Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 20/5/2013 16:12'(GMT+7)

Viêt Nam học hỏi quốc tế để xây dựng sàn an sinh xã hội

Bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo huyện Bình Chánh, TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo huyện Bình Chánh, TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đây là nội dung của hội thảo “Cơ sở khoa học của việc xây dựng sàn an sinh xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020” do Viện Khoa học-lao động và xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 20/5.
 
Về mặt lý thuyết, theo Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) của Liên hợp quốc, thì sàn an sinh xã hội chính là hệ thống các chính sách nhằm giúp người dân được quyền tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu theo chuẩn quốc gia. Mức sàn này đảm bảo người dân được cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, được chăm sóc y tế, được giáo dục, được dùng nước sạch và có nhà ở.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, trong những năm vừa qua, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đã trở thành chỗ dựa cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế khiến các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ được hết những khó khăn của người dân.

Theo các chuyên gia, để nâng cao sự tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, trợ cấp xã hội cho người nghèo và đối tượng yếu thế, Việt Nam cần tiến hành xây dựng một sàn an sinh xã hội như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. 

Cụ thể, mức sàn này sẽ thiết lập các mức trợ cấp xã hội cơ bản nhằm cung cấp thu nhập tối thiểu, bảo đảm sinh kế cho người nghèo và đối tượng yếu thế. Họ sẽ được tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục và công tác xã hội theo một mức đã được quy định rõ.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, sàn an sinh xã hội không chỉ hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế vượt qua các rủi ro hiện tại mà nó còn giữ vai trò quan trọng cho phát triển bền vững trong lương lai.

“Sàn an sinh xã hội không đưa ra một mức chuẩn nào chung cho mọi quốc gia mà nó tùy thuộc vào khả năng kinh tế, các lĩnh vực ưu tiên của từng quốc gia. Tùy vào từng quốc gia mà sẽ có những nhóm đối tượng, những vấn đề cấp bách cần giải quyết sớm và những nội dung phải giải quyết lâu dài,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Trong thực tế, đảm bảo an sinh xã hội luôn là một chủ trương và định hướng lớn của Việt Nam, cụ thể, dù còn là một quốc gia nghèo nhưng Việt Nam luôn ưu tiên các nguồn lực để bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trong giai đoạn 2003-2011, tổng chi cho an sinh xã hội liên tục tăng, bình quân đạt 95.000 tỷ đồng/năm và bằng 6,6% GDP; trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 51%. Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, công tác tạo việc làm chưa bền vững, tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn, trong thanh niên có xu hướng gia tăng... đòi hỏi cần có những thay đổi để các chính sách có hiệu quả thực hiện cao hơn trong tương lai./.

Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất