Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 6/4/2009 12:54'(GMT+7)

Doanh nghiệp làng nghề trăn trở tìm lối ra

Ở La Phù, rất đông doanh nghiệp làm hàng dệt. Các công ty gia đình đều đầu tư máy móc và sử dụng không nhiều thủ công

Ở La Phù, rất đông doanh nghiệp làm hàng dệt. Các công ty gia đình đều đầu tư máy móc và sử dụng không nhiều thủ công

Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có lẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tình trạng chung là đơn hàng ít đi, bị ép giá, bị kiểm định gắt gao hơn… Nếu doanh nghiệp không trụ nổi, thì lao động mất việc (điều này đã và đang xảy ra), từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy, làm nảy sinh các vấn đề xã hội.

Trong lúc này, các doanh nghiệp làng nghề đang nỗ lực với trăm phương nghìn kế để duy trì sản xuất, vượt qua khủng hoảng và để hy vọng đến giai đoạn phục hồi. 

Cứ tưởng xuất khẩu được nhiều là mừng!

Kể với chúng tôi về công việc làm ăn năm 2008, chị Tạ Thị Hà (Công ty dệt may thương mại Việt- Mỹ ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) không giấu được vẻ thất vọng: “Năm ngoái “đen” quá. Đầu tư mở rộng sản xuất, xuất khẩu được nhiều, thế mà lãi thì không bằng phần hàng bán ở thị trường trong nước…”.

Năm ngoái, chị vay vốn ngân hàng, mở thêm xưởng dệt (dệt len, dệt quần áo cotton). Trong khi nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn đặt hàng thì công ty của chị vẫn có khá nhiều đơn hàng xuất khẩu. Nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, một số bạn hàng không có khả năng thanh toán. Thế là dẫn đến nào là hàng bị tồn đọng, hoặc hàng xuất đi rồi mà tiền thì không biết bao giờ mới về, rồi bị ép giá- khách đòi bớt 20.000 USD nếu không thì không thanh toán...

Chị nhắc đến từng khoản tiền hàng chục ngàn USD bặt vô âm tín mà xót xa. Cũng phải thôi, vốn lập nghiệp từ nghề hàng xáo, chị chắt chiu từng đồng để gây dựng nên công ty với cả trăm nhân công như bây giờ. Và dù khó khăn đến đâu, chị cũng vẫn phải lo đủ lương trả cho thợ.

Lúc này, chị Hà đang hy vọng bán được số hàng tồn, rồi vay thêm vốn ưu đãi nếu được để tiếp tục sản xuất. Năm nay, chị xác định sẽ tập trung vào thị trường trong nước, tăng cường lượng hàng với những mối hàng sẵn có ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Hà Nội. “Hàng mình làm đẹp, bán được ở thị trường Mỹ, Hàn Quốc, thì mình tự tin sẽ mở rộng được thị trường trong nước…”. Theo chị, thị trường trong nước còn có cái lợi là không phải đầu tư nhiều vốn, “mình có uy tín thì tận dụng uy tín để trao đổi”.

Quyết tâm làm một cách bài bản, chị Hà còn đang tìm người thiết kế mẫu mã mới, xây dựng một thương hiệu mới thay cho nhãn mác “Hà Khoa” vẫn dùng 2 năm nay. Ở La Phù có trên 10.000 dân thì 60% làm nghề dệt. Không ít thì nhiều, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung. Hiện tại, những nghề phi nông nghiệp trong xã thu hút khoảng 15.000 lao động từ các tỉnh bạn, các vùng lân cận về làm việc thường xuyên. Ông Tạ Công Luận- Phó Chủ tịch UBND xã lo ngại: Nếu khó khăn kéo dài, người ta bị mất việc sẽ bỏ đi nơi khác, sau này khó mà phục hồi lại được như bây giờ.  

Tập trung vào hàng… 99 xu!

Anh Trần Cao Thiện, Giám đốc công ty chế tác và sản xuất gốm sứ Bát Tràng (làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cũng chuyên làm hàng xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU…; cho biết, từ năm ngoái đến nay, hàng không xuất khẩu được nhiều như trước (đơn hàng chỉ bằng 30-40% so với trước kia), giá cũng phải hạ thấp hơn, mà khách hàng thì đòi hỏi cao hơn, nhưng trả tiền chậm hơn…

Nếu như trước kia, làm hàng xuất khẩu có thể thu lãi 20-25%, thì nay, anh Thiện cho rằng chỉ lãi dưới 10%. “Nhưng vẫn phải làm thôi, để công nhân có việc đều, để giữ mối khách chờ khi thị trường lên”. Xưởng của anh Thiện có hơn 70 công nhân đang làm việc.

Chụp đèn hoàn toàn làm thủ công để xuất khẩu sang châu Âu
Giải pháp của anh Thiện là thay đổi phân khúc thị trường, chọn những hàng rẻ tiền hơn, vốn đầu tư ít hơn, doanh thu có thể kém hơn nhưng vẫn bán được đều đều. “Những năm trước, hàng cao cấp chiếm tới 50% lượng hàng xuất khẩu của công ty, nhưng nay chỉ chiếm từ 5% đến 10%”. Giờ đây, công ty tạm thời sản xuất những mặt hàng giá rẻ hơn, ví dụ như những món đồ 99 xu được dùng thay tiền trả lại ở siêu thị của nước ngoài.

Ngoài ra, anh Thiện cho biết công ty vẫn duy trì mảng thị trường nội địa. Để giảm chi phí, anh tự lo việc làm hàng mẫu (khâu trước đây thường thuê). 

Khó mấy vẫn giữ nghề gia truyền

Một đồng nghiệp thường có việc qua lại làng làm tượng gỗ Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), nói với chúng tôi rằng: khủng hoảng kinh tế chẳng ảnh hưởng gì đến nơi này. Làng vẫn làm hàng đều đều (tượng Phật để thờ).

Có dịp đến xưởng làm đồ thờ Tiến Hiền ở làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), thì lại nghe ông chủ Nguyễn Khắc Tiến so sánh: Tháng giêng năm ngoái thì thu được hơn 50 triệu đồng tiền hàng, tháng giêng vừa rồi chỉ 6-7 triệu. Giá gỗ các loại có giảm nhưng gỗ mít – nguyên liệu chủ yếu làm đồ mộc thờ - giá không giảm. Nhà ông Tiến làm nghề này đã mấy đời, bạn hàng cũng có ở khắp nơi, sản phẩm từng được đặt làm để mang ra nước ngoài, nhưng lúc này cũng thấy rõ những khó khăn. Làm đồ gỗ thờ: tượng phật, hoành phi câu đối, hoa văn dân tộc… phải cần đến thợ khéo và mặc dù nhiều công đoạn nay đã được máy cưa máy tiện hỗ trợ, nhưng vẫn rất công phu. Xưởng của ông Tiến vẫn duy trì sản xuất. Ông lập luận: “Hàng này của chúng tôi nếu chưa bán cũng không hỏng, nên tôi cứ làm ra để đợi bán được. Cũng không lo không bán được, bởi việc thờ cúng, hướng về tổ tiên, có ý nghĩa giáo huấn, thời buổi nào người ta cũng chú trọng…”

Khó khăn chung khiến sản xuất bị thu hẹp. Một số nhà máy đóng cửa, lao động mất việc trở về quê, khiến cho sức ép việc làm ở nông thôn lại càng tăng lên. Trong bối cảnh đó, sự năng động của các doanh nghiệp nông thôn, vì sự tồn tại của chính bản thân họ, cũng đã giúp giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương./.

Ngọc Diệp- Đỗ Hưng  (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất