Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 và
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), Bộ Y tế phối hợp với các đơn
vị tổ chức lễ phát động, diễu hành cấp quốc gia tại tiền sảnh nhà hát
Trưng Vương (Đà Nẵng) sáng 26/11.
Tham dự lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo
các bộ ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ và
khoảng hơn 2.000 người dân thành phố Đà Nẵng.
Đại dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục là mối đe
dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Cho đến nay, thế
giới vẫn có hơn 36 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 40
triệu người đã tử vong do AIDS kể từ khi hội chứng này được phát hiện.
Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm
HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cả nước hiện có gần
230.000 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được thống kê và xấp xỉ
90.000 người đã tử vong.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị,
công tác phòng, chống HIV những năm qua ở Việt Nam đã được thế giới ghi
nhận. Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can
thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm
HIV/AIDS.
2016 được ghi nhận là năm thứ 9 đại dịch
HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí (giảm người nhiễm mới, người
chuyển sang giai đoạn AIDS và người tử vong do AIDS).
Nhiều mô hình tốt trong các lĩnh vực
khác nhau đã góp phần giảm thiểu sự lây lan, ảnh hưởng của HIV/AIDS
trong cộng đồng, điển hình là chương trình điều trị nghiện ma túy bằng
methadone, khuyến khích sử dụng bao cao su, trao đổi bơm tiêm sạch...
|
Nhiều bạn trẻ tham gia lễ mít tinh kêu gọi giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi mọi người
hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình
trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được
điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị
bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp) và
hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Các tỉnh, thành trong cả nước cần hướng
tới mục tiêu “3 không” như Đà Nẵng đã làm là không còn người nhiễm mới,
không còn người tử vong do AIDS, không còn bệnh nhân HIV/AIDS bị phân
biệt đối xử.
Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ của gia
đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm
HIV/AIDS với gia đình, xã hội nhằm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử.
Sau buổi lễ, đông đảo người dân đã cùng
đi bộ và diễu hành bằng xe máy với lời kêu gọi cùng đồng hành, chống kỳ
thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS./.
Theo Chinhphu.vn