Thứ Tư, 25/12/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 7/4/2009 20:9'(GMT+7)

"Việt Nam ít có nguy cơ khủng hoảng tài chính"

“Về tài chính, Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều từ tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu do hệ thống tài chính còn non trẻ, các ngân hàng của Việt Nam không tiếp cận với các sản phẩm ‘độc hại’ cũng như không năm trong quyền kiểm soát của các ngân hàng nước ngoài trong diện rủi ro cao,” Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nói.
 
Theo ông Rama, một lý do nữa là trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ vào cuối năm 2008, hệ thống tài chính của Việt Nam đã trải qua một quá trình điều chỉnh trước đó do “cú sốc” khủng hoảng tín dụng từ cuối năm 2007 tới tháng 3/2008 khiến tín dụng tăng tới 63%/năm, kéo theo bong bóng bất động sản, lạm phát gia tăng và gần 3 tỷ USD thâm hụt thương mại.
 
Trước tình hình trên, chính phủ Việt Nam đã chuyển hướng ưu tiên từ tăng trưởng sang ổn định kinh tế với gói 8 nhóm giải pháp công bố vào cuối tháng 3/2008. Tới tháng 11/2008, Việt Nam lại một lần nữa chuyển hướng sáng kích cầu kinh tế với gói 5 nhóm giải pháp.
 
Những giải pháp chính sách cương quyết này, theo ông Rama, đã giúp Việt Nam vượt qua cả hai “cú sốc” trên mà không gây ra những biến động kinh tế.
 
“Kết quả của quá trình điều chỉnh là thâm hụt thương mại đã giảm dần, chuyển sang thặng dư nhỏ, lạm phát giảm đáng kể trong nửa cuối 2008 và khu vực tài chính đã được cải thiện tốt,” Chuyên gia kinh tế trưởng khẳng định.
 
Theo WB, nhóm giải pháp kích cầu của chính phủ Việt Nam đã bắt đầu phát huy tác dụng vào quý I năm nay. Xuất khẩu quý I mặc dù chỉ tăng khiêm tốn 2,4% so với mức tăng trưởng trên dưới 20% của những năm trước nhưng so với các nước khác trong khu vực, nơi xuất khẩu giảm từ 20-50%, thì “đây là thành công đáng khích lệ.”
 
Trong báo cáo “Nỗ lực đẩy lùi suy thoái kinh tế toàn cầu,” WB vẫn dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP từ 5-5,5% trong năm nay, trong khi dự báo cho các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và những nền kinh tế mới công nghiệp hóa (NIE) chỉ là 1,2% (không kể Trung Quốc). Nếu kể cả Trung Quốc, mức dự báo là 5,3%.
 
Về triển vọng tăng trưởng, Chuyên gia kinh tế Martin cho rằng xây dựng có thể là ngành quyết định đem lại một mức tăng trưởng khá cho Việt Nam. Nhờ gói kích cầu, ngành xây dựng trong quý I đã tăng trưởng trở lại với mức 5,6%.
 
Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực, WB nhận định khu vực Đông Á đang phát triển có viễn cảnh sáng sủa hơn so với các khu vực kinh tế đang phát triển khác. Tuy nhiên tăng trưởng yếu sẽ làm chậm lại tiến trình giảm nghèo của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Với tỷ lệ thất nghiệp chính thức tăng từ 1 triệu tháng 1/2008 lên khoảng 24 triệu trên toàn khu vực, ước tính sẽ có 10 triệu người nữa tiếp tục sống trong nghèo đói./. 
 
DT theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất