Ngày 19/5, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York, Mỹ,
Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận toàn thể về
quan hệ giữa Liên hợp quốc, các nghị viện và Liên minh Nghị viện thế
giới (IPU), tổ chức quốc tế lớn nhất đại diện cho nghị viện các quốc
gia.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại diện các nước đều đề cao vai trò
của IPU trong đời sống nghị viện quốc tế và ủng hộ mối quan hệ hợp tác,
gắn bó, bổ trợ lẫn nhau giữa IPU và Liên hợp quốc, hai tổ chức toàn
cầu cùng chia sẻ mục tiêu chung là thúc đẩy hòa bình, hợp tác phát triển
và bảo đảm quyền con người.
Đại diện các nước đều đánh giá cao đóng góp của IPU đối với công việc
và các tiến trình chung của Liên hợp quốc, đặc biệt là quá trình thực
hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và xây dựng Chương
trình nghị sự phát triển sau năm 2015, đồng thời mong muốn mối quan hệ
hợp tác này ngày càng được đẩy mạnh.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn
đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ những
đánh giá và ý kiến của đại diện các quốc gia về vai trò, vị trí của
IPU; đồng thời nhấn mạnh những đóng góp cụ thể của IPU trong việc
không ngừng nâng cao vị thế của Liên hợp quốc trên trường quốc tế
cũng như ở cấp độ quốc gia.
Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU trong 35 năm qua,
Quốc hội Việt Nam đã tham gia các hoạt động của IPU theo tôn chỉ, mục
đích chung của tổ chức này và không ngừng đẩy mạnh quan hệ với các
nghị viện và các dân tộc trên thế giới.
Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ tổ chức Đại Hội đồng IPU lần thứ 132 tại
Hà Nội vào tháng 3/2015 với chủ đề “Nghị viện và việc thực hiện các mục
tiêu phát triển bền vững sau năm 2015.
Đại sứ Lê Hoài Trung cho rằng tình hình phức tạp và căng thẳng hiện nay
ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có những căng thẳng đang diễn ra
tại Biển Đông, càng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ và bảo
vệ hòa bình trên thế giới.
Điều này đòi hỏi các quốc gia cần luôn quan tâm và quyết tâm thúc đẩy
việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là
tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không đe dọa
hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo
quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó
có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Kết thúc phiên thảo luận, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua
bằng đồng thuận Nghị quyết về “Quan hệ giữa Liên hợp quốc, các nghị
viện và IPU,” do Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Nga, Trung Quốc,
Singapore, Thái Lan, Philippines, Australia, Pháp, Canada..., là đồng
tác giả, với nội dung chính là tập trung thúc đẩy hợp tác, phối hợp
hoạt động ngày càng chặt chẽ hơn giữa Liên hợp quốc và IPU./.
(TTXVN)