biểu khác trong việc nâng
cao mức phạt nhưng cũng cần xem xét mức độ vi phạm đến đâu để có chế
tài xử lý công bằng, vì hành vi vô tình vi phạm luật giao thông khác với
việc cố tình.
Về ý kiến cho rằng pháp luật đang chạy theo dư luận, đại biểu Hầu Văn
Lý khẳng định không hẳn như vậy, mà việc xử lý các vụ án có hiệu quả
hay không liên quan đến nhiều yếu tố.
Ông Hầu Văn Lý cho biết nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, người nhà
nạn nhân khởi kiện rất căng thẳng, nhưng vì lý do nào đó lại từ chối
việc giám định tử thi, thậm chí còn rút đơn kiện, nên cơ quan chức năng
rất khó khăn trong việc đánh giá nguyên nhân, mức độ thương tích.
"Nhiều vụ án hòa giải xong, người nhà nạn nhân lại khởi kiện, nhưng
nạn nhân đã hỏa thiêu thì chẳng còn chứng cứ gì để điều tra", đại biểu
Hầu Văn Lý cho biết.
Nêu quan điểm về những vấn đề gây bức xức trong xã hội, đại biểu Phan
Thái Bình (Quảng Nam) cho biết qua tiếp xúc cử tri, người dân rất quan
tâm đến tình trạng tai nạn giao thông và những gian lận trong ngành giáo
dục.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Bình Dương, Tiền Giang thảo luận tại tổ. (Ảnh: TTXVN)
Theo đại biểu, đa số cử tri yêu cầu cơ quan chức năng cần đánh giá
được nguyên nhân gây ra những tình trạng trên và công bố công khai kết
quả xử lý để tạo niềm tin trong xã hội.
Phân tích về việc xử lý gian lận trong thi cử, đại biểu Phan Thái
Bình cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án xử lý quyết liệt
hơn chứ không thể buông lỏng như thời gian qua.
"Đã gian lận là hủy luôn kết quả thi chứ không thể trừ đi điểm gian
lận mà đủ điểm đỗ vẫn tiếp tục đi học được", đại biểu nêu ý kiến.
Để việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao, đại biểu Nguyễn Mạnh
Cường (Quảng Bình) cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đưa
ra những giải pháp hữu hiệu, nhưng cần đề cao trách nhiệm của người
đứng đầu, cũng như trao thẩm quyền cho người thi hành công vụ, tránh
trường hợp người thực thi pháp luật không bảo vệ được sự an toàn của
chính mình khi rơi vào tình trạng nguy hiểm./.
(TTXVN)