Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 6/2/2014 15:2'(GMT+7)

Việt Nam hoan nghênh ý kiến mang tính xây dựng tại UPR

Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước, tổ chức quốc tế và những ý kiến bình luận, khuyến nghị mang tính xây dựng của các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) tại phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam ngày 5/2.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ ngày 27/1 đến 7/2 với 14 quốc gia thành viên LHQ và Việt Nam đến kỳ trình bày báo cáo quốc gia (định kỳ 4-5 năm một lần) theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và không chính trị hóa. 

Khi các nước ra trình bày báo cáo quốc gia và đối thoại về quyền con người, các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ tiến hành bốc thăm nhóm Troika (ba nước) cho từng nước. 

Ba nước chủ trì phiên rà soát định kỳ phổ quát đối với Việt Nam năm nay qua bốc thăm là Kenya, Kazakhstan và Costa Rica. 

Việt Nam coi trọng cơ chế UPR và đã nghiêm túc chuẩn bị báo cáo theo cơ chế này, coi đây không chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên LHQ, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mà còn là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và đại diện các tầng lớp nhân dân Việt Nam xem xét toàn diện, liên ngành, về chính sách, luật pháp và thực tiễn đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam. 

Cũng từ đó, và qua phiên đối thoại, Việt Nam đúc rút được những bài học kinh nghiệm tốt và thấy rõ hơn những thách thức để đề ra những giải pháp hiệu quả vì sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. 

Báo cáo của Việt Nam đã được đa số các nước tham gia phiên đối thoại đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, có nội dung phong phú, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người và hợp tác quốc tế; các nước cũng đánh giá cao cách đề cập xây dựng, cởi mở làm tăng tính thuyết phục trong báo cáo của Việt Nam. 

Việt Nam chia sẻ quan điểm của nhiều nước cho rằng các quyền con người là phổ quát, không thể tách rời, phụ thuộc và liên quan lẫn nhau; việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người là trách nhiệm hàng đầu của các quốc gia; trong quá trình thực hiện cần tính đến các yếu tố đặc thù của quốc gia và khu vực, cũng như các hoàn cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa, tôn giáo. 

Trên tinh thần đó, trong những năm vừa qua, Nhà nước Việt Nam, với việc coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người, đã chú trọng thực hiện các chương trình kinh tế xã hội nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời coi trọng việc phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy công bằng và an sinh xã hội... 

Những nỗ lực này được sự ủng hộ, tham gia rộng rãi của nhân dân đã đem đến nhiều đổi thay tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội, tuy cũng còn những thách thức phải tiếp tục phấn đấu giải quyết. 

Trong thời gian tới, những ưu tiên và cam kết trong việc tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam bao gồm: Tăng cường công tác kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, đảm bảo hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế; 

Tập trung các chính sách để tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế vào hệ thống an sinh xã hội, nghiên cứu khả năng phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp;

Đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục hướng đến hai mục tiêu: tăng tỉ lệ nhập học đúng tuổi ở mọi cấp giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục; 

Giáo dục về quyền con người là hướng ưu tiên đặc biệt nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân; 

Tập trung các chính sách và chiến lược nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; 

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới; Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần; 

Tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người; 

Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền, hợp tác đầy đủ và xây dựng với các Thủ tục đặc biệt, trong đó có việc xem xét tích cực các đề nghị vào thăm; 

Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các Công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về quyền con người./. 


Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất