Nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (30/1/1950-30/1/2010), Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov trao đổi với báo chí Việt Nam về những dấu ấn trong 60 năm thiết lập mối quan hệ song phương Việt - Nga.
** Thưa Bộ trưởng, theo đánh giá của ông thì 2 nước chúng ta đã đạt được những thành tựu chính nào kể từ khi thiết lập ngoại giao?
Bộ trưởng S.Lavrov: Đối với nước Nga, quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. 60 năm qua, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều thử thách, giữ được độ tin cậy và tình hữu nghị trong các mối quan hệ. Ngày nay, nhân dân 2 nước chúng ta tiếp tục cảm nhận những tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau vốn có. Không khí này thể hiện trong tất cả các mối quan hệ giữa hai nước. Đây là một trong những thành tựu chính.
Đầu thế kỷ này, những tiếp xúc chính trị cấp cao giữa 2 nước đã đưa quan hệ hợp tác song phương lên cấp độ mới mang tính đối tác chiến lược. Quan hệ đối tác chiến lược này phù hợp với lợi ích của nhân dân 2 nước, là nhân tố quan trọng củng cố an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, Nga và Việt Nam đặc biệt chú ý phát triển việc phối hợp hành động giữa 2 nước. Cơ sở đáng tin cậy của chính sách này là kinh nghiệm hợp tác được tích luỹ trong tất cả các lĩnh vực. Biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả này phải kể đến các công trình Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, Xí nghiệp Liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí Vietsovpetro và nhiều công trình khác, đang góp phần củng cố tiềm lực công nghiệp của Việt Nam.
Trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống phải kể đến sự hợp tác trong giáo dục, văn hoá, đào tạo nguồn nhân lực. Hàng chục nghìn người Việt Nam được đào tại Nga và hiện đang làm việc có hiệu quả tại Việt Nam. Những ngày văn hoá, tuần phim, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm theo các chủ đề khác nhau được tổ chức thường xuyên càng góp phần tăng cường sự hiểu biết gần gũi.
|
Bộ trưởng S.Lavrov |
Tôi cũng muốn nêu bật tình cảm đặc biệt nồng ấm và chân thành của nhân dân Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Nga. Tôi càng cảm nhận được điều này khi gặp gỡ các đại biểu đại diện Hội Hữu nghị Việt-Nga tại Hà Nội tháng 7/2009. Về phần mình người dân Nga cũng đáp lại với tình cảm tương tự.
** Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ Việt-Nga hiện nay và triển vọng mối quan hệ này?
Bộ trưởng S.Lavrov: Sau thời gian khó khăn những năm 90 của thế kỷ trước, quan hệ Nga-Việt bước vào thời kỳ mới và hiện đang phát triển năng động. Cơ sở của sự hợp tác là Tuyên bố chung về đối tác chiến lược ký tháng 3/2001 tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước của Tổng thống Liên bang Nga.
Trong thời gian qua, chúng ta đã soạn thảo và thống nhất những định hướng phù hợp giải quyết những vấn đề chưa thống nhất trong quan hệ song phương. Đối thoại chính trị mang tính tích cực trên mọi cấp, kể cả ở cấp cao. Trong vòng 10 năm lại đây, Tổng thống Nga đã 2 lần thăm Việt Nam (năm 2001 và 2006); Thủ tướng Nga thăm Việt Nam 2 lần (năm 2002 và 2006). Trong thời gian này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Nga năm 2002; Chủ tịch nước Việt Nam thăm Nga 2 lần (năm 2004 và 2008); Thủ tướng Việt Nam thăm Nga 3 lần (năm 2000, 2007 và 2009).
Hai nước cũng có quan điểm gần gũi và tương đồng đối với phần lớn các vấn đề quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Nga và Việt Nam luôn chủ trương và ủng hộ việc thông qua những quy định mang tính tập thể trong các chính sách quốc tế, dựa trên cơ sở lập pháp quốc tế với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc. Điều này được thể hiện trong thời gian Việt Nam thực hiện trọng trách Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khác nhau.
Chúng ta cũng có quan điểm chung đối với việc phải tìm kiếm cách giải quyết hiệu quả các thách thức và đe doạ toàn cầu, như hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, chủ nghĩa khủng bố và cực đoan quốc tế, ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia và thiếu hụt nguồn dự trữ tài nguyên.
Những tiếp xúc giữa Quốc hội 2 nước, việc trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, khu vực… đang diễn ra tích cực và thường xuyên.
Hợp tác kinh tế thương mại đóng vai trò quan trọng trong quan hệ song phương. Mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kim ngạch thương mại song phương tính đến tháng 10/2009 đạt 1,5 tỷ USD, là mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Hợp tác 2 nước trong lĩnh vực năng lượng được đánh giá là hiệu quả hơn cả. Các tập đoàn của Nga vốn có kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam đang hoạt động tích cực trên các thị trường ô tô tải, máy năng lượng, thông tin và viễn thông.
Nhìn chung, kết quả tích cực trong phát triển quan hệ song phương cho phép chúng ta có cái nhìn tích cực vào tương lai. Sự quan tâm sâu sắc trong hợp tác cùng có lợi, khả năng phát triển kinh tế của mỗi nước, sự mong muốn khai thác hiệu quả và tối đa tiềm năng sẵn có vì lợi ích của nhân dân 2 nước là sự bảo đảm cho thành công.
** Thưa Bộ trưởng, Việt Nam có vai trò như thế nào trong chính sách châu Á của Liên bang Nga, đặc biệt là trong năm 2010 này, Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN?
Bộ trưởng S.Lavrov: Việt Nam chiếm một vị trí ưu tiên truyền thống trong chính sách của Nga đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi tin rằng quan hệ Nga-Việt sẽ nhận được những thúc đẩy mới khi Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN. Nga đánh giá cao ý nghĩa hợp tác với tổ chức có uy tín này và sẽ là đối tác toàn diện trong đối thoại. Tôi cho rằng, với sự hỗ trợ tích cực của các bạn Việt Nam, cuộc gặp cấp cao Nga-ASEAN lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội vào mùa thu 2010 sẽ diễn ra thành công./.
TH (Theo