Trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu đối với một quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, Chương trình THQG Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua việc hỗ trợ DN xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các DN Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Là cơ quan quản lý Chương trình, Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thông qua việc tư vấn phát triển kinh doanh, thiết lập hệ thống thông tin và kiến thức cập nhật về thương hiệu.
Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được chú trọng nhằm tăng cường sự nhận biết của công chúng, người tiêu dùng và khách hàng quốc tế về chương trình THQG và sản phẩm đạt THQG qua nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế.
Hằng năm, ngày 20-4 được chọn là "Ngày thương hiệu Việt Nam" nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực vào việc xây dựng và quảng bá các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, quy trình sản xuất thân thiện môi trường và tính chuyên nghiệp; từ đó góp phần nâng tầm vị thế của các thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang và sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình THQG và các doanh nghiệp, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia gắn liền với các hoạt động ngoại giao, văn hóa và du lịch, đặc biệt tập trung tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực, nhằm nâng cao vị thế và giá trị của Thương hiệu quốc gia cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận với khách hàng/ người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế. Có thể thấy, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã liên tục được cải thiện và hiện đang nằm trong nhóm thương hiệu mạnh, được định vị tốt trên toàn cầu.
Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Điển hình, trong 3 năm trở lại đây thứ hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình THQG Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá từ Brance Finance – tập đoàn hàng đầu thế giới về đánh giá thương hiệu các quốc gia năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid 19 diễn biến vô cùng phức tạp. Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm. Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Với sự hỗ trợ của Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel - Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH, doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc, thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới…
Năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức Diễn đàn THQG Việt Nam 2022 tại Hà Nội. Diễn đàn năm nay có những câu chuyện Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp được nhìn nhận từ góc nhìn quốc tế và việc đẩy mạnh Quảng bá hàng hóa và thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ. Đây là những điều không mới nhưng cần được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn nữa cũng như tận dụng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra nước ngoài, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Có thể nói, xây dựng THQG là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia, còn năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Duy Phong